Chính phủ đã và đang thực thi những quyết sách mạnh mẽ để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: Nhã Chi |
KỲ 5: ĐỂ CỔ PHẦN HÓA TIẾN CHẮC VÀ NHANH
Gần 30 năm đã qua, với bao sự biến đổi của thời cuộc và nền kinh tế, khi nhiều lỗ thủng của cơ chế pháp lý được vá lại cũng là lúc quá trình cổ phần hóa dường như muốn dừng lại. Vừa chắc lại vừa nhanh không phải là điều không thể làm được.
Hàng ngàn doanh nghiệp đã được “cởi trói”
Có mất mát, có sai lầm, song nhìn một cách tổng thể, cổ phần hóa đã mang lại nhiều động lực để giúp nền kinh tế chuyển biến đáng kể trong những năm qua. “Điểm được lớn nhất là hàng ngàn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã chuyển đổi sang công ty cổ phần. Từ đó, nhiều DN được cởi trói khỏi cơ chế cũ, họ hoạt động tốt hơn, kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ và đã trở thành DN xương sống của nền kinh tế”, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) nhìn nhận.
Còn theo ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), những năm gần đây, cổ phần hóa đang chậm lại nhưng tín hiệu tích cực là chất lượng ngày càng tăng. Điều này có được là nhờ khuôn khổ pháp lý được xây dựng ngày càng chặt chẽ và đầy đủ. Mục tiêu cổ phần hoá để tái cấu trúc DNNN vừa đạt được lại vừa đảm bảo hài hòa lợi ích của các cổ đông và người lao động.
Cùng quan điểm như trên, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính nhận xét: “Nhìn tổng thể, bức tranh cổ phần hóa có nhiều điểm sáng với việc chú trọng hơn vào chất lượng. Hậu cổ phần hóa, các DN có giá trị gia tăng đáng kể, nhiều DN sau khi niêm yết mới tiếp tục bán vốn nên giá trị thu được phản ánh đúng tính thị trường. Do đó, phần nào yên tâm vì đã bảo toàn tài sản nhà nước”.
Thay đổi nhận thức và quyết liệt hành động
Khi các kẽ hở về pháp lý dần được lấp đầy thì cơ hội kiếm lợi cá nhân từ cổ phần hóa trở nên khó khăn hơn. Đây là một nguyên nhân quan trọng khiến nỗ lực đẩy mạnh cổ phần hóa gặp khó khăn.
Ông Đặng Quyết Tiến bình luận: “Đúng là có nhiều nhà đầu tư đặt mục tiêu tận dụng cơ hội đất đai chứ không hẳn vì định hướng muốn thay đổi và phát triển DN. Do đó, khi việc quản lý đất đai bị siết chặt thì họ lảng ra. Để làm đúng một vấn đề trước kia chưa đúng là cả một quá trình phải thay đổi nhận thức, phải quyết liệt trong việc làm thì mới hy vọng làm được”.
Vị Cục trưởng này cho biết, có nhiều DN kê khai tài chính là lãi nhưng nếu tách phần đất ra thì chuyển thành lỗ. Do đó, phải quán triệt là dẫu có lỗ thì cũng vẫn phải rạch ròi về đất đai khi cổ phần hóa.
“Thực tế, nhiều DN kêu ca đất đai gây khó cho cổ phần hóa nhưng đã có một số DN có rất nhiều đất đai vẫn cổ phần hóa xong. Chẳng hạn, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) có đến 183 mảnh đất cần giải quyết, làm rõ khi cổ phần hóa. Được sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu TP. Hà Nội nên việc xử lý đất đai ở DN này diễn ra đúng tiến độ và đúng quy định”, ông Tiến nói.
Từ góc độ khác, nhiều điển hình vi phạm trong việc bán vốn nhà nước khiến nhiều người ngại sai và không dám làm. “Người sợ sai là người không hiểu vấn đề hoặc là người muốn tư lợi nhưng không được nên họ không làm. Nếu làm đúng chính sách, công khai minh bạch thì không có gì phải sợ. Còn nếu không cổ phần hóa, doanh nghiệp sẽ điêu tàn, thất thoát vốn nhà nước vẫn diễn ra do cách thức quản trị không hiệu quả nhưng không ai bị kỷ luật. Như vậy, nếu chậm cổ phần hóa thì chúng ta còn thiệt hại nhiều hơn”, ông Nguyễn Hoàng Hải nói.
Từng là người xây dựng, thực thi chính sách và quan sát quá trình cổ phần hoá nhiều năm qua, ông Phạm Đình Soạn, nguyên Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính bình luận: “Thực tế những năm qua, cũng có những trường hợp phải trả giá quá đắt. Tuy nhiên, vấn đề ở đây cần xem xét là những ai là người hưởng lợi, đặc biệt là những người có chủ ý hưởng lợi từ việc làm sai chính sách. Vì vậy, điều cuối cùng, là phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách trên cơ sở xác định rõ quan điểm, nhìn nhận bản chất của quá trình cổ phần hóa, mục tiêu cổ phần hóa”.
Theo ông Phạm Đình Soạn, việc xây dựng chính sách cần tiếp tục chú trọng một số vấn đề. Trước hết, cần quán triệt mục tiêu cổ phẩn hóa, từ đó hướng dẫn xây dựng đề án phát triển DN sau cổ phần hóa cũng như cơ chế để đưa đề án này vào thực thi và có cơ chế giám sát chặt chẽ việc thực thi đề án cổ phần hóa, nhất là đất đai.
Bên cạnh đó, xác định giá trị DN làm căn cứ thực thi cổ phần hóa. Từ đó xây dựng cơ chế đấu giá, bán DN theo cơ chế thị trường và phải thực hiện theo đúng cơ chế đã định.
Trong lúc những bàn cãi xung quanh câu chuyện cổ phần hoá vẫn “râm ran” dư luận, Chính phủ đã và đang thực thi những quyết sách mạnh mẽ cho thấy quyết tâm “không bàn lùi”.
Mới đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 23/9/2019 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 60/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN.
Những nội dung chính của nghị quyết này cho thấy rõ quyết tâm đẩy lùi các lực cản chủ chốt về đất đai và trách nhiệm người đứng đầu trong việc cổ phần hóa DNNN. Cùng với nỗ lực tái cấu trúc từ chính sách cổ phần hoá của các bộ, ngành, chúng ta có thể đặt niềm tin về kết quả của một chủ trương đúng đắn nhằm tái cơ cấu DNNN một cách hiệu quả nhất trong thời gian tới.