Siết cho vay ngoại tệ từ 31/3, ngân hàng, doanh nghiệp ảnh hưởng ra sao?

Trước những quan ngại về việc các NHTM không cho vay ngoại tệ từ 31/3/2016,  lãnh đạo NHNN khẳng định, đối tượng không được cho vay ngoại tệ tới đây chỉ là các doanh nghiệp vay phục vụ sản xuất – kinh doanh trong nước, mà trước đây vì kích cầu tín dụng nên được mở ra.
Siết cho vay ngoại tệ từ 31/3, ngân hàng, doanh nghiệp ảnh hưởng ra sao?

Tăng trưởng tín dụng đã tăng cao

Theo giải thích của ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ngày 25/12/2014, NHNN đã ban hành Thông tư số 43/2014 quy định việc cho vay bằng ngoại tệ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú tại Việt Nam. Theo đó, có 4 nhóm đối tượng được vay và cho vay bằng ngoại tệ.

Thứ nhất, cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất - kinh doanh để trả nợ vay.

Thứ hai, cho vay để đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đối với các dự án, công trình quan trọng quốc gia được Quốc hội, Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư và đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài.

Thứ ba, cho vay ngắn hạn đối với DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu.

Thứ tư, cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất - kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay.

Khách hàng không được vay ngoại tệ sẽ phải chuyển sang vay vốn bằng VND, trong khi lãi suất VND chắc chắn sẽ cao hơn lãi suất vay USD, dẫn đến chi phí vay vốn tăng lên.
Tiếp đó, ngày 8/12/2015, NHNN ban hành Thông tư 24/2015, có hiệu lực ngày 1/1/2016, quy định cho vay ngoại tệ của TCTD với người cư trú tại Việt Nam, quy định rõ, hai nhóm đối tượng đầu được cho vay ngoại tệ không giới hạn về mặt thời gian, còn hai nhóm tiếp theo được mở rộng đến 31/3/2016.

“Do vậy, các đối tượng có nhu cầu vay ngoại tệ thuộc nhóm 1, 2 tại Thông tư 43/2014 vẫn được vay bình thường. Còn nhóm 3, 4 thuộc nhóm vay ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất - kinh doanh trong nước, chứ không phải cần vay ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa đến ngày 31/3/2016 không được tiếp tục vay nữa. Nhóm này thường vay ngoại tệ để bán lại cho các ngân hàng lấy VND nhằm sử dụng nhu cầu vốn trong nước, qua đó, để hưởng lãi suất thấp của phần vay ngoại tệ”, ông Dũng nói.

Trước thắc mắc của phóng viên tại sao bây giờ NHNN mới siết lại đối tượng cho vay ngoại tệ, ông Dũng giải thích, trong giai đoạn trước, tăng trưởng kinh tế thấp, cầu tín dụng thấp nên để hỗ trợ DN, NHNN mở rộng đối tượng cho vay, còn hiện giờ kinh tế phục hồi, cầu tín dụng và cầu ngoại tệ tăng cao nên nhóm đối tượng này phải xét lại.

Đồng quan điểm trên, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, NHNN đã linh hoạt tạo điều kiện cho các DN vay ngoại tệ để thanh toán trong nước vài năm gần đây do muốn hỗ trợ tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, định hướng hạn chế cho vay ngoại tệ nhằm chống đô-la hóa nền kinh tế vẫn là mục tiêu xuyên suốt của NHNN và Chính phủ.

“Tăng trưởng tín dụng đã tăng mạnh trở lại trong năm 2015 và 3 tháng đầu năm 2016, tăng trưởng kinh tế cũng đã hồi phục một cách hết sức ấn tượng. Do đó, NHNN ngưng cho vay ngoại tệ cho thanh toán trong nước vào 31/3/2016”, ông Hải nhận định.

Về lý do chọn thời điểm 31/3/2016 để siết lại hoạt động cho vay ngoại tệ với hai nhóm đối tượng trên, ông Dũng cho biết, đó là dựa trên những tính toán kỹ về yếu tố mùa vụ, nhằm giảm thiểu những tác động đến thị trường ngoại hối. Nếu quy định vào ngày 31/12/2015, sẽ tạo sức ép lớn cho doanh nghiệp cũng như tỷ giá USD/VND, bởi cuối năm là thời điểm căng thẳng nhất của cung - cầu ngoại tệ.

Diễn biến của thị trường ngoại hối hiện tại, theo ông Dũng, đang rất tích cực, thuận lợi cho các doanh nghiệp trong tất toán khoản vay ngoại tệ. Cụ thể, tính đến ngày 23/3, huy động ngoại tệ giảm 2,3% so với đầu năm 2016, qua đó cho thấy việc đưa trần lãi suất huy động USD về 0%/năm cũng như áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm đã giúp giải phóng lượng ngoại tệ găm giữ trước đây. Thanh khoản ngoại tệ tốt, huy động trên cho vay quanh mức 70%, bên cạnh đó, kỳ vọng lãi suất vay giữa các ngân hàng với nhau vẫn ở mức thấp cho thấy, diễn biến trên thị trường ngoại hối vẫn ổn định.

Còn báo cáo tình hình hoạt động ngân hàng trên địa bàn Hà Nội quý I/2016 của NHNN Chi nhánh Hà Nội cho biết, tính đến 31/3/2016, tiền gửi ngoại tệ giảm khoảng 1,45% so với cuối năm 2015.

Chênh lệch lãi vay VND và USD không lớn

Về ảnh hưởng của quyết định siết cho vay ngoại tệ, ông Hải cho rằng, khách hàng không được vay ngoại tệ sẽ phải chuyển sang vay vốn bằng VND, trong khi lãi suất VND chắc chắn sẽ cao hơn lãi suất vay USD, dẫn đến chi phí vay vốn tăng lên. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất vay bằng VND đã giảm mạnh trong vài năm gần đây nên chênh lệch lãi suất vay USD và VND hiện nay không quá lớn.

Tính đến ngày 23/3, huy động ngoại tệ giảm 2,3% so với đầu năm 2016, qua đó cho thấy việc đưa trần lãi suất huy động USD về 0%/năm cũng như áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm đã giúp giải phóng lượng ngoại tệ găm giữ trước đây.
Ngoài ra, các DN xuất khẩu có thể tham gia bán kỳ hạn doanh thu xuất khẩu ngoại tệ nếu họ kỳ vọng VND không mất giá nhiều như chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền. Nếu các DN xuất khẩu kỳ vọng VND sẽ mất giá nhiều hơn chênh lệch lãi suất giữa 2 đồng tiền, các DN có thể bán giao ngay khi thu được doanh thu xuất khẩu.

“Ngân hàng cần chuẩn bị nguồn vốn VND để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng chuyển dịch từ vay ngoại tệ sang vay VND. Nguồn vốn ngoại tệ sẽ tăng do nhu cầu vay ngoại tệ giảm và các ngân hàng cũng không cần đẩy mạnh các hoạt động để huy động ngoại tệ”, ông Hải nói.

Bên cạnh đó, trước những lo ngại về việc khi quy định này có hiệu lực, DN không được vay USD để sản xuất - kinh doanh, lãi suất huy động USD hiện nay đang bằng 0 liệu có xuống mức lãi suất âm hay không, ông Hải phân tích, lãi suất huy động USD sẽ không xuống mức âm do các ngân hàng vẫn cần vốn ngoại tệ để cho vay các doanh nghiệp có nguồn thu xuất khẩu và có nhu cầu thanh toán nước ngoài, các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu, các dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên và trọng điểm của quốc gia.

Ngoài ra, mặt bằng lãi suất USD của thế giới đã tăng sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tăng lãi suất đồng USD vào tháng 12/2015 và nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2016.

“Quy định này cũng đã được gia hạn một vài năm nhằm giúp giảm chi phí vốn vay cho doanh nghiệp và kích thích tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng tín dụng đã tăng mạnh trở lại trong năm 2015 và 3 tháng đầu năm 2016, nhu cầu vốn của nền kinh tế cũng đã hồi phục một cách hết sức ấn tượng. Theo tôi, cũng đã đến lúc NHNN bắt đầu thực thi quy định để từng bước thực hiện lộ trình chống đô - la hóa nền kinh tế”, ông Hải nhấn mạnh.  

Chuyên đề