Cần tư duy đột phá, cởi mở để hút vốn tư nhân

(BĐT) - Ngày 28/5, Dự án Luật về Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được Quốc hội thảo luận, trước khi biểu quyết thông qua. 
Lựa chọn áp dụng PPP không chỉ là để bù đắp thiếu hụt, có thêm nguồn lực đầu tư, mà còn giúp tận dụng công nghệ mới nhất, chuyên môn của khu vực tư nhân vào xây dựng, quản lý công trình hạ tầng, dịch vụ công. Ảnh: Lê Tiên
Lựa chọn áp dụng PPP không chỉ là để bù đắp thiếu hụt, có thêm nguồn lực đầu tư, mà còn giúp tận dụng công nghệ mới nhất, chuyên môn của khu vực tư nhân vào xây dựng, quản lý công trình hạ tầng, dịch vụ công. Ảnh: Lê Tiên

Đây là một dự luật nhận được sự kỳ vọng, quan tâm rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp, đối tác phát triển, bộ, ngành, địa phương, với mong muốn mở ra một hành lang pháp lý hoàn thiện, huy động tối đa các nguồn lực từ khu vực tư nhân, để phục hồi và phát triển mạnh mẽ nền kinh tế đất nước, đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên.

Cần sự đột phá về tư duy

Theo thông lệ quốc tế, sự lựa chọn áp dụng PPP đối với nhiều quốc gia không chỉ là để bù đắp thiếu hụt, có thêm nguồn lực đầu tư, mà đã giúp tận dụng công nghệ mới nhất, chuyên môn của khu vực tư nhân vào xây dựng, quản lý công trình hạ tầng, dịch vụ công. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Việt Nam và thế giới, nhiều ý kiến đánh giá đầu tư nhanh vào hạ tầng là một trong những giải pháp giúp Việt Nam phục hồi nền kinh tế, duy trì tăng trưởng nhanh, bền vững trong dài hạn.

Vì thế, nhìn từ bản chất, nhiều chuyên gia nhấn mạnh, làm PPP là sự lựa chọn xuất phát từ nhu cầu và đáp ứng nhu cầu của chính Nhà nước, để thông qua đó Nhà nước thực hiện được tốt hơn trách nhiệm cung cấp dịch vụ công cho xã hội. Đồng thời, người dân được hưởng dịch vụ cải thiện với mức chi phí hợp lý,  kết cấu hạ tầng được hoàn thiện, góp phần tăng trưởng kinh tế...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, xác định rõ làm PPP là để mời gọi tư nhân đầu tư, phải trả lời được câu hỏi: Đọc Luật này tư nhân có dám đầu tư không? Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho rằng, Luật PPP cần thể hiện được sự đột phá về tư duy, sự cởi mở của Nhà nước đối với đầu tư, sở hữu của tư nhân. Theo bà Tòng Thị Phóng, đối tác công tư là phải tôn trọng, phải coi khu vực tư nhân là một trong những động lực để phát triển đất nước, quy định chặt quá dẫn đến còn khó hơn các luật khác thì nhà đầu tư không dám làm. 

Bảo đảm hài hòa lợi ích

Từ tổng hợp thực tiễn thu hút đầu tư theo phương thức PPP trong thời gian qua, Dự thảo Luật xác định nguyên tắc quản lý đầu tư theo phương thức PPP phải bảo đảm quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước trong dự án PPP. Việc thực hiện các hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán nhà nước, giám sát dự án PPP bảo đảm không làm cản trở đến hoạt động đầu tư kinh doanh bình thường của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP. Đồng thời, bảo đảm đầu tư công khai, minh bạch, bình đẳng, bền vững và hiệu quả; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng và cộng đồng…

Nhiều quy định tại Dự Luật đã cụ thể hóa rõ ràng những nguyên tắc này.

Có thể kể đến như quy định về hoạt động của Kiểm toán Nhà nước. Dự thảo Luật quy định Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán tuân thủ về quá trình chuẩn bị dự án, kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP có sử dụng tài chính công, tài sản công; kiểm toán việc sử dụng tài chính công, tài sản công tham gia vào dự án...

Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật PPP, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm, bản chất dự án PPP là nhằm mục tiêu công nhưng có sự kết hợp công - tư trong đầu tư vốn, quản trị dự án, dự án đã trải qua quá trình lựa chọn nhà đầu tư với nhiều quy trình, thủ tục chặt chẽ. Cơ chế, chính sách pháp luật vừa phải bảo đảm chất lượng dịch vụ công nhưng đồng thời phải tạo điều kiện thu hút, huy động tối đa nguồn vốn từ khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án PPP. Mặt khác, Hiến pháp và pháp luật về kiểm toán nhà nước quy định Kiểm toán Nhà nước chỉ thực hiện kiểm toán tài chính công, tài sản công . Do đó, nếu quy định kiểm toán toàn bộ dự án PPP, kể cả phần vốn đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ khó thu hút, huy động được nguồn vốn từ khu vực tư nhân cho sự phát triển.

Hay vấn đề chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu đối với nhà đầu tư được đưa vào Dự Luật cũng nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, cơ chế chia sẻ giảm doanh thu được quy định chặt chẽ, không áp dụng tràn lan. Theo Dự thảo Luật, dự án chỉ được chia sẻ giảm doanh thu khi đáp ứng đủ các điều kiện chặt chẽ, trong đó chỉ thực hiện khi Nhà nước do yêu cầu của mình trong quá trình phát triển điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chính sách làm tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu, làm giảm doanh thu dẫn đến thua lỗ và các điều kiện chặt chẽ khác.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật quy định tăng cường công khai, minh bạch dự án PPP, các thông tin chủ yếu phải được công bố trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, từ thông tin về quyết định chủ trương đầu tư; quyết định phê duyệt dự án PPP; thông tin về lựa chọn nhà đầu tư và nhiều nội dung khác. Đặc biệt là các nội dung chính của hợp đồng dự án PPP – một góc khuất của dự án PPP trước đây, sẽ phải công bố công khai theo Luật.

Những quy định mới được kỳ vọng sẽ tháo gỡ các nút thắt khiến cho dự án PPP trong lĩnh vực hạ tầng nhiều năm qua chưa thu hút được nguồn lực tư nhân như kỳ vọng, đặc biệt là chưa có sự tham gia của nhà đầu tư và tổ chức tài chính quốc tế. Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, tiềm năng phát triển kết cấu hạ tầng của Việt Nam được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá rất cao, khi các rào cản được gỡ bỏ, các dự án PPP tại Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế, tiềm năng thị trường hạ tầng của Việt Nam sẽ là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư quốc tế.

Cần tư duy đột phá, cởi mở để hút vốn tư nhân ảnh 1
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu:

Tôi rất mừng nếu như luật này được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp, bởi vì như các đồng chí biết, công tư chúng ta làm bấy lâu nay rồi chứ không phải bây giờ mới làm, nhưng cũng vì ta chưa có một cơ sở pháp lý cao là luật của Quốc hội cho nên trong quá trình tổ chức thực hiện dẫn đến có những sai sót, có những điểm chưa đáp ứng được yêu cầu của chúng ta, vì vậy luật này ban hành ra tôi thấy thực sự cần thiết. Tất nhiên, để đáp ứng được tất cả mọi cái, tức là hoàn thiện như chúng ta mong muốn hay không, tôi nghĩ cũng không cầu toàn ở lúc này được. Bởi vì, bây giờ ta vừa phải đưa ra những nguyên tắc, những vấn đề rất cơ bản, nhưng cũng có những điểm sau này ta sẽ rút kinh nghiệm và sửa đổi nữa, không thể ngay một lúc mà có thể hoàn thiện được.

Cần tư duy đột phá, cởi mở để hút vốn tư nhân ảnh 2
Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam:

Việt Nam sẽ còn thành công hơn nữa dựa trên sự đổi mới, sử dụng tốt nhất các nguồn lực vì sự thịnh vượng của quốc gia. Thời điểm này là cơ hội để xây dựng một khung chính sách PPP hiệu quả cho Việt Nam.

Dự thảo Luật PPP mới nhất đã xây dựng được khung pháp lý tiệm cận thông lệ quốc tế, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, như về vấn đề chia sẻ rủi ro. Với tính đa dạng, phức tạp của các hình thức hợp đồng PPP, Luật nên soạn thảo ở mức tổng quan, có những nội dung không nên quy định cứng tại Luật vì sẽ “bó tay” khi thực hiện, khó thực thi, mà nên quy định linh hoạt tại Nghị định hướng dẫn của Chính phủ, như Luật PPP nên cho phép Thủ tướng Chính phủ quyết định các lĩnh vực phát sinh thêm có thể làm PPP…

Cần tư duy đột phá, cởi mở để hút vốn tư nhân ảnh 3
Ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam:

Muốn phát triển nhanh, bền vững, Việt Nam cần đầu tư mạnh mẽ hơn vào kết cấu hạ tầng. Các dự án lớn tại Việt Nam không thể triển khai thành công nếu không có nguồn vốn tư nhân.

Nguyên tắc quan trọng đối với PPP là chia sẻ rủi ro, có những rủi ro khu vực tư nhân không thể quản lý thì Chính phủ phải hỗ trợ.

Luật PPP tốt sẽ giúp Việt Nam cạnh tranh được với các quốc gia trong khu vực đang có thể chế khá hấp dẫn về đầu tư PPP, như Philippines, Indonesia.

Cần tư duy đột phá, cởi mở để hút vốn tư nhân ảnh 4
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình:

Luật PPP được xây dựng với nhiều nội dung đổi mới có thể xem là một cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc xây dựng môi trường thể chế pháp lý hiệu quả, ổn định và thuận lợi cho việc triển khai dự án PPP. Việt Nam đã xác định hạ tầng là một trong 3 khâu đột phá chiến lược trong việc phát triển đất nước, luật pháp về PPP cũng phải đạt được yêu cầu đột phá để thúc đẩy chiến lược đó. Trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam có cơ hội đón dòng dịch chuyển vốn nước ngoài, Luật PPP càng cần có đột phá để cạnh tranh thắng lợi trong lĩnh vực này.

Chuyên đề