TP.HCM sẽ không dùng những mảnh đất đẹp, nằm ở vị trí đắc địa để thanh toán cho dự án BT. Ảnh: Quang Tuấn |
Không đủ quỹ đất
Đánh giá 2 năm thực hiện Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) để triển khai các dự án BT trên địa bàn TP.HCM, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP.HCM Sử Ngọc Anh cho biết, Thành phố đã huy động được 20.338 tỷ đồng từ khu vực tư nhân để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện ngân sách Thành phố còn hạn chế.
Về hình thức thu hút đầu tư, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP quy định nhiều loại hợp đồng khác nhau (BT, BOT, BOO…) để nhà đầu tư tùy vào thực tế có thể lựa chọn trong quá trình đầu tư dự án. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhà đầu tư, các sở ngành quản lý có xu hướng kêu gọi đầu tư theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng). Trong khi đó, TP.HCM hiện không có đủ quỹ đất phục vụ mục đích xã hội hóa, cũng như thiếu kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng để giao đất sạch cho nhà đầu tư. Điều này dẫn đến khó khăn khi huy động vốn phát triển kết cấu hạ tầng theo hình thức BT.
Việc triển khai các dự án BT tại TP.HCM thời gian qua cũng phát sinh nhiều khó khăn, nhất là trong đền bù, giải phóng mặt bằng. Theo đó, khi đền bù, giải phóng mặt bằng kéo dài, Thành phố khó tính toán được thời gian thực hiện và chi phí cho công tác này, dẫn đến việc bàn giao mặt bằng thi công cho nhà đầu tư bị chậm trễ, gây khó khăn trong việc tính toán phương án tài chính hoàn vốn, cũng như hiệu quả đầu tư của nhà đầu tư ở các dự án hoàn vốn bằng lợi nhuận từ các dự án khác.
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du cho rằng, do BT lâu nay đều đổi đất cho nhà đầu tư thông qua cơ chế chỉ định thầu nên thiếu tính cạnh tranh, hiệu quả. Cần thay đổi mạnh mẽ cách lựa chọn nhà đầu tư để tăng giá trị của một dự án BT, cũng như phát huy đúng giá trị “đất vàng” mà TP.HCM sở hữu.
“Đất vàng” phải đấu giá công khai
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khi bàn về việc xây dựng quy chế triển khai dự án BT tại TP.HCM trong thời gian tới đã nhấn mạnh, TP.HCM sẽ đấu giá đất công khai để tăng thu cho ngân sách, và tuyệt đối không dùng những mảnh đất đẹp, nằm ở vị trí đắc địa để thanh toán cho các dự án BT.
Mới đây nhất, UBND TP.HCM vừa phê duyệt phương án đấu giá 586 nền đất ở không thuộc Chương trình đầu tư 12.500 căn hộ phục vụ tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Quận 2 với tổng giá trị quyền sử dụng đất hơn 1.363 tỷ đồng.
“Đây là khu “đất vàng” mà TP.HCM biết rất nhiều nhà đầu tư muốn có, bày tỏ quan tâm, thậm chí là theo đuổi từ rất lâu. Tuy nhiên, Thành phố giữ vững quan điểm “đất vàng” của khu lõi ở đô thị Thủ Thiêm cũng như những khu “đất vàng” trên các quận khác, nhất định sẽ thông qua đấu giá để thu về ngân sách nhà nước, chứ không giao cho các nhà đầu tư để đổi lấy các dự án BT”, ông Nguyễn Thành Phong khẳng định.
Theo ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM - đơn vị được giao tổ chức đấu giá nhiều tài sản thuộc quyền sở hữu nhà nước tại TP.HCM, nguồn tài chính thu được từ bán đấu giá tài sản của Nhà nước, trong đó, nhiều nhất là đất, đang được thực hiện tốt. Giá trị tài sản bán được tăng cao thông qua đấu giá đã góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách, phục vụ đầu tư phát triển của Thành phố.
Sở KH&ĐT TP.HCM cũng nhận định, giá trị tài sản thuộc sở hữu nhà nước tại TP.HCM bán được là rất cao, đảm bảo tránh thất thoát, góp phần tăng nguồn thu ngân sách nhà nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Các phiên đấu giá tài sản thuộc sở hữu nhà nước luôn đảm bảo tuân thủ đúng trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật. Đến thời điểm này, toàn Thành phố đã tổ chức đấu giá 215 tài sản, với giá trị đấu giá thu được là 4.465 tỷ đồng.