Xây dựng sàn giao dịch nợ: Thận trọng chọn đơn vị vận hành

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Hình thành thị trường mua bán nợ có sàn giao dịch nợ là rất cần thiết. Trong đó, cần xem xét xây dựng các công cụ kiểm soát việc công khai thông tin khoản nợ, hoạt động giao dịch để bảo đảm thị trường nợ nói chung và sàn giao dịch nợ nói riêng hoạt động và vận hành một cách khách quan, hiệu quả.

Cần công khai, minh bạch thông tin các khoản nợ để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư. Ảnh: Tường Lâm
Cần công khai, minh bạch thông tin các khoản nợ để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư. Ảnh: Tường Lâm

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, từ năm 2019 - 2020, hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ, trong đó VAMC đóng vai trò là trung tâm của thị trường, với các mục tiêu: xây dựng Đề án thành lập Sàn giao dịch nợ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau khi được NHNN phê duyệt thành lập, VAMC sẽ thiết lập, vận hành sàn giao dịch nợ theo Đề án đã được phê duyệt; thành lập và duy trì hoạt động Câu lạc bộ Xử lý nợ AMC với thành viên là VAMC và công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của các tổ chức tín dụng (AMC).

Từ năm 2021 - 2025, hoàn thiện việc thành lập, đưa vào vận hành sàn giao dịch nợ; xây dựng trung tâm dữ liệu về khoản nợ/tài sản tại VAMC, hướng tới việc đề xuất thực hiện triển khai kết nối thông tin với Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) thuộc NHNN và các tổ chức tín dụng (nếu đủ điều kiện) nhằm tạo nguồn dữ liệu để khai thác, lựa chọn xử lý các khoản nợ/tài sản.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, việc xây dựng và phát triển thị trường mua bán nợ là hết sức cần thiết ở thời điểm này. Thực tế, ngay từ năm 2017, khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đã có nhiều ý kiến đề xuất việc nghiên cứu phát triển thị trường mua bán nợ, hình thành sàn giao dịch nợ.

Tuy nhiên, 3 năm qua, quá trình xử lý nợ xấu đã đạt được một số kết quả tích cực, song nền tảng của việc hình thành thị trường mua bán nợ vẫn còn ở mức sơ khai, thị trường vẫn còn rất hạn chế chỉ với chủ thể tham gia chính là VAMC, Công ty Mua bán nợ (DATC) thuộc Bộ Tài chính và các công ty mua bán nợ của chính các ngân hàng, còn thiếu các nhà đầu tư khác.

“Cùng với việc thúc đẩy hoạt động của các chủ thể tham gia thị trường, việc xây dựng sàn giao dịch nợ là cần thiết. Sàn này cần được quản lý và có cơ chế hoạt động tương tự như sàn giao dịch chứng khoán, với thông tin công bố đầy đủ về các giao dịch, các khoản nợ cần bán, cần mua. Các thông tin cần được công khai, minh bạch để nhiều nhà đầu tư thêm cơ hội lựa chọn và tăng niềm tin vào hoạt động này. Mặt khác, ở giai đoạn đầu hoạt động, sàn cũng cần được đặt dưới sự giám sát của một cơ quan nhà nước, chẳng hạn là Bộ Tài chính hoặc NHNN”, ông Hiếu nói.

Vị chuyên gia này cho rằng, việc giao nhiệm vụ cho VAMC vận hành sàn giao dịch nợ cũng cần xem xét, bởi lẽ, công ty này cũng là một chủ thể tham gia thị trường nên việc đảm nhận vai trò điều hành sẽ có thể bị mang tiếng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, việc phát triển thị trường mua bán nợ là cần thiết, còn việc xây dựng sàn giao dịch nợ thì cần làm rõ các nội dung cụ thể.

“Vấn đề cần làm rõ là sàn vật chất với hạ tầng như sàn chứng khoán hiện nay hay chỉ là sàn trên Internet. Việc xây dựng sàn vật chất là không cần thiết ở thời điểm hiện nay bởi có thể tốn kém và các giao dịch mua bán nợ hoàn toàn có thể được thực hiện trên môi trường Internet. Bên cạnh đó, việc xây dựng sàn giao dịch này cũng nên theo hướng quy về một mối, tức là có một bên hoặc một tổ chức tập hợp và chịu trách nhiệm công khai thông tin về các khoản nợ. Với cách làm đó, thị trường sẽ thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia”, ông Lực nhấn mạnh.

Chuyên đề