Vì sao vẫn khó đấu giá quyền khai thác khoáng sản?

(BĐT) - Luật Khoáng sản 2010 quy định đấu giá quyền khai thác khoáng sản được ban hành với nhiều kỳ vọng sẽ giảm thiểu cơ chế “xin - cho”. Tuy nhiên cho tới nay, số trường hợp thực hiện đấu giá vẫn khá khiêm tốn. Có ý kiến cho rằng, cơ chế về đấu giá khoáng sản là một thất bại lớn nhất của Luật.
Số lượng mỏ khoáng sản được đem ra đấu giá không nhiều. Ảnh: Minh Anh
Số lượng mỏ khoáng sản được đem ra đấu giá không nhiều. Ảnh: Minh Anh

Khó thực hiện

TS. Lê Ái Thụ, Chủ tịch Hội Địa chất kinh tế Việt Nam cho biết, theo quy định, hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản gồm: đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản và đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực đã có kết quả thăm dò khoáng sản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Thực tế, các khu vực có kết quả thăm dò đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác trước khi Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực. Trong khi đó, việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại các khu vực chưa thăm dò lại được cho là không khả thi vì cơ quan có thẩm quyền bán đấu giá không hiểu được “vật” được đấu giá là như thế nào, chất lượng ra sao, doanh nghiệp (DN) thì không muốn tham gia đấu giá, không dám bỏ giá. Mặt khác, những mỏ được đưa ra đấu giá thì giá trị kinh tế thu lại không cao nên DN không mấy mặn mà. Ngoài ra, chi phí dịch vụ đấu giá quá cao (tính theo % giá trị mỏ) đã cản trở sự tham gia của nhiều DN trong đấu giá khoáng sản.

Liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Tiến Chỉnh, Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam chia sẻ, đấu giá khai thác khoáng sản gặp khó là do trong quá trình đấu giá đã không thu hút đủ số DN (hồ sơ) tham gia đấu giá (ít nhất 3 tổ chức); DN không đủ năng lực tài chính theo quy định (vốn chủ sở hữu >= 50 tỷ đồng); DN cần có chuyên môn về thăm dò, khai thác khoáng sản và phải cam kết chế biến sâu… 

Thông tin thiếu minh bạch

Theo Quyết định số 203/QĐ-TTg ngày 27/1/2014, có 151 điểm mỏ khoáng sản không đấu giá quyền khai thác khoáng sản, các điểm mỏ này thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT). Bên cạnh đó, còn một số mỏ thuộc diện không đấu giá mà Chính phủ quy định trong các văn bản nhỏ lẻ.

Trên trang điện tử của Tổng cục Địa chất khoáng sản hiện đăng tải 38 trường hợp xin cấp phép thăm dò khoáng sản không qua đấu giá, nhưng mỗi trường hợp lại không có thông tin về ngày đăng hay thời gian hết hạn. Thống kê cho thấy, trong 3 năm (2012 - 2014), Bộ TN&MT đã cấp 112 giấy phép thăm dò khoáng sản không qua đấu giá, 17 trường hợp gia hạn, 95 trường hợp cấp mới.

Luật Khoáng sản 2010 ra đời được kỳ vọng sẽ minh bạch hóa hoạt động khai thác khoáng sản nhờ việc đưa ra đấu giá công khai các mỏ khoáng sản. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Chỉnh cho biết, khi khoanh định lại những khoáng sản nào được phép đưa ra đấu giá thì những mỏ khoáng sản lớn (than, mỏ đá để sản xuất xi măng…) lại không thuộc phạm vi đấu giá để áp dụng theo Luật. Từ đó, số lượng mỏ khoáng sản được đem ra đấu giá không còn nhiều nữa.

Theo khảo sát của ông Nguyễn Tiến Chỉnh, ở cấp địa phương, đến tháng 6/2016, có 7/52 tỉnh có kế hoạch triển khai đấu giá với gần 70 điểm mỏ với tổng giá trị khoảng 39 tỷ đồng; Trung ương (Bộ TN&MT) cũng đã phê duyệt kế hoạch đấu giá nhưng chưa triển khai được. Trong số những mỏ có kế hoạch triển khai đấu giá, chỉ có 12 mỏ cát làm vật liệu xây dựng ở Quảng Bình, Kon Tum qua đấu giá thu được 3,6 tỷ đồng; một số mỏ ở Quảng Ngãi thu được 5,1 tỷ đồng… Còn ngoài ra, số liệu, thông tin về các mỏ đấu giá thành công vẫn chưa được các địa phương cập nhật đầy đủ và công khai.

Cho rằng cơ chế đấu giá khoảng sản là một sự thất bại của Luật Khoáng sản 2010, ông Nguyễn Minh Đức đề xuất cần giảm bớt các trường hợp cấp giấy phép khai thác khoáng sản không qua đấu giá; công khai các quyết định đưa mỏ vào khu vực không đấu giá, công khai các kết quả đấu giá quyền khai thác khoáng sản, lấy ý kiến người dân trước khi cấp phép...

Khoản 4 Điều 4 của Luật Khoáng sản yêu cầu: “Khai thác khoáng sản phải lấy hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường làm tiêu chuẩn cơ bản để quyết định đầu tư, áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến, phù hợp với quy mô, đặc điểm từng mỏ, loại khoáng sản để thu hồi tối đa khoáng sản”. Điểm d Khoản 2 Điều 55 cũng nêu rõ, khai thác tối đa khoáng sản chính, khoáng sản đi kèm; bảo vệ tài nguyên khoáng sản; thực hiện an toàn lao động, vệ sinh lao động và các biện pháp bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, Khoản 1 Điều 2 của Nghị định số 22/2012/NĐ-CP quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản lại chỉ quy định: “Đấu giá quyền khai thác khoáng sản là hình thức bán quyền khai thác khoáng sản công khai theo phương thức trả giá tăng cao”. Bên cạnh đó, công thức xác định tiền trúng đấu giá tại Nghị định 203/2013/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 54/2014/TTLT-BTNMT-BTC lại không đề cập đến khai thác khoáng sản đi kèm. Đây là một sơ hở lớn để các DN có thể lợi dụng để trục lợi.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư