Vì sao doanh nghiệp đấu giá chần chừ chuyển đổi mô hình?

(BĐT) - Đã hơn 1 năm thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động của các doanh nghiệp (DN) đấu giá theo quy định của Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS) năm 2016, tuy nhiên kết quả lại không mấy khả quan. Mỗi DN đấu giá có những lý do và khó khăn riêng trong việc chần chừ chuyển đổi.
Có tới 70% doanh nghiệp đấu giá vẫn chưa chuyển đổi mô hình hoạt động. Ảnh: Bùi Tuấn Linh
Có tới 70% doanh nghiệp đấu giá vẫn chưa chuyển đổi mô hình hoạt động. Ảnh: Bùi Tuấn Linh

Doanh nghiệp không mặn mà

Theo quy định của Luật ĐGTS, trong thời gian 2 năm kể từ ngày Luật có hiệu lực (từ ngày 1/7/2017), các DN đấu giá phải tiến hành chuyển đổi thành DN tư nhân hoặc công ty hợp danh. Nghĩa là, các DN đấu giá tài sản hoạt động với mô hình công ty cổ phần, công ty TNHH… buộc phải chuyển đổi thành DN tư nhân hoặc công ty hợp danh.

Trong danh sách tổ chức đấu giá tài sản cập nhật tháng 9/2018 cho thấy, ngoài 61 trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản của các tỉnh, thành trên cả nước thì có 362 DN bán đấu giá tài sản đang hoạt động.

Tuy nhiên, trong số 362 DN này, có tới 255 DN vẫn đang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần và công ty TNHH (chiếm tỷ lệ 70%). Trong danh sách này, mới chỉ có 7 DN đấu giá khai báo chuyển đổi thành công mô hình hoạt động (chiếm tỷ lệ gần 2%), còn lại là những DN đấu giá cũ đã có mô hình hoạt động phù hợp với quy định của Luật ĐGTS và những DN thành lập mới.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Vũ Hải, Giám đốc Công ty CP Dịch vụ đấu giá Việt Nam cho biết, DN này không chuyển đổi tên gọi để phù hợp với quy định của Luật, mà sẽ tiến hành đóng cửa hoạt động và thành lập DN bán đấu giá tài sản khác. 

Ông Bùi Ngô Mẫn, Giám đốc Công ty CP ĐG Việt Nam chia sẻ, DN đang bắt đầu tìm hiểu để thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động. Tuy nhiên, quá trình tìm hiểu thấy có một số khó khăn, vướng mắc nên sẽ ủy thác cho một công ty luật để bảo đảm quyền lợi của DN trong quá trình tiến hành chuyển đổi mô hình hoạt động.

Một số DN đấu giá khác đang “nghe ngóng” và tham khảo kinh nghiệm của người đi trước để quyết định tiến hành chuyển đổi hoặc giải thể, thành lập DN ĐGTS mới.

Sợ thiệt thòi khi chuyển đổi

Theo ông Đỗ Dương Hùng, Giám đốc Công ty CP Đấu giá Việt Á, việc chuyển đổi mô hình hoạt động không chỉ đơn thuần là việc thay đổi tên gọi. Trên thực tế, việc chuyển đổi mô hình hoạt động của DN đồng nghĩa với việc cơ quan thuế sẽ thực hiện thủ tục cấp mã số thuế mới theo quy định tại Thông tư số 95/2016/TT-BTC.

7 DN đấu giá khai báo chuyển đổi thành công mô hình hoạt động trong danh sách tổ chức ĐGTS nêu trên đều có sự thay đổi cả tên gọi và mã số thuế DN. Điều đó đồng nghĩa với việc các DN này hoạt động với bộ máy cũ nhưng tư cách pháp nhân như một DN mới chỉ hoạt động khoảng 1 năm trở lại đây, năng lực và kinh nghiệm trong thời gian hoạt động trước bị xóa bỏ.

Việc thay đổi hoàn toàn DN đấu giá (cả tên gọi và mã số thuế) theo ông Nguyễn Đình Kiên, Giám đốc Công ty CP Đấu giá và Thương mại Việt Nam, sẽ dẫn đến nhiều “thiệt thòi” cho DN. “Trên thực tế, hàng năm, Sở Tư pháp có đoàn công tác khảo sát thực tế tại các DN đấu giá để tiến hành đánh giá DN nào đủ điều kiện thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, cùng với đó là đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của DN. Mặt khác, nhiều đơn vị có tài sản thực hiện việc lựa chọn tổ chức bán ĐGTS đều đưa ra điều kiện về năng lực, kinh nghiệm bằng các hợp đồng đã thực hiện bán đấu giá thành công trong quá khứ. Do đó, khi tiến hành chuyển đổi hoàn toàn như vậy, DN đấu giá sẽ bị thiệt thòi nhiều, chẳng khác gì “cào bằng” năng lực, kinh nghiệm của các DN đấu giá”, ông Kiên bày tỏ quan điểm.

Để tạo thuận lợi cho hoạt động của DN đấu giá, ông Kiên đề xuất, Sở Tư pháp các địa phương khi cấp giấy đăng ký hoạt động cho DN đấu giá theo quy định của Luật ĐGTS cũng nên có những xác nhận, chứng thực về tên, mã số thuế của DN cũ khi thực hiện chuyển đổi. Như vậy sẽ bảo đảm quyền lợi của DN và khuyến khích các DN thực hiện chuyển đổi, thay vì cho dừng hoạt động DN cũ và thành lập DN mới.

Chuyên đề