Ưu đãi thuế của Việt Nam đang được tập trung vào nhóm doanh nghiệp có quy mô lớn thuộc ngành công nghiệp (nhất là ngành chế biến và chế tạo), có vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh: Nhã Chi |
Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) vừa công bố kết quả một nghiên cứu sơ bộ về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với hiệu quả tác động kinh - tế xã hội.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ trọng thu ngân sách nhà nước trên GDP đã giảm từ mức 27,3% năm 2010 xuống 23,7% vào năm 2016. Trong đó, tỷ trọng thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp so với GDP giảm mạnh, từ 6,9% của năm 2010 xuống còn 4,3% vào năm 2017.
Đáng chú ý, ước tính từ năm 2012 - 2016, tổng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam cho các doanh nghiệp bằng 7% tổng thu ngân sách nhà nước, tương ứng với 5% tổng chi ngân sách nhà nước và luôn cao hơn số tiền mà ngân sách nhà nước chi cho y tế, cao nhất là năm 2012 với con số bằng 1,4 lần chi cho y tế.
Theo ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, các chính sách ưu đãi thuế của Chính phủ đều hướng tới một số mục tiêu kinh tế - xã hội nhất định, chẳng hạn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của một nhóm doanh nghiệp, lĩnh vực đầu tư hoặc địa phương. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của VEPR cho thấy mức ưu đãi không hề nhỏ, do đó, cần đong đếm cụ thể tác động và mức lan tỏa trong xã hội.
“Nếu ngân sách chịu thiệt lớn mà hiệu quả từ các chính sách ưu đãi thuế không lớn thì cần suy nghĩ lại là có đáng để ưu đãi hay không? Cần xem xét lại sự hy sinh này để có chính sách phù hợp hơn”, ông Thành nhấn mạnh.
Cùng nghiên cứu về vấn đề này, bà Nguyễn Thu Hương, quản lý Chương trình cấp cao về quản trị của tổ chức Oxfam tại Việt Nam nhận định, hiện nay, ưu đãi thuế của Việt Nam đang được tập trung vào nhóm doanh nghiệp có quy mô lớn thuộc ngành công nghiệp (nhất là ngành chế biến và chế tạo), có vốn đầu tư nước ngoài, nằm trong khu công nghiệp. “Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam đã tạo ra những phí tổn tài khóa đáng kể và làm gia tăng hơn nữa khoảng cách thu nhập giữa các tầng lớp dân cư”, bà Hương nhấn mạnh.
“Lý do chính của việc thu ngân sách từ thuế giảm xuống là sự tập trung vào giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và tăng ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này dẫn đến việc công nghiệp hóa theo hướng xuất khẩu ngày càng phát triển trong khi phát triển nông nghiệp và doanh nghiệp nhỏ bị bỏ lại”, ông Johan nói.
Từ phân tích đó, ông Johan Langerock khuyến nghị: “Việt Nam có thể loại bỏ ưu đãi thuế mà không làm tổn hại đến tăng trưởng hoặc khả năng cạnh tranh của quốc gia. Hơn nữa, với vai trò là Chủ tịch ASEAN trong năm 2020, Việt Nam nên bổ sung vấn đề về cạnh tranh thuế và ưu đãi thuế vào chương trình nghị sự của ASEAN nhằm nâng cao nhận thức và khởi xướng các thảo luận cấp khu vực về chủ đề này. Cả hai hành động này đều nhắm tới việc tăng nguồn thu ngân sách từ thuế một cách công bằng và bình đẳng. Nếu thành công, bất bình đẳng trong xã hội sẽ giảm và Chính phủ sẽ có nhiều nguồn lực hơn để đầu tư cho y tế, giáo dục và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đang ngày càng khốc liệt hơn ở Việt Nam”.