Sau một thời gian trầm lắng, sự chuyển động của nhiều công trình giao thông lớn trong năm 2019 tạo ra nhiều hy vọng. Ảnh: Nhã Chi |
Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) theo nghị trình sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9 dự kiến diễn ra tháng 5/2020, được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, mở ra một thời kỳ mới trong thu hút vốn tư nhân đầu tư cho kết cấu hạ tầng.
Chuyển động của những dự án PPP lớn
Tháng cuối năm 2019, Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, tuyến cao tốc quan trọng kết nối Đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM, niềm mong ngóng của người dân khu vực miền Tây Nam Bộ, đã có bước chuyển lớn sau 10 năm chậm trễ. Dự án đã nhận được 1.390 tỷ đồng/2.186 tỷ đồng nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước vào đầu tháng 12/2019 và các ngân hàng hợp vốn ký kết hợp đồng cấp vốn tín dụng cho Dự án ngày 16/12. Nút thắt lớn nhất là vốn đã được tháo gỡ bước đầu và nhà đầu tư BOT đang dồn mọi quyết tâm, nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ Dự án. Các gói thầu triển khai thi công 24/24 giờ trên toàn tuyến, thậm chí sẽ không nghỉ Tết.
Cuối tháng 9/2019, Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn được thông xe kỹ thuật. Dự án có tổng mức đầu tư gần 12.200 tỷ đồng, được khởi công từ năm 2015, tuy nhiên do các nhà đầu tư của giai đoạn đó yếu kém về nguồn lực và năng lực quản trị nên đã bị chậm tiến độ gần 2 năm. Tháng 6/2017, nhà đầu tư mới được Bộ Giao thông vận tải mời tham gia Dự án. Sau 2 năm thực hiện, Dự án đã đạt tiến độ hoàn thành do Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải đề ra. Cao tốc này chạy song song với Quốc lộ 1A, khi đi vào vận hành sẽ rút ngắn thời gian xe chạy từ Hà Nội đến Lạng Sơn còn hơn 2 giờ so với hơn 3 giờ như hiện nay.
Năm 2019, 8 dự án BOT thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông cũng được đưa ra sơ tuyển, với sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư lớn.
Sau một thời gian trầm lắng, sự chuyển động của nhiều công trình giao thông lớn trong năm 2019 tạo ra nhiều hy vọng. Những tuyến đường mới tạo động lực cho kinh tế đi lên trong giai đoạn tới có thể sẽ sớm hoàn thành, bằng sự chung tay cùng Nhà nước của khu vực tư nhân.
Nhìn lại 10 năm qua, nguồn vốn tư nhân đã đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện đột phá chiến lược về phát triển kết cấu hạ tầng. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung, PPP là một trong các phương thức huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân, góp phần đa dạng nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng, trở thành một trong những mô hình hợp tác có hiệu quả giữa Nhà nước và tư nhân trong lĩnh vực phát triển hạ tầng ở Việt Nam. Tính đến cuối năm 2018, đã có 336 dự án PPP ký kết hợp đồng, thông qua đó huy động được khoảng 1.609.295 tỷ đồng (tương đương 70 tỷ USD) đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia.
Nguồn vốn tư nhân sẽ càng cần thiết trong bối cảnh nguồn lực nhà nước ngày càng giới hạn, trong khi nhiều mục tiêu phải đảm bảo, nhu cầu đầu tư cao để phát triển bứt phá trong giai đoạn tới. Riêng năm 2020, 100% số vốn kế hoạch đầu tư công là 220 nghìn tỷ đồng đã được Thủ tướng giao ngày 29/11/2019, chỉ đáp ứng được 34% nhu cầu, hụt khoảng 152 nghìn tỷ đồng. Nhiều dự án sẽ phải chuyển tiếp vào giai đoạn trung hạn sau. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhận định, tuy số vốn bố trí cho năm 2020 là 220 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với dự toán năm 2019, nhưng sau khi loại trừ các khoản chi cụ thể, thì nguồn phân bổ còn lại của ngân sách trung ương chỉ khoảng 112.900 tỷ đồng. Các bộ, ngành, địa phương cần cân nhắc, lựa chọn dự án có tính ưu tiên cao, phân bổ vốn tập trung để sớm hoàn thành công trình, dự án... Đồng thời kêu gọi mạnh mẽ nguồn lực tư nhân trong và ngoài nước để tham gia đầu tư.
Chuyển động chính sách với kỳ vọng đột phá
Năm 2019 cũng là năm Dự án Luật PPP - mang theo rất nhiều kỳ vọng của cộng đồng nhà đầu tư, các địa phương - chính thức được báo cáo Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV. Hầu hết các đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao sự chuẩn bị công phu của Chính phủ đối với Dự án Luật PPP, thống nhất về sự cần thiết, cấp thiết ban hành Luật.
Thực tế, khi chưa ban hành Luật PPP thì các dự án PPP vẫn được thực hiện, nhưng cơ chế chính sách không hoàn thiện nên rủi ro nhiều hơn cho nhà đầu tư và cuối cùng cũng là rủi ro cho Nhà nước, cho người sử dụng bởi dự án PPP là công trình, dịch vụ công. Càng ban hành Luật sớm chúng ta càng có cơ hội thu hút vốn tư nhân nhiều hơn, thực hiện bài bản, hiệu quả hơn, đặc biệt sẽ góp phần giải bài toán nguồn lực cho những mục tiêu đặt ra trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới. Cộng đồng nhà đầu tư, đối tác phát triển, bộ, ngành, địa phương cho rằng, cần thiết ban hành Luật PPP để tháo gỡ vướng mắc hiện nay, mở ra một giai đoạn mới trong việc triển khai thu hút đầu tư PPP, bảo đảm công bằng, minh bạch, ổn định, tin cậy và hiệu quả kinh tế.
Cùng với những chuyển động chính sách, thể chế nói chung, nhấn mạnh doanh nghiệp, người dân là trọng tâm phục vụ của Chính phủ, là động lực quan trọng của nền kinh tế, chính sách về PPP cũng đưa quan hệ Nhà nước - doanh nghiệp (trong vai trò nhà đầu tư) ở vị trí bình đẳng, đối tác hai bên cùng có lợi, thay vì quan hệ cấp trên - cấp dưới, cơ quan quản lý và đối tượng bị quản lý.
Sau khi Dự Luật được đưa ra Quốc hội cho ý kiến, nhiều nhà đầu tư đã thể hiện sự hồ hởi, kỳ vọng những quy định để đảm bảo chia sẻ rủi ro, hài hòa lợi ích tại Dự thảo Luật sẽ được thông qua. Từ đó, nhà đầu tư sẽ có niềm tin để tham gia xây dựng các công trình hạ tầng lớn của đất nước giai đoạn tới. Nguồn lực từ khu vực tư nhân sẽ được thu hút và sử dụng hiệu quả để bù đắp những thiếu hụt của ngân sách nhà nước trong đầu tư hạ tầng, dịch vụ công; tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế - xã hội của đất nước phát triển bền vững trong những giai đoạn tiếp theo.
Ở góc độ cơ quan nhà nước, từ sự nhìn nhận đúng về vai trò của phương thức PPP, ưu tiên bố trí nguồn lực ngân sách để làm phần vốn tham gia của Nhà nước vào dự án PPP như là vốn mồi, để từ 1 đồng của Nhà nước có thêm 3 - 4, thậm chí 8 - 9 đồng của khu vực tư nhân tham gia đầu tư.
Còn khoảng 5 tháng nữa, Dự Luật PPP sẽ được trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Nhiều vấn đề đang được Chính phủ, cơ quan soạn thảo tích cực nghiên cứu, lấy ý kiến hoàn thiện.
Theo ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Chương trình đào tạo quản lý chính sách công tại Đại học Fulbright Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nhà đầu tư và cả người dân đang có tâm lý tiêu cực đối với dự án BOT. Song song với hoàn thiện chính sách, giải quyết tâm lý tiêu cực này bằng cách truyền thông hiệu quả và có một số dự án tốt để thay đổi tâm lý, nhận thức của người dân, sẽ tạo được động năng mới để tiếp tục triển khai.