VEC được thành lập để tiếp nhận và huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc quốc gia. Ảnh: Thùy Minh |
Mục tiêu của VEC khi thực hiện cổ phần hóa là gì, thưa ông?
VEC được thành lập để thực hiện mục tiêu của Chính phủ là xây dựng một đơn vị nòng cốt tiếp nhận và huy động các nguồn vốn (trái phiếu, vay nước ngoài,...) để đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc quốc gia; đặc biệt là các nguồn vốn vay nước ngoài, theo yêu cầu của nhà tài trợ cần phải có doanh nghiệp (DN) tiếp nhận và trực tiếp quản lý. Qua đánh giá, tổng kết mô hình hoạt động của VEC, Chính phủ đã ghi nhận, mô hình tổ chức của VEC bước đầu đã đạt được mục tiêu đề ra trong việc tiếp nhận và huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc quốc gia...
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa (CPH) DN nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN, Bộ GTVT xác định CPH các DN 100% vốn nhà nước, trong đó có VEC. Đối với VEC, mục tiêu CPH là nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; huy động thêm nhiều nguồn vốn đầu tư xây dựng các tuyến đường cao tốc; xã hội hóa việc đầu tư xây dựng các tuyến đường; nâng cao năng lực tài chính, quản trị của VEC...
Thực hiện các dự án đường cao tốc đòi hỏi nguồn vốn lớn, trong khi nguồn vốn cấp từ ngân sách rất hạn hẹp. Do vậy, để huy động được các nguồn lực thì việc CPH công ty mẹ nhằm thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế khác là cần thiết.
VEC là một DN đặc thù được thành lập để thực hiện mục tiêu của Chính phủ trong việc thu hút vốn đầu tư xây dựng các tuyến đường cao tốc quốc gia. Do vậy, để cổ phần hóa một DN đặc thù cần có sự vào cuộc của nhiều cơ quan liên quan để tháo gỡ các vướng mắc, tồn tại trước khi tiến hành cổ phần hóa. Hiện VEC đang tích cực phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để triển các vấn đề liên quan.
Để đảm bảo mục tiêu phát triển hệ thống đường cao tốc trước khi cổ phần hóa, Bộ GTVT đã báo cáo và được Thủ tướng chính phủ đồng ý về chủ trương tăng vốn điều lệ của VEC đến năm 2019 là 72.602 tỷ đồng. Hiện Bộ GTVT đang thống nhất với Bộ Tài chính chi tiết việc bổ sung vốn điều lệ cho VEC. Do đó, sau khi Bộ GTVT ban hành quyết định bổ sung vốn điều lệ, phía tư vấn mới có cơ sở xác định giá trị DN để CPH.
Phương thức cổ phần hóa VEC dự kiến được thực hiện như thế nào?
VEC thực hiện CPH theo phương thức bán một phần vốn Nhà nước hiện có tại Tổng công ty. Đây là bước đi giảm dần tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, tạo điều kiện cho đối tác trong nước và nước ngoài mua cổ phần, tăng nguồn lực cho VEC.
Ông có thể nói rõ về lộ trình CPH và niêm yết trên thị trường chứng khoán tập trung của VEC?
Dự kiến, việc CPH VEC sẽ thực hiện theo lộ trình: Hoàn thành Quyết định tăng vốn điều lệ và thực hiện phê duyệt thời điểm xác định giá trị DN trong quý I/2016; hoàn thành hồ sơ xác định giá trị DN và phê duyệt giá trị DN trong quý II/2016. Và trong quý III/2016 sẽ hoàn thành phương án CPH VEC, thẩm định phương án này trình Thủ tướng Chính phủ. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án CPH, VEC sẽ hoàn thành IPO trong vòng 90 ngày kể từ ngày có Quyết định phê duyệt phương án CPH này.
Ông đánh giá thế nào về khả năng thành công khi chào bán cổ phiếu của VEC?
Với những thành công VEC đã đạt được cùng với triển vọng phát triển trong tương lai, VEC hy vọng rằng, việc CPH sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Để chuẩn bị cho việc chào bán, VEC đang xây dựng các tiêu chí để chọn nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực tài chính, thương hiệu mạnh, sẵn sàng chia sẻ với VEC về chiến lược đầu tư trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn.