Vì sao GDP quý I tăng chậm?

(BĐT) - Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa công bố báo cáo Kinh tế vĩ mô quý I/2017 cùng với những dự báo về tăng trưởng, lạm phát cũng như một số chỉ số kinh tế quan trọng khác.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của quý I không đạt như kỳ vọng. Ảnh: Lê Tiên
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của quý I không đạt như kỳ vọng. Ảnh: Lê Tiên

Công nghiệp suy giảm bất thường

VEPR cho biết, sau 2 quý phục hồi, kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng ở mức 5,1% trong quý I năm 2017, thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây (quý I/2015 là 6,12%, quý I/2016 là 5,48%). Với mức tăng trưởng thấp trong quý I, VEPR nhận định mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho cả năm 2017 sẽ không đạt được. Trước mắt, cơ quan này dự báo quý II sẽ tăng trưởng ở mức 5,7%, quý III là 6,5%, quý IV là 6,6% và cả năm đạt khoảng 6,1%.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng kinh tế quý I năm nay ở mức thấp. Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công chậm cũng là một nguyên nhân nhưng không quá lớn. Bởi vốn đầu tư công Việt Nam hiện nay liên tục giảm vì ngân sách khó khăn.

Ông Thành cho rằng, nút thắt lớn trong vấn đề tăng trưởng kinh tế hiện nay chủ yếu vẫn là do tăng trưởng không tốt từ khu vực sản xuất, đặc biệt là chế biến, chế tạo.

Trong báo cáo của VEPR công bố trước đó có nêu rõ, trong quý I, hầu hết các ngành công nghiệp suy giảm một cách bất thường khiến tình hình tăng trưởng không đạt được như kỳ vọng. Giá trị GDP của Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào sản lượng của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là một số công ty lớn như Samsung.

Theo ông Thành, nếu như một nguyên nhân chính của việc suy giảm tăng trưởng được cho là bắt nguồn từ tính thời vụ trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Samsung thì điều này cho thấy một khuynh hướng ngày càng rõ nét về sự lệ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào một số ít tập đoàn đa quốc gia và ngành hàng chính.

Một vấn đề khác khiến Viện trưởng VEPR lo ngại là sức mua yếu. “Trái ngược với chu kỳ các năm trước, tình hình tiêu dùng quý I suy giảm dù trong những tháng Tết Nguyên đán. Nếu loại trừ yếu tố giá, tăng trưởng bán lẻ chỉ đạt 6,2%, thấp hơn khá nhiều so với cùng kỳ các năm trước”, ông Thành lo ngại sức mua của người dân giảm sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế năm nay. 

Cần cải thiện chất lượng tăng trưởng

Sau 2 quý phục hồi, kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng ở mức 5,1% trong quý I năm 2017, thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây
Trả lời câu hỏi có nên cố gắng theo đuổi mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm 2017 hay không, ông Thành nói: “Chúng ta có thể cố, nhưng nên cố theo hướng là tập trung cải thiện chất lượng, chứ không phải “dồn” số lượng cho đủ bằng các biện pháp như tăng cường khai thác dầu thô… Nếu thông qua cải thiện về chất lượng có thể chậm hơn nhưng sẽ bền vững. Đó là điều quan trọng”.

Nói thêm về vấn đề này, TS. Thành cho rằng, muốn cải thiện tăng trưởng thì quan trọng nhất vẫn là thúc đẩy phát triển khu vực sản xuất trong nước. Làm sao để doanh nghiệp tự tin và có cơ hội phát triển hơn trong môi trường kinh doanh hiện nay.

“Hiện nay Chính phủ đang đi rất đúng hướng, đó là tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, sự quyết liệt của Chính phủ đã rõ, nhưng chúng ta cũng thấy có một sự ì rất lớn từ cơ quan bên dưới. Các cơ quan công quyền vẫn muốn nắm giữ lợi ích trong nền kinh tế. Để giải quyết vấn đề này, cần đòi hỏi sự quyết đoán hơn từ phía Chính phủ”, ông Thành nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Đức Thành cũng bày tỏ sự lo ngại khi luồng vốn FDI vào Việt Nam đã có dấu hiệu suy giảm. Theo ông Thành, có thể nói, lợi thế thu hút đầu tư và những bất lợi trong quá trình hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) của Việt Nam ngày càng bộc lộ rõ hơn.

“Tôi thấy rõ thực tế, khi có Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), người ta nói nhiều đến kỳ vọng vốn FDI vào Việt Nam nhờ TPP. Nhưng theo tìm hiểu của tôi, nhiều DN Nhật Bản, trong đó có liên doanh ô tô, đang cân nhắc, xem xét rất kỹ môi trường kinh doanh ở Indonesia để chuyển từ Việt Nam sang. Điều đó chứng tỏ, khi TPP mất đi, Việt Nam gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), các cơ hội và điều kiện giữa các nước ASEAN là tương đương nhau. Như vậy, rõ ràng nền kinh tế Việt Nam đang mất tính cạnh tranh”, ông Thành nói.

Bên cạnh dự báo tốc độ tăng trưởng GDP, ông Thành cũng cho rằng lạm phát cả năm có thể thấp hơn 5%. “Vẫn còn nhiều khả năng lạm phát sẽ cao hơn dự báo, do hiệu ứng điều chỉnh giá dịch vụ công trên toàn quốc và sự bất định của mức giá thế giới”, ông Thành nhận định.

Trước đó, tại buổi tọa đàm công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô năm 2016, VEPR cho rằng mục tiêu tăng 6,7% cho GDP năm 2017 là một ngưỡng cao. Tổ chức này nhận định, tăng trưởng GDP năm 2017 chỉ đạt khoảng 6,4% và lạm phát vào khoảng 5,9%.

Chuyên đề