Hội nghị Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (ảnh: QHCP) |
Thông tin về hoạt động cổ phần hóa (CPH), thoái vốn thực hiện theo Đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016-2020”, ông Đinh Tiến Dũng cho hay, hoạt động này đang diễn ra rất chậm. Đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2017, có 526 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, nhưng đến ngày 30/9/2019 mới có 148 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại theo Quyết định số 707. Số lượng DN chưa được phê duyệt phương án cơ cấu lại là 378 (chiếm 71%). Lũy kế giai đoạn 2016 đến tháng 9/2019, đã có 168 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH.
Về tình hình thực hiện thoái vốn, theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ thì giai đoạn 2017 – 2020 thực hiện thoái khoảng 60.000 tỷ đồng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện còn nhiều doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg với giá trị lớn. Điển hình như: Bộ Công Thương phải thoái vốn tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; Bộ Giao thông vận tải phải thoái 30,4% vốn nhà nước đầu tư tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - Công ty CP và 35,16% vốn nhà nước đầu tư tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Công ty CP; Bộ Xây dựng còn phải thoái vốn tại 8/11 Tổng công ty cổ phần; TP. Hà Nội còn phải thoái vốn tại 31/34 DN...
Bên cạnh đó, việc xử lý các tồn tại, yếu kém của 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương dù đã có một số tín hiệu tích cực, song vẫn còn không ít vướng mắc.
Về việc xử lý tồn tại, yếu kém của dự án thua lỗ, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN), đây là những dự án thua lỗ làm mất vốn nhà nước đã thấy rõ. “Nếu không xử lý nhanh, giải quyết xong trong năm 2020 thì sẽ không thu hồi được vốn, thậm chí mất sạch vốn”, Chủ tịch “siêu Ủy ban” nêu quan điểm.
Theo ông Đinh Tiến Dũng, tình trạng thoái vốn, cổ phần hóa diễn ra chậm là do quy mô thị trường chứng khoán trong nước còn chưa đủ lớn, khó có thể hấp thụ hết toàn bộ số vốn mà DNNN thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn trong một khoảng thời gian nhất định. Mặt khác, thị trường phát triển chưa bền vững nên giá cổ phiếu trên thị trường tăng giảm bất thường, dẫn đến khó khăn cho việc cổ phần hóa, thoái vốn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thực hiện CPH, thoái vốn, cơ cấu lại giai đoạn này hầu hết là các doanh nghiệp lớn, có tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai; hoặc là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích, gắn liền với các hoạt động của địa phương, đóng góp vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện các chiến lược, mục tiêu về an sinh xã hội của địa phương.
Về nguyên nhân chủ quan có mấy vướng mắc chính. Đó là việc nhiều bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty chưa khẩn trương xây dựng, phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại đối với các DNNN theo Quyết định số 707/QĐ-TTg và Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ dẫn tới việc không thể triển khai các công việc tiếp theo như cổ phần hóa, thoái vốn, thay đổi quản trị doanh nghiệp để thực sự nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN.
Trong quá trình tổ chức thực hiện của một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước...