Bất cập đấu giá quyền khai thác khoáng sản

(BĐT) - Theo Liên minh khoáng sản, Luật Khoáng sản số 60/2010/QH13 có nhiều nội dung mới, tác động mạnh đến hiệu quả quản lý nhà nước cũng như quản lý sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực khoáng sản. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện, hoạt động đấu giá quyền khai thác khoáng sản vẫn còn nhiều bất cập và thực tế hoạt động này vẫn chưa được thực hiện tại bất kỳ khu vực nào. 

Cộng đồng chưa được hưởng lợi

Bà Trần Thanh Thủy, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho biết, hoạt động khai khoáng trên cả nước chiếm dụng tới 41.000 ha đất tự nhiên. Một số địa phương, như Quảng Ninh, chỉ tính riêng các mỏ than lộ thiên đang hoạt động đã chiếm dụng tới 5.700 ha đất.

Chiếm dụng diện tích lớn đất tự nhiên, hoạt động khai khoáng đang gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường. Mỗi năm, khai thác than ở Quảng Ninh làm phát sinh 4,6 tỷ m3 đất đá thải, khai thác Apatit tại Lào Cai phát sinh 3 triệu m3. Trong khi đó, cơ hội việc làm tạo ra cho người lao động thì không nhiều như kỳ vọng. Theo thống kê năm 2014, số lao động ngành mỏ chỉ chiếm 0,48% tổng số lao động của cả nước.

Điều 5 Nghị định 12/2016/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường (BVMT) trong khai thác khoáng sản quy định rõ, phí BVMT đối với khai thác khoáng sản, không kể dầu thô và khí thiên nhiên, khí than là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản theo Luật BVMT và Luật Ngân sách nhà nước.

Nhưng thực tế, kết quả phỏng vấn 30 xã (trong giai đoạn từ năm 2009 - 2012) có hoạt động khai thác mỏ cho thấy, có 6 xã hàng năm có nhận được khoản thu từ khai thác khoáng sản nhưng không rõ đó có phải phí BVMT hay không; 12 xã không nhận được phân bổ nguồn thu từ khai thác khoáng sản; 12 xã khác thì không biết có được phân bổ ngân sách cho công tác BVMT hay không? Đặc biệt, trong 30 xã được khảo sát thì có tới 21 xã cho biết, chưa từng được đầu tư các công trình hay dự án cải tạo môi trường.

Thực trạng này đang đặt ra thách thức trong việc bảo hộ quyền lợi của người dân và khắc phục hậu quả môi trường liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản. Cùng với đó, cơ chế cho sự tham gia của cộng đồng và chính quyền cấp xã trong giám sát hoạt động khai thác khoáng sản nói chung và đầu tư cho địa phương nói riêng còn “thiếu vắng”.

Do đó, bà Trần Thanh Thủy đề xuất, các quy định về bảo hộ quyền lợi cộng đồng và khắc phục hậu quả môi trường cần được đưa vào chính sách pháp luật quản lý và sử dụng ngân sách. Ngoài ra, cần quy định rõ hơn vai trò của chính quyền các cấp trong bố trí và sử dụng ngân sách phục vụ đầu tư phát triển xã hội và khắc phục hậu quả môi trường nơi có hoạt động khai thác khoáng sản; xây dựng những cơ chế cụ thể hơn cho sự tham gia của cộng đồng và chính quyền cấp xã, huyện. 

Vẫn chưa thể đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Việc xác định giá khởi điểm rất khó triển khai, nếu có triển khai thì độ tin cậy cũng không có, đặc biệt đối với khu vực chưa có kết quả thăm dò.
Bàn về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, đại diện Liên minh khoáng sản cho biết, Luật Khoáng sản có quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa có kết quả thăm dò và khu vực có kết quả thăm dò. Tuy nhiên, qua hơn 5 năm thực hiện, về cơ bản các khu vực đã có kết quả thăm dò khoáng sản đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác trước khi Luật có hiệu lực. Vì vậy, quy định này đã được dự báo là không thực tế.

Trong khi đó, việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại các khu vực chưa thăm dò khoáng sản về cơ bản là không khả thi. Lý do là cơ quan có thẩm quyền bán đấu giá cũng không hiểu được “tài sản” mình đem đi bán đấu giá là gì. Trong khi, thông thường, để tổ chức bán đấu giá tài sản, người sở hữu tài sản đấu giá phải hiểu được phần nào về giá trị của tài sản đó.

Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định 22/2012/NĐ-CP, giá khởi điểm trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản không thấp hơn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Theo Liên minh khoáng sản, quy định này không thực tiễn. Bởi, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hiện hành được xác định trên cơ sở mỏ đã có dự án đầu tư. Vì vậy, việc xác định giá khởi điểm rất khó triển khai, nếu có triển khai thì độ tin cậy cũng không có, đặc biệt đối với khu vực chưa có kết quả thăm dò.

Chính những khó khăn, bất cập trên mà Luật Khoáng sản năm 2010 đã được Quốc hội thông qua hơn 6 năm, song việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn chưa được thực hiện tại bất kỳ khu vực nào. Còn tại các địa phương cũng chỉ có vài mỏ được tổ chức đấu giá.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư