Xúc tiến thành lập thị trường nợ thứ cấp

(BĐT) - Một loạt ngân hàng đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh 2015. Hai điểm nhấn đáng chú ý là nợ xấu giảm mạnh và lợi nhuận tăng. Mặc dù kết quả kinh doanh tích cực nhưng các cổ đông ngân hàng vẫn không an tâm khi một khối lượng nợ xấu khổng lồ vẫn nằm ở đâu đó và chưa được xử lý triệt để.
Để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu cần có một thị trường thứ cấp giao dịch các tài sản này. Ảnh: Lê Tiên
Để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu cần có một thị trường thứ cấp giao dịch các tài sản này. Ảnh: Lê Tiên

Ngân hàng Nhà nước dường như cũng nhận ra vấn đề này và đang tìm các hướng đi để việc xử lý nợ xấu đi vào thực chất hơn. Dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ đã đề cập đến vấn đề này.

Muốn mở sàn phải có 1.000 tỷ đồng

Theo Dự thảo Nghị định, đối tượng thực hiện hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ bao gồm: doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các điều kiện về kinh doanh dịch vụ mua, bán nợ; doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, trong đó bao gồm Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản trực thuộc các ngân hàng thương mại. Ngoài ra, doanh nghiệp mua, bán nợ do Thủ tướng Chính phủ thành lập, trong đó bao gồm Công ty trách nhiệm hữu hạn mua bán nợ Việt Nam sẽ tham gia vào thị trường này.

Một khoản nợ có thể được bán một phần hoặc toàn bộ, bán cho nhiều bên mua nợ và có thể được mua, bán nhiều lần. Trường hợp khoản nợ có tài sản và biện pháp bảo đảm được bán một phần, các bên được thỏa thuận về tỷ lệ phân chia tài sản và biện pháp bảo đảm của khoản nợ.Việc chuyển giao khoản nợ được mua, bán được tiến hành đồng thời với việc chuyển giao nguyên trạng các nghĩa vụ của bên nợ, quyền và nghĩa vụ của các bên có liên quan đến khoản nợ, bao gồm cả quyền khởi kiện, quyền yêu cầu thi hành án dân sự, quyền, nghĩa vụ đối với biện pháp bảo đảm (nếu có) từ bên bán nợ sang bên mua nợ. Trong đó, việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ đối với các biện pháp bảo đảm của khoản nợ phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm và các quy định khác có liên quan của pháp luật. Việc thực hiện đăng ký thay đổi bên nhận bảo đảm theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm. Bên mua nợ, bên nợ và bên bảo đảm có thể thỏa thuận việc điều chỉnh biện pháp bảo đảm đối với khoản nợ được mua, bán phù hợp quy định của pháp luật. Bên bán nợ phải thông báo việc bán khoản nợ cho bên nợ và các bên bảo đảm để biết và thực hiện nghĩa vụ với bên mua nợ.

Bên mua nợ trở thành người thế quyền, nghĩa vụ của bên bán nợ liên quan đến khoản nợ kể từ thời điểm do các bên thỏa thuận theo hợp đồng mua bán nợ. Trong thời hạn 5 ngày kể từ khi ký kết hợp đồng mua, bán nợ, bên bán nợ có trách nhiệm thông báo cho bên nợ, bên bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ đối với bên mua nợ.

Theo Dự thảo nghị định, điều kiện thành lập doanh nghiệpkinh doanh dịch vụ mua bán nợ kinh doanh hoạt động mua bán nợ phải có mức vốn pháp định tối thiểu là 100 tỷ đồng. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch phải có mức vốn pháp định tối thiểu là 1.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ kinh doanh các dịch vụ khác phải có mức vốn pháp định tối thiểu là 10 tỷ đồng. 

Chờ Luật Đấu giá?

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, khi bàn về Luật Đấu giá, nhiều ý kiến cho rằng cần có cơ chế đặc thù riêng đối với hoạt động đấu giá các khoản nợ để thúc đẩy xử lý nợ xấu. Trên thực tế nợ xấu đang nằm tại ngân hàng (một số ngân hàng chuyển cho công ty quản lý tài sản – đơn vị trực thuộc) và thuộc Công tyTNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Để thúc đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu cần có một thị trường thứ cấp giao dịch các tài sản này và VAMC đóng vai trò là nhà tạo lập. Có thể cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua, bán nợ xấu vì họ có năng lực tài chính và kinh nghiệm xử lý. Để vận hành thị trường mua bán nợ, Nhà nước cần tạo khuôn khổ pháp lý cho thị trường này phát triển với các yếu tố cấu thành thiết yếu như thị trường sơ cấp, thị trường thứ cấp, nền tảng tài chính, thanh toán và các dịch vụ tư vấn hỗ trợ thị trường...

Câu hỏi đặt ra là có phải chờ Luật Đấu giá được ban hành mới có thể đưa vào vận hành thị trường nợ hay không. Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện Công ty Luật The Light cho biết, điều kiện để xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định về điều kiện kinh doanh ngành, nghề mua, bán nợ đã đầy đủ không nhất thiết phải đợi Luật Đấu giá. Cụ thể, Luật Đầu tư số 67, có hiệu lực thi hành từ 01/7/2015 quy định: tại Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục 4 của Luật này, kinh doanh dịch vụ mua bán nợ là một trong các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Bên cạnh đó, tại Quyết định 843, Chính phủ giao Bộ Tài chính hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hình thành, phát triển và quản lý thị trường mua, bán nợ.

Dự thảo Nghị định điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ cho thấy những bước đi đầu tiên hình thành thị trường giao dịch nợ xấu. Theo đó, sẽ có 3 phương thức mua bán nợ. Một là, mua, bán nợ thông qua đàm phán trực tiếp giữa bên bán nợ và bên mua nợ hoặc gián tiếp thông qua môi giới; hai là mua, bán nợ thông qua đấu giá các khoản nợ thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản; ba là mua, bán nợ thông qua sàn giao dịch nợ.

Chuyên đề