Các ngân hàng có lợi khi huy động USD sau đó chuyển sang tiền đồng và cho vay bằng tiền đồng |
Trước thông tin này, nhiều khách hàng DN lo ngại vì nhu cầu vốn ngoại tệ trong sản xuất, kinh doanh luôn có và thực tế cho thấy, các ngân hàng vẫn tăng huy động, dù lãi suất ở mức 0%/năm.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, Thông tư 24 có quy định riêng với 3 nhóm đối tượng có nhu cầu về vốn ngoại tệ. Thứ nhất là cho vay ngắn, trung và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ.
Với nhóm đối tượng này, thời hạn cho vay chỉ đến 31/3/2016, bởi theo NHNN, đây là các đối tượng không có nhu cầu về ngoại tệ mà vay ngoại tệ để sau đó bán ra thu về tiền đồng, mục tiêu là hưởng chênh lệch lãi suất.
Thứ hai là cho vay đối với các DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu vẫn được tiếp tục bình thường. Trước đây, Thông tư 43/2014 quy định chỉ đến ngày 31/12/2015 thì tại Thông tư 24, nhóm đối tượng này đã không còn bị giới hạn thời gian.
Thứ ba là cho vay để đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đối với các dự án, công trình quan trọng quốc gia được Quốc hội, Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư và đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài.
Thực tế, thời gian qua, dù nhu cầu ngoại tệ thanh toán luôn tăng, vay USD lãi suất thấp, song không phải DN nào cũng tiếp cận được vốn vay, thể hiện ở dư nợ tín dụng bằng USD giảm. Số liệu từ NHNN TP. HCM cho thấy, tính đến cuối năm 2015, dư nợ tín dụng của các NHTM trên địa bàn đạt 1.234.816 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cuối năm 2014. Trong đó, dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ đạt 137.817 tỷ đồng, chiếm 11,2% tổng dư nợ và giảm 16,23% so với cuối năm 2014. Theo các dự báo, nhiều khả năng tín dụng ngoại tệ sẽ còn giảm trong thời gian tới đây.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM cho biết, tín dụng ngoại tệ giảm chủ yếu là do yếu tố tỷ giá. Cụ thể, trong năm 2015, tỷ giá tăng cao khiến các DN xuất nhập khẩu đã chủ động điều chỉnh giảm dư nợ vay ngoại tệ nhằm tránh rủi ro tỷ giá. Nhu cầu ngoại tệ của DN vẫn được đảm bảo đáp ứng thông qua giao dịch mua - bán ngoại tệ của các NHTM. Theo ông Minh, diễn biến này là tích cực và phản ánh hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá cũng như lãi suất của NHNN.
Xu hướng chuyển dịch dần từ quan hệ gửi và vay vốn bằng ngoại tệ sang quan hệ mua - bán ngoại tệ nhằm mục tiêu đáp ứng nhu cầu vốn cho DN. Năm 2015, doanh số mua - bán ngoại tệ của các NHTM trên địa bàn TP. HCM đạt khoảng 102.253 triệu USD, tăng 15,16% so với năm 2014.
Trật tự thị trường tiếp tục được tăng cường, hạn chế găm giữ ngoại tệ, tính minh bạch và phòng ngừa rủi ro tỷ giá ngày càng tăng. Thế nhưng, vốn huy động bằng ngoại tệ tại TP. HCM đến cuối năm 2015 đạt 243.075 tỷ đồng, chiếm 15,5% trong tổng huy động vốn, tăng 14,82% so với cuối năm 2014. Mặc dù lãi suất huy động USD chỉ còn bằng 0%/năm, song huy động vốn ngoại tệ vẫn tăng đều đặn tháng sau so với tháng trước.
Theo nhận định từ một chuyên gia tài chính - ngân hàng, với khung lãi suất huy động ở mức 0%/năm như hiện nay, cộng với việc NHNN phá giá 2% và nới biên độ lên +/- 3%, vẫn thấp hơn lãi suất huy động tiền đồng, ngân hàng có lợi khi huy động USD sau đó chuyển sang tiền đồng và cho vay bằng tiền đồng.
Trong khi đó, lãnh đạo một nhà băng cho rằng, vay USD có chi phí thấp hơn VND nên nhu cầu vay ngoại tệ của DN vẫn cao. Đây cũng là lý do để các ngân hàng tăng huy động USD. Bên cạnh đó, dù lãi suất USD đã được NHNN đưa về mức 0%, song người dân vẫn tích cực gửi tiền tại các ngân hàng. Tuy nhiên, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC cho biết, các DN vay ngoại tệ nên cân nhắc, trước hết cần đảm bảo có nguồn thu ngoại tệ tốt, đảm bảo quản trị rủi ro tốt và lưu ý đến việc phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Hiện một số DN bắt đầu có xu hướng chuyển từ vay USD sang VND.
Từ đầu năm đến nay, tỷ giá VND/USD biến động không nhiều, thậm chí có thời điểm giá USD trên thị trường tự do thấp hơn các ngân hàng, song nhiều người vẫn chưa muốn chuyển USD sang VND. Theo dự báo của các chuyên gia, trong năm 2016 tỷ giá sẽ có nhiều biến động hơn 2015. Tuy nhiên, theo các nhà băng, đã có hiện tượng một số cá nhân bắt đầu tính toán, lựa chọn chuyển đổi từ USD sang VND gửi tiết kiệm để hưởng lãi suất cao hơn, dù một số khác vẫn muốn gửi USD tại ngân hàng, chấp nhận đây không phải là kênh sinh lợi nhưng an toàn.
Về phía NHNN, định hướng nhất quán là chống đô la hóa, nghĩa là chuyển từ quan hệ vay và gửi ngoại tệ sang quan hệ mua - bán, nâng cao vị thế của đồng Việt Nam. Khi thị trường tài chính tiền tệ phát triển hơn, NHNN sẽ xem xét cân nhắc có các biện pháp để hạn chế huy động ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng.