Xử lý hài hòa lợi ích mới đạt mục tiêu thu hút đầu tư

(BĐT) - Nếu Dự án Luật PPP chỉ nghiêng về bảo đảm lợi ích cho Nhà nước thôi thì sẽ không thể thu hút nhà đầu tư thực sự. Ngược lại, nếu chỉ tính đến lợi ích của nhà đầu tư mà không tính đến lợi ích của Nhà nước thì cũng không được. 
Dự án Luật PPP cùng lúc phải đảm bảo 3 yếu tố: chống thất thoát, chống lợi dụng, đảm bảo lợi ích của Nhà nước; đảm bảo cạnh tranh, an toàn và hấp dẫn đối với nhà đầu tư; tiếp cận với thông lệ quốc tế. Ảnh: Lê Tiên
Dự án Luật PPP cùng lúc phải đảm bảo 3 yếu tố: chống thất thoát, chống lợi dụng, đảm bảo lợi ích của Nhà nước; đảm bảo cạnh tranh, an toàn và hấp dẫn đối với nhà đầu tư; tiếp cận với thông lệ quốc tế. Ảnh: Lê Tiên

Dự án cùng lúc phải đảm bảo 3 yếu tố: chống thất thoát, chống lợi dụng, đảm bảo lợi ích của Nhà nước; đảm bảo tính cạnh tranh, an toàn và hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư; tiếp cận với các thông lệ tốt của quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng chia sẻ khi làm rõ thêm trước Quốc hội tại phiên thảo luận về Dự thảo Luật PPP sáng 28/5. Việc hội tụ đủ các yếu tố trên, theo Bộ trưởng, mới giúp Dự Luật đạt được mục tiêu thu hút nguồn lực cá nhân, tổ chức để đầu tư vào phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của đất nước trong khi nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) còn có hạn.

Thảo luận về Dự án Luật, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá cao sự cần thiết ban hành Luật. Hai vấn đề được nhiều ĐBQH cho ý kiến liên quan đến chia sẻ rủi ro và kiểm toán nhà nước (KTNN). Nhiều ý kiến ĐBQH đồng ý với việc chia sẻ rủi ro thực hiện dự án theo doanh thu chứ không phải chia sẻ theo lỗ lãi. Một số ý kiến ĐBQH lo ngại nhà đầu tư lợi dụng cơ chế chia sẻ, cứ giảm thu là Nhà nước phải chia sẻ, tăng gánh nặng cho Nhà nước. Về KTNN, hai quan điểm nổi lên là coi dự án PPP như dự án đầu tư công, KTNN kiểm toán toàn bộ cả phần vốn của tư nhân; quan điểm khác cho rằng KTNN chỉ kiểm toán tài sản công, tài chính công tham gia vào dự án PPP.

Làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Dự án Luật PPP là dự án luật mới và khó. Trên thế giới, có nước xây dựng Luật PPP, có nước không xây dựng, nhưng khi đã xây dựng thì theo hướng hệ thống pháp luật rất đồng bộ. Còn ở Việt Nam, chưa có hệ thống pháp luật đồng bộ và chặt chẽ thì cần có luật riêng để đảm bảo quản lý chặt chẽ và thu hút được nguồn lực đầu tư vào các dự án.

Từ tinh thần này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, chia sẻ tăng, giảm doanh thu là cơ chế rất cách mạng của Dự án Luật PPP mà nếu như không có được các cơ chế này thì không thể hấp dẫn được các nhà đầu tư. Tuy nhiên, để chia sẻ giảm thu, Dự Luật quy định điều kiện rất chặt chẽ, không có chuyện cứ giảm thu là chia sẻ hết.

Về KTNN, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, Bộ KH&ĐT hoàn toàn thống nhất là cần phải có kiểm toán của Nhà nước. Tuy nhiên, kiểm toán nội dung nào, thời gian nào thì Bộ thống nhất kiểm toán những phần thuộc NSNN, một số nội dung như Dự án Luật PPP quy định. Trong đó tập trung vào lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu, chất lượng dịch vụ và giá trị dự án khi chuyển giao cho cơ quan nhà nước quản lý. Còn doanh nghiệp tư nhân có quyền thuê kiểm toán độc lập để kiểm toán.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh - Đoàn ĐBQH Quảng Trị

Chúng ta làm Luật PPP là hợp tác công tư chứ không phải Luật Đầu tư công. Trong quá trình bắt đầu triển khai dự án, đến lúc kết thúc quá trình vận hành, bàn giao cho Nhà nước thì có cả vốn đầu tư công và vốn tư nhân. Chỉ khi nào nhà đầu tư hết quá trình vận hành, bàn giao cho Nhà nước thì đấy mới là tài sản công 100%. Vì vậy, nếu đặt vấn đề kiểm toán một cách toàn diện dự án PPP thì không hợp lý. Bởi vì có những dự án, nhà đầu tư chỉ yêu cầu Nhà nước hỗ trợ phần giao đất, hỗ trợ mặt bằng, đền bù thì trong phần đấy kiểm toán hoàn toàn là tài sản công. Còn toàn bộ phần vốn của nhà đầu tư đầu tư vào thì chỉ kiểm soát sản phẩm chất lượng đầu ra.

Thiết kế luật về hoạt động của KTNN đối với dự án PPP đã rất rõ ràng, đúng với Hiến pháp và đảm bảo được quyền lợi của nhà đầu tư, đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, đảm bảo quyền lợi của nhân dân.

Đại biểu Phạm Quang Dũng - Đoàn ĐBQH Nam Định

Tên của Luật là đối tác công và tư. Công tư thực hiện bằng hình thức thông qua hợp đồng mà hợp đồng trên cơ sở giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký với nhà đầu tư thông qua đấu thầu. Hợp đồng ở đây thể hiện thuận mua vừa bán, và Nhà nước đã tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư với giá hợp lý và giá đúng trên thị trường.

Nhà nước đã ký hợp đồng với tư nhân, nếu kiểm toán lại cắt lên, gọt xuống, theo định mức này, giá kia là không phù hợp. Việc trước khi ký hợp đồng đã thông qua đấu thầu mà đấu thầu minh bạch thì chúng ta yên tâm, không có vấn đề gì phải cấn cá việc này nữa mà phải kiểm toán. Kiểm toán nên tập trung vào sản phẩm, dịch vụ và hiệu quả đầu tư để đánh giá cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề xuất dự án này có phù hợp hay không, có hiệu quả hay không.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết - Đoàn ĐBQH An Giang

Luật PPP là luật quan trọng trong bối cảnh đất nước chúng ta đang hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Luật cần hướng đến tăng cường đấu thầu rộng rãi để đảm bảo tính cạnh tranh lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực. Do đó, đề nghị cân nhắc quy định “trường hợp dự án xuất hiện các đặc thù, riêng biệt mà không thể áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu thì cơ quan có thẩm quyền trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án lựa chọn nhà đầu tư”. Quy định này là cần thiết để Thủ tướng xem xét, quyết định. Tuy nhiên, cần phải quy định chặt chẽ hơn dự án xuất hiện các điều kiện đặc thù và riêng biệt là như thế nào, đồng thời quy định các nguyên tắc, loại công trình, quy mô công trình... để thực hiện lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt nhằm đảm bảo hành lang pháp lý khi triển khai thực hiện.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư