Xử lý sở hữu chéo, thao túng ngân hàng: Cần minh bạch thông tin và giám sát chặt chẽ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thảo luận về Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại Nghị trường ngày 23/11, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng, thời gian qua, các tổ chức tín dụng có hiện tượng cho vay hoặc mua trái phiếu doanh nghiệp với lượng tiền quá lớn đối với 1 khách hàng, 1 tổ chức, dẫn đến nhiều vấn đề rủi ro, bất cập. Theo đó, Luật mới và các văn bản hướng dẫn cần phải có giải pháp đủ mạnh để xử lý được tình trạng sở hữu chéo, thao túng ngân hàng…
Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) dự kiến giảm tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ ngân hàng của một cá nhân từ mức 5% hiện nay xuống còn 3%. Ảnh nguồn SCB
Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) dự kiến giảm tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ ngân hàng của một cá nhân từ mức 5% hiện nay xuống còn 3%. Ảnh nguồn SCB

Hạn chế thao túng bằng giải pháp cứng

Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) dự kiến giảm tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ ngân hàng của một cá nhân từ mức 5% hiện nay xuống còn 3%. Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ của một TCTD (hiện tại là 15%), trừ ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt hoặc sở hữu của Nhà nước tại ngân hàng. Tỷ lệ sở hữu tối đa của nhóm cổ đông và người liên quan cũng được đề xuất giảm từ 20% xuống 15%.

Dư nợ cấp tín dụng tối đa đối với một khách hàng dự kiến giảm từ mức 15% như hiện hành xuống còn 10% tính trên vốn tự có của ngân hàng. Tổng dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại (hiện tại là 25%).

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đồng tình với quy định về giới hạn tỷ lệ sở hữu và giới hạn cấp tín dụng nhằm hạn chế tình trạng sở hữu chéo, nhưng cho rằng, quy định như vậy chưa đủ hiệu quả. Vấn đề cốt lõi là cần giám sát và chú trọng nhiều hơn với các trường hợp ông chủ ngân hàng cũng là chủ của doanh nghiệp lớn, để ngăn chặn tình trạng như đã xảy ra với Ngân hàng SCB vừa qua. “Cần có các quy định thật chặt chẽ và hiệu quả để ngăn được tình trạng doanh nghiệp sân sau của ngân hàng, sở hữu chéo trong ngân hàng”, ông nói.

Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai chia sẻ, bất ổn tại SCB và thực trạng hiện nay cho thấy có những rủi ro rất lớn cho hệ thống ngân hàng từ tình trạng sở hữu chéo, chi phối và thao túng TCTD, cần phải tiếp tục được nhận diện để xử lý, loại trừ.

Theo đại biểu Trịnh Xuân An, cốt lõi của hệ thống ngân hàng Việt Nam nằm ở vấn đề quản trị. Để chống sở hữu chéo, thao túng, chi phối trong hệ thống ngân hàng, yếu tố hàng đầu là phải xác định được cá nhân/tổ chức là nào chủ sở hữu thực sự trong mỗi ngân hàng. Do đó, Luật Các TCTD (sửa đổi) cần phải cần xây dựng khuôn khổ pháp lý nhằm xác định được cá nhân/tổ chức nắm quyền chi phối, ảnh hưởng đến việc ra quyết định trong hoạt động ngân hàng.

Để làm được, theo đại biểu Trịnh Xuân An, cần quy định cụ thể 2 vấn đề. Một là, minh bạch thông tin cổ đông ngân hàng thương mại, xác định nghĩa vụ công bố thông tin đối với cổ đông (cả tổ chức và cá nhân) và nhóm người có liên quan sở hữu cổ phần đến một tỷ lệ sở hữu cụ thể. Hai là, kiểm soát dòng tiền, nguồn tiền góp vốn thông qua cơ chế thanh toán không dùng tiền mặt và áp dụng kiểm soát dữ liệu cá nhân.

Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) quy định, cổ đông sở hữu cổ phần trên 1% của một ngân hàng phải công bố công khai các thông tin để thực hiện giám sát. Ảnh: Tường Lâm

Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) quy định, cổ đông sở hữu cổ phần trên 1% của một ngân hàng phải công bố công khai các thông tin để thực hiện giám sát. Ảnh: Tường Lâm

Tăng cường giám sát và công khai thông tin

Theo đại biểu Phạm Văn Thịnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, sở hữu chéo là vấn đề đã được nhận diện và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định giới hạn các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Tuy nhiên, việc này chưa kiểm soát được tốt. “Nếu thực hiện tốt các quy định mới tại Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng ngầm sở hữu chéo. Điều cần hoàn thiện là các cơ chế quy định việc NHNN báo cáo đánh giá mức độ rủi ro của sở hữu chéo và công bố hàng năm để người dân và doanh nghiệp cùng biết và giám sát.

Tư lệnh ngành ngân hàng, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, từ các sự việc vừa qua, NHNN càng nhận thức rõ về mức độ rủi ro của tình trạng sở hữu chéo, thao túng trong hoạt động ngân hàng và cần có giải pháp để giải quyết tình trạng này, song một mình ngành ngân hàng là chưa đủ.

Theo Thống đốc, việc đặt ra các giới hạn về tỷ lệ nắm giữ cổ phần ở ngân hàng vẫn có thể bị “lách”, do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành ngân hàng, các bộ, ngành, địa phương, hệ thống thông tin về doanh nghiệp, cá nhân thực sự minh bạch. Việc minh bạch sẽ giúp xác thực được rõ mối quan hệ sở hữu trong ngân hàng, giữa người đi vay với những người có liên quan. Đây là điều NHNN sẽ nghiên cứu và có quy định cụ thể. Hiện tại, theo Thống đốc, Dự thảo Luật cũng quy định rõ là cổ đông sở hữu cổ phần trên 1% của một ngân hàng phải công bố công khai các thông tin để thực hiện giám sát.

Về lộ trình giảm tỷ lệ cấp tín dụng, Thống đốc cho biết, Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến theo hướng, nên giao cho Chính phủ quy định thực hiện.

Theo Thống đốc, thời gian tới, NHNN sẽ tăng cường công tác thanh tra, giám sát nhận diện các rủi ro, đồng thời thúc đẩy các TCTD phát huy tốt hơn vai trò của bộ phận kiểm toán nội bộ, kiểm soát nội bộ để giám sát hoạt động của ngân hàng.

Chuyên đề