Phiên bán tháo hôm thứ Tư đẩy chỉ số S&P 500 xuống mức thấp nhất 3 tháng (Ảnh: AFP) |
Sau nỗ lực phục hồi nhẹ phiên thứ Ba, chứng khoán Mỹ nhanh chóng giảm mạnh trở lại trong phiên thứ Tư, đánh dấu sự khởi đầu không thể tệ hơn của chứng khoán trong năm 2016.
Tưởng chừng phiên hồi phục hôm thứ Ba sau phiên bán tháo đầu năm sẽ giúp phố Wall hồi phục dần, nhưng ngay khi bước vào phiên thứ Tư, liên tiếp các thông tin bất lợi từ bên ngoài đã khiến nhà đầu tư bán tháo ồ ạt, đẩy chỉ số S&P 500 giảm xuống mức thấp nhất 3 tháng.
Đầu tiên phải kể đến là nỗi lo về sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc và việc đồng nhân dân tệ của nước này liên tục sụt giảm, chạm đáy mới, gây bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc và thậm chí là cả thị trường nội địa của Mỹ, trước sự cạnh tranh của hàng nhập từ Trung Quốc.
Việc sức khỏe nền kinh tế Trung Quốc có vấn đề cũng khiến giá dầu lao mạnh trong phiên thứ Tư, khiến nhóm cổ phiếu năng lượng lao dốc theo, cũng là tác nhân đẩy phố Wall giảm mạnh.
Ngoài ra, một thông tin tiêu cực mới cũng đã xuất hiện trong phiên là việc Triều Tiên công bố đã thử thành công bom nhiệt hạch, làm căng thẳng về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên gia tăng thêm một cấp độ mới.
Chính những thông tin tiêu cực này đã lấn át dữ liệu tích cực về kinh tế. Cụ thể, theo mô hình của Cục Dự trữ Liên bang khu vực Atlanta, GDP trong quý IV/2015 của Mỹ tăng 1%, cao hơn con số dự báo 0,7% trước đó của Fed. Cũng theo Fed Atlanta, thậm hụt thương mại được điều chỉnh xuống còn 42,4 tỷ USD trong tháng 11 sau khi gia tăng lên 44,6 tỷ USD trong tháng 10/2015. Điều này dẫn đến mô hình ước tính xuất khẩu đóng góp thêm 0,2% trong tăng trưởng GDP so với con số kéo giảm 0,2% đưa ra trước đó.
Kết thúc phiên 6/1, chỉ số Dow Jones giảm 252,15 điểm (-1,47%), xuống 16.906,51 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 26,45 điểm (-1,31%), xuống 1.990,26 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 55,67 điểm (-1,14%), xuống 4.835,76 điểm.
Cũng giống phố Wall và chứng khoán châu Á, chứng khoán châu Âu đã nhanh chóng giảm mạnh trở lại trong phiên thứ Tư, xuống mức thấp nhất 3 tuần sau phiên hồi nhẹ trước đó. Nguyên nhân khiến giới đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu không có gì khác ngoài lo ngại về sức khỏe nền kinh tế Trung Quốc và việc đồng nhân dân tệ chạm đáy mới. Nhóm cổ phiếu chịu tổn thất nặng nề nhất là nhóm khai thác mỏ và cổ phiếu của các doanh nghiệp xuất khẩu lớn vào Trung Quốc.
Kết thúc phiên 6/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 63,86 điểm (-1,04%), xuống 6.073,38 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 96,08 điểm (-0,93%), xuống 10.214,02 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 57,16 điểm (-1,26%), xuống 4.480,47 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi tâm lý giới đầu tư trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục trở lại sau động thái bơm 20 tỷ USD của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, thì nhà đầu tư trên các thị trường khác trong khu vực vẫn đang lo ngại về tình hình của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này, nhất là việc đồng nhân dân tệ giảm mạnh.
Lo ngại về kinh tế Trung Quốc, cũng như trấn động bởi vụ thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên, chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông tiếp tục có phiên giảm với mức độ giảm mạnh hơn phiên trước đó trong phiên thứ Tư.
Kết thúc phiên 6/1, chỉ số Nikke 225 tại Nhật Bản giảm 182,68 điểm (-0,99%), xuống 18.191,32 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 207,91 điểm (-0,98%), xuống 20.980,81 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 74,13 điểm (+2,25%), lên 3.361,84 điểm.
Những thông tin tiêu cực cho chứng khoán, lại là thông tin hỗ trợ tích cực cho giá vàng. Vàng được coi là kênh đầu tư trú ẩn an toàn mỗi khi có căng thẳng địa chính trị, khủng hoảng kinh tế, lạm phát, thiên tai… Do đó, những lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc và đặc biệt là tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch của Triều Tiên như là “liều thuốc kích thích”, đẩy giá vàng chạy nhanh hơn trong phiên thứ Tư.
Kết thúc phiên 6/1, giá vàng giao ngay tăng 16,3 USD (+1,51%), lên 1.093,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2016 tăng 13,5 USD (+1,25%), lên 1.091,9 USD/ounce.
Thông thường, giá vàng và giá dầu thường có diễn biến cùng chiều nhau do giá dầu tác động đến lạm phát, trong khi vàng là kênh trú ẩn mỗi khi có lạm phát. Tuy nhiên, trong 3 phiên giao dịch đầu năm mới 2016, hai loại hàng hóa này lại diễn biến ngược chiều nhau. Trong khi vàng nhận được sự hỗ trợ từ những lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc và đà bán tháo trên thị trường chứng khoán, thì cũng chính sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã khiến giá dầu liên tiếp sụt giảm.
Trong phiên giao dịch thứ Tư, giá dầu thô tiếp tục sụt giảm khi lo ngại về nhu cầu yếu do sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc, cũng là thị trường tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới đang có vấn đề. Ngoài ra, kho dự trữ xăng và sản phẩm chưng cất của Mỹ tăng mạnh 10,6 triệu thùng và 6,3 triệu thùng trong tuần trước khiến giá dầu thô tiếp tục lao dốc. Trong đó, giá dầu thô Brent vẫn ở mức thấp nhất 11 năm, còn giá dầu thô Mỹ cũng xuống mức thấp nhất từ năm 2009.
Kết thúc phiên 6/1, giá dầu thô Mỹ giảm 2,0 USD/thùng (-5,89%), xuống 33,97 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,19 USD (-6,4%), xuống 34,23 USD/thùng.