Định giá đất là một trong những kẽ hở gây thất thoát tài sản trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: Lê Tiên |
KỲ 3: THẤT THOÁT TỪ NHỮNG KẼ HỞ PHÁP LÝ
Cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ở Việt Nam là một quá trình làm và sửa. Gần 3 thập kỷ được ban hành và thực thi, hệ thống quy định pháp lý từ chỗ thưa thớt và thiếu vắng các quy định cụ thể đã ngày càng đầy đủ và chặt chẽ hơn. Trong quá trình đó, thất thoát về tài sản nhà nước dần được lộ rõ.
“Bệnh” từ đất đai
Nhớ lại những ngày đầu cổ phần hoá DNNN, ông Phạm Đình Soạn, nguyên Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính vẫn ấn tượng với câu chuyện đất đai. Ông chia sẻ: “Khi cổ phần hóa ở thời kỳ đầu, chúng ta đã không tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị DN, vì thế mà giá bán phần vốn nhà nước tại DN rất rẻ. Có những DN có diện tích đất sử dụng ở vị trí đắc địa nhưng giá bán chỉ vài tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ chế khi đó không cho phép chúng ta xác định cao hơn”.
Sau đó, Nghị định 28/1996/NĐ-CP ra đời và được coi là văn bản pháp quy đầu tiên cho hoạt động cổ phần hóa DNNN. Từ đó, giá trị quyền sử dụng đất được tính theo quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Tiếp đến, Nghị định 187/2004/NĐ-CP và sau đó là Nghị định 59/2011/NĐ-CP ra đời đánh dấu một bước tiến trong việc xác định giá trị quyền sử dụng đất với quy định cụ thể về giao đất và thuê đất. Tuy nhiên, nhiều sai phạm về đất đai lại bắt nguồn từ việc lợi dụng nội dung “các trường hợp thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm thì không đưa vào giá trị DN” tại các nghị định này.
Một bất cập khác là, Nghị định 46/2014/NĐ-CP quy định: “Đối với các hợp đồng thuê đất đã ký hoặc có quyết định cho thuê đất trước ngày 1/1/2006 và trong hợp đồng thuê có quy định đơn giá thuê đất và nguyên tắc điều chỉnh đơn giá thuê, chưa thực hiện điều chỉnh đơn giá thuê đất theo quy định thì được tiếp tục thực hiện nguyên tắc điều chỉnh đơn giá đã ghi trong hợp đồng thuê đất, mà không phải điều chỉnh lại giá thuê đất theo chính sách và giá đất hiện hành”. Trong khi đó, phần lớn DNNN được thành lập trong những năm 1990 và trước đó, nên rất nhiều DNNN đã ký hợp đồng thuê đất trước ngày 1/1/2006 và được hưởng mức tiền thuê đất rất thấp.
Từng chứng kiến những chuyển biến về đất đai gắn liền với chặng đường cổ phần hóa DNNN, GS. TS. Đặng Hùng Võ nhận xét: “Chính kẽ hở “không tính giá trị DN với đất thuê” khiến nhiều người tìm cách đi săn đất của DN cổ phần hóa, vì giá thuê quá rẻ mạt mà công năng sử dụng để sinh lời lại quá lớn. Thậm chí, không loại trừ trường hợp họ đút lót để chuyển mục đích sử dụng các mảnh đất đó nhằm tối đa hóa lợi nhuận”.
Tiếp tục tìm cách lấp khoảng trống
Không chỉ có những kẽ hở về đất đai, khung khổ pháp lý về cổ phần hoá DNNN cũng thiếu vắng các hướng dẫn về cam kết của cổ đông chiến lược. Hơn nữa, vẫn chưa có quy định về các biện pháp hay chế tài nhằm đảm bảo việc thực hiện các cam kết của nhà đầu tư.
“Do đó, trên thực tế, một số DN có lợi thế về đất đã bị các nhà đầu tư thâu tóm, thực chất chỉ để lấy đất, triển khai dự án bất động sản, không thực hiện hỗ trợ DN như cam kết”, Kết luận Kiểm toán chuyên đề việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 của Kiểm toán Nhà nước nêu rõ.
Sau giai đoạn đó, những kẽ hở pháp lý về xử lý đất đai, cam kết của nhà đầu tư chiến lược đã được khắc phục phần nào tại Nghị định 126/2017/NĐ-CP về cổ phần hoá DNNN, Nghị định 01/2017/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và nhiều văn bản khác.
Về đất đai, điểm tháo gỡ lớn nhất là yêu cầu DN cổ phần hóa có trách nhiệm xây dựng phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Đồng thời, Nghị định quy định rõ công ty cổ phần được chuyển đổi từ DNNN phải thực hiện quản lý và sử dụng đất của DN theo đúng mục đích, đúng phương án sử dụng của toàn bộ diện tích đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Về cam kết của nhà đầu tư chiến lược, điểm đáng chú ý là quy định tiêu chí gắn với trách nhiệm và chế tài bảo đảm thực hiện cam kết đối với cổ đông chiến lược. Cổ đông chiến lược phải có cam kết bằng văn bản khi đăng ký trở thành nhà đầu tư chiến lược trong việc: tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của doanh nghiệp cổ phần hóa trong thời gian ít nhất ba năm.
Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính, để tiếp tục bít các kẽ hở pháp lý trong cổ phần hóa DNNN, không chỉ Bộ Tài chính, các cơ quan làm chính sách cần rà soát lại các văn bản pháp quy, nếu có vấn đề gì chưa rõ thì bổ sung hướng dẫn.
Như vậy, khung khổ pháp lý đang ngày càng chặt chẽ và kín kẽ hơn. Tuy nhiên, trên thực tế còn có những sai phạm trong cổ phần hóa DNNN bắt nguồn từ tình trạng thiếu giám sát trong quá trình thực thi các quy định pháp lý. Mời đón đọc Kỳ 4: “Vắng giám sát thực thi”.