Cổ phần hóa DNNN: Trắc trở nhưng không lùi bước

(BĐT) - Dự kiến ngày 16/10/2019, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì Hội nghị về đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Nhân dịp này, Báo Đấu thầu đăng tải loạt bài viết nhìn lại quá trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước với những thành công cũng như bất cập trên chặng đường đã qua. Chặng đường tiếp theo đòi hỏi những chuyển động và sự kết nối nhịp nhàng giữa các chủ thể tham gia, đặc biệt là trong một hành lang pháp lý đủ “cứng” để đạt mục tiêu đề ra.
Cổ phần hóa không chỉ giúp các doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả hơn mà còn thúc đẩy vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên
Cổ phần hóa không chỉ giúp các doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả hơn mà còn thúc đẩy vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên

KỲ 1: CON ĐƯỜNG ĐÚNG ĐẮN

Dù tiến độ cổ phần hóa đang chậm lại trong những năm gần đây song những kết quả đã đạt được cho thấy, quá trình này đã và đang diễn ra với nỗ lực hoàn thiện từ mọi mặt để đạt mục tiêu cao nhất của chiến lược tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN). 

Động lực đổi thay

Kể từ khi chủ trương cổ phần hóa được thí điểm đến nay, có khoảng 5.000 DN 100% vốn nhà nước đã thực hiện. Điểm rõ rệt nhất là hầu hết các DN sau khi giảm tỷ lệ vốn nhà nước theo chủ trương này đều có hoạt động kinh doanh tốt, bứt phá trên nhiều mặt và đóng góp cho sự chuyển mình của nền kinh tế nói chung.

Những năm đầu thập niên 1990, thực hiện Quyết định 202-CT năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về thí điểm chuyển một số DNNN thành công ty cổ phần, Công ty Đại lý Liên hiệp Vận chuyển là một trong ba DN đầu tiên được chọn thí điểm cổ phần hóa và sau đó đổi tên thành Công ty CP Gemadept với số vốn điều lệ là 6,2 tỷ đồng.

Năm 2002, Gemadept được niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. 20 năm sau cổ phần hóa, vốn điều lệ của DN này tăng gần 185 lần, từ mức 6,2 tỷ đồng lên 1.144 tỷ đồng, doanh thu tăng hơn 60 lần và tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ.

Sau hơn một thập niên chập chững thực hiện cổ phần hóa, quá trình sắp xếp và đổi mới DNNN ghi dấu ấn mới với bước ngoặt bán vốn nhà nước của các DN có quy mô lớn hơn. Điển hình về thành công của giai đoạn này là Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk). Năm 2004, một năm sau khi cổ phần hóa, doanh thu của Công ty là 4.227 tỷ đồng. Đến nay, Vinamilk có mức vốn điều lệ lên đến hơn 17.400 tỷ đồng và vốn hóa thị trường trên mức 216 nghìn tỷ đồng.

Cột mốc thứ ba trên chặng đường cơ cấu lại DNNN là cuộc bán vốn mạnh mẽ của các đại DN trong những lĩnh vực được coi là nhạy cảm và là “gà đẻ trứng vàng” cho nguồn thu ngân sách nhà nước. Trong số đó, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA) là siêu DNNN đã chính thức chuyển sang mô hình công ty cổ phần từ năm 2015. Những năm sau đó, VNA cất cánh mạnh mẽ với kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt trội, hình ảnh DN ngày càng ghi dấu ấn trên thị trường trong nước và quốc tế.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính khẳng định: “Sau khi cổ phần hóa, khả năng huy động vốn của các DN đã thay đổi rõ rệt theo nhiều kênh nhờ quản trị có sự đổi mới, tình hình tài chính, kết quả kinh doanh khả quan. Cổ phần hóa đã và đang mang lại động lực giúp cho DN thay đổi và phát triển”. 

Dần hiện thực hóa những mục tiêu chiến lược

Những chuyển biến tích cực nói trên cho thấy, cổ phần hóa là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Nhận định về tiến trình này, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp nói: “Đảng và Chính phủ đã nêu rõ cổ phần hóa và thoái vốn là biện pháp cần thực hiện để đa dạng hóa nguồn vốn, cải thiện công nghệ, chất lượng quản trị, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động. Đây là mục tiêu của việc sắp xếp và đổi mới DNNN”.

Từ góc độ khác, đẩy mạnh cổ phần hóa không chỉ giúp các DNNN hoạt động hiệu quả hơn, mà còn thúc đẩy vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế.

Báo cáo “Đánh giá việc thực hiện cơ cấu lại khu vực DNNN, vai trò của kinh tế nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, quan điểm, phương hướng giai đoạn 2021 - 2030, kế hoạch 2021 - 2025” của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy, kinh tế nhà nước vẫn đóng góp quan trọng cho tăng trưởng nhưng tỷ trọng đang giảm dần.

Cụ thể, năm 2010 kinh tế nhà nước đóng góp 45,4% vào thu ngân sách nhà nước nhưng đến năm 2016, con số này giảm xuống 32,3%. Về đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, các chuyên gia của CIEM dự báo, năm 2020 khu vực kinh tế nhà nước sẽ chỉ đóng góp 5,6% cho tăng trưởng, trong khi khu vực tư nhân là 43,87% và khu vực FDI là 20,69%.

Những thành quả này đã góp phần hiện thực hóa các mục tiêu đã nêu tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX. Theo đó, mục tiêu cổ phần hóa là tạo ra loại hình DN có nhiều chủ sở hữu, trong đó có đông đảo người lao động, để sử dụng có hiệu quả vốn, tài sản của Nhà nước và huy động thêm vốn xã hội vào phát triển sản xuất kinh doanh, tạo động lực mạnh mẽ và cơ chế quản lý năng động có hiệu quả; phát huy vai trò làm chủ thực sự của người lao động, của cổ đông và tăng cường giám sát của xã hội đối với DN.

Mục tiêu đó đã được thực hiện xuyên suốt trong nhiều năm qua và tiếp tục được khẳng định ở Nghị quyết 12-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII năm 2017 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN.

Trong đó, nhấn mạnh việc cơ cấu lại, đổi mới DNNN theo cơ chế thị trường là quá trình thường xuyên, liên tục với phương thức thực hiện và lộ trình hợp lý. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại DNNN theo hướng kiên quyết cổ phần hoá, bán vốn tại những DN mà Nhà nước không cần nắm hoặc không cần giữ cổ phần, vốn góp chi phối, kể cả những DN đang kinh doanh có hiệu quả; đồng thời xử lý triệt để, bao gồm cả việc cho phá sản các DNNN yếu kém.

Không thể phủ nhận tính đúng đắn của chủ trương và quyết tâm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, việc nhìn lại chặng đường gần 3 thập kỷ qua là cần thiết để nhận diện rõ hơn về những tổn thất, sai lầm và căn nguyên của những khiếm khuyết, từ đó chủ động và tự tin trong giai đoạn tiếp theo. Mời đón đọc kỳ 2: Sai lầm và mất mát.

Chuyên đề