Tình cảnh bi đát của dân buôn cổ phiếu Trung Quốc sau vụ sập sàn

Hãng tin AP vừa đăng tải bài viết thuật lại tình cảnh của nhiều nhà đầu tư Trung Quốc bị mất trắng vốn liếng trong đợt bán tháo cổ phiếu trên sàn chứng khoán Thượng Hải hồi đầu tuần.
Nhiều nhà đầu tư cá nhân tại Trung Quốc đang mất lòng tin trầm trọng vào thị trường chứng khoán nước này sau đợt bán tháo tại sàn Thượng Hải hôm 4.1 - Ảnh: Reuters
Nhiều nhà đầu tư cá nhân tại Trung Quốc đang mất lòng tin trầm trọng vào thị trường chứng khoán nước này sau đợt bán tháo tại sàn Thượng Hải hôm 4.1 - Ảnh: Reuters

Yang Lihua là một trong số hàng triệu nhà đầu tư cá nhân Trung Quốc thuận theo lời kêu gọi mua cổ phiếu của chính phủ hồi năm 2015.

Tuy nhiên, nữ biên tập viên khoảng 30 tuổi của một tờ báo tại Thượng Hải này đã quyết định bán tháo sau khi thị trường sập hồi tháng 6 và cô thề sẽ không bao giờ đầu tư vào chứng khoán.

Đến tháng 11, Yang bị thuyết phục quay trở lại sau khi chính quyền Bắc Kinh chi hàng tỉ USD để bình ổn thị trường. Rồi đến phiên giao dịch hôm 4.1 vừa qua, chỉ số Shanghai Composite của sàn Thượng Hải mở đầu năm mới bằng cú giảm điểm mạnh 7%.

“Tôi không muốn đầu tư nữa. Quá là khốn khổ. Chuyện này làm tôi đau lòng nhiều lắm”, Yang nói. Nhà đầu tư này đã lỗ tổng cộng đến 55.000 USD.

Lỗ nặng vì sự trồi sụt của thị trường khiến dân đầu tư nhỏ lẻ Trung Quốc thề “cạch mặt” chứng khoán. AP bình luận điều này ảnh hưởng đến hy vọng thuyết phục được người dân cả nước sở hữu cổ phiếu của Bắc Kinh nhằm biến thị trường tài chính trong nước thành công cụ thúc đẩy cải cách kinh tế.

Mặc dù thị trường có quay đầu tăng điểm trở lại sau đợt giảm điểm liên tục hồi tháng 8, nhưng đã không có luồng tiền đầu tư mới nào đáng kể vào chứng khoán từ các nhà đầu tư cá nhân, theo ông Guo Yanhong, một chuyên gia phân tích thị trường chứng khoán thuộc tập đoàn Founder Securities (Trung Quốc).

“Hoặc họ không còn tiền để đầu tư, hoặc họ không còn muốn đầu tư nữa”, ông Guo nhận định.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc biến động dữ dội hồi năm ngoái đã khiến người dân nước này mất lòng tin vào thị trường tài chính trong nước.

Tính cả năm 2015, trong khi chỉ số S&P 500 (Mỹ) giảm 0,7%, Shanghai Index tăng 9,5%. Nhưng nhiều nhà đầu tư non kinh nghiệm bỏ tiền mua cổ phiếu trước khi thị trường tăng đến đỉnh này hiện đã phải chịu lỗ.

Yin Kai, một nhân viên ngân hàng tại Bắc Kinh, tâm sự anh đã lỗ khoảng 20% trong tổng số tiền 15.000 USD bỏ vào cổ phiếu.

“Tôi cảm thấy rầu khi đề cập đến chuyện này vì tôi e rằng mình đang mất gần như toàn bộ khoản tiền lương hiện tại vào thị trường chứng khoán”, nhà đầu tư 26 tuổi này cho hay.

Giá cổ phiếu niêm yết trên sàn Thượng Hải có nhích lên trong phiên giao dịch ngày 6.1 sau khi có thông tin chính phủ sẽ bơm khoảng 21 tỉ USD để bình ổn thị trường. Chỉ số Shanghai Composite tăng nhẹ 0,69%.

Tuy nhiên, chuyên gia Guo cho rằng thị trường khó có khả năng ổn định ít nhất là đến quý 2 năm nay, đồng thời nói thêm rằng việc thuyết phục giới đầu tư cá nhân quay trở lại sẽ tốn nhiều thời gian hơn.

“Sẽ cần có thời gian để làm lành tổn thương mà họ gánh chịu. Dựa vào kinh nghiệm trước đây, thường sẽ phải mất vài năm”, ông Guo nói. 

Chuyên đề

Kết nối đầu tư