Việc sửa đổi quy định nhằm tháo gỡ vướng mắc về đất đai được kỳ vọng đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới. Ảnh: Lê Tiên |
Ngại “lộ” nhiều chuyện
Tại cuộc họp báo ngày 10/12/2019, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính cho biết, cơ quan này đang xây dựng 2 văn bản pháp lý để góp phần đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa DNNN.
Đó là: Dự thảo Nghị định sửa Nghị định số 167/2017/NĐ-CP quy định sắp xếp lại, xử lý tài sản công; Dự thảo Nghị định sửa Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển DNNN và công ty TNHH một thành viên do Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.
“Dự kiến, trong tháng 12 năm nay chúng tôi sẽ hoàn thiện dự thảo 2 nghị định này để trình Chính phủ với kỳ vọng được ban hành trong tháng 1 sang năm”, vị Cục trưởng nói.
Cũng theo ông Tiến, việc sửa Nghị định 167 sẽ theo hướng quy định rõ: các DNNN phải tiến hành sắp xếp, xây dựng phương án sử dụng nhà, đất rõ ràng, minh bạch trước khi lập phương án cổ phần hóa. Quy định này nhằm giải quyết một số vấn đề đã xảy ra trong giai đoạn cổ phần hóa DNNN vừa qua. Đó là, nhiều trường hợp doanh nghiệp rà soát thấy có đất thừa không sử dụng nhưng “của đau con xót” nên vẫn giữ và không muốn trả về địa phương.
Bên cạnh đó, có nhiều doanh nghiệp đang có đất cho thuê mà không có hồ sơ, chứng từ. Lãnh đạo doanh nghiệp nại lý do là “lịch sử để lại” nên ngại làm rõ, song thực tế, nếu làm rõ mà tài sản đất đai về lại doanh nghiệp thì họ tích cực làm, còn nếu làm lại mà tài sản về với Nhà nước thì doanh nghiệp càng chần chừ.
Cũng có nhiều trường hợp doanh nghiệp không muốn xử lý đất đai triệt để vì họ đang lãi nhờ đất. Nếu đóng đủ tiền thuế đất, tiền sử dụng đất thì doanh nghiệp có thể biến từ lãi thành lỗ. Như vậy, họ không hoàn thành nhiệm vụ nên không làm.
Ngoài ra, còn nhiều trường hợp doanh nghiệp sử dụng đất sai mục đích nên lãnh đạo doanh nghiệp cứ “lờ” đi. Có trường hợp, Bộ Tài chính thúc giục mạnh mẽ việc xử lý đất mới vỡ lẽ họ có đến mấy chục mảnh đất nhưng lại giao cho người khác quản lý, cho cán bộ nhân viên ở hoặc chiếm dụng làm việc khác dẫn đến phát sinh tranh chấp và dùng dằng trong giải quyết.
“Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu chấn chỉnh kỷ luật kỷ cương trong quản lý đất đai theo Luật Đất đai và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Việc này cũng góp phần giúp quá trình cổ phần hóa DNNN được tiến hành một cách minh bạch, công bằng. Do đó, dù việc xử lý này có chậm và mất công thì vẫn phải làm chứ không thể chần chừ”, ông Tiến nhấn mạnh.
Kéo dài thời hạn xem xét phương án sử dụng đất
Cùng với các nội dung quyết liệt trên, Bộ Tài chính đề xuất kéo dài thời hạn xem xét phương án đất của địa phương tại Dự thảo Nghị định sửa Nghị định 126 và Nghị định 32.
Cụ thể, Nghị định 126 quy định: UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ phải có ý kiến chính thức đối với toàn bộ diện tích đất doanh nghiệp sẽ tiếp tục sử dụng sau cổ phần hóa và giá đất cụ thể theo quy định của pháp luật về đất đai.
Ban soạn thảo Nghị định cho biết, theo phản hồi từ các địa phương, quy định về thời hạn các địa phương có ý kiến về giá đất cụ thể để làm căn cứ xác định giá trị doanh nghiệp (30 ngày) là không đủ để thực hiện, do đó cần phải điều chỉnh cho phù hợp.
Tiếp thu ý kiến này, Bộ Tài chính đề nghị sửa đổi theo hướng: trong thời hạn 60 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có ý kiến chính thức về phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa.
Trường hợp quá thời hạn 60 ngày làm việc mà UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa có ý kiến, cơ quan đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cho phép kéo dài thời gian công bố giá trị doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo, khẩn trương có ý kiến về diện tích đất doanh nghiệp sẽ tiếp tục sử dụng sau cổ phần hóa và giá đất cụ thể theo quy định của pháp luật về đất đai để làm cơ sở cho việc xác định giá trị doanh nghiệp theo quy định; đồng thời chịu trách nhiệm chỉ đạo tiến hành kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc kéo dài thời gian công bố giá trị doanh nghiệp.
“Với các quy định sửa đổi này, quá trình cổ phần hóa DNNN trong thời gian tới sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Bộ Tài chính sẽ hợp tác cùng các bộ, ngành khác giám sát việc thực hiện của các doanh nghiệp một cách chặt chẽ và hiệu quả”, ông Tiến nhấn mạnh.