TP HCM kêu gọi đầu tư 100.000 tỷ đồng vào giao thông

Tuyến tàu điện một ray số 3, mở rộng Quốc lộ 22, đường trên cao số 5... là những dự án có vốn lớn được TP HCM kêu gọi tư nhân đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công - tư).
Quốc lộ 22 dài 58 km nối TP HCM, Tây Ninh với Campuchia được kêu gọi đầu tư nâng cấp, mở rộng với tổng số vốn khoảng 12.850 tỷ đồng. Ảnh: Hữu Nguyên
Quốc lộ 22 dài 58 km nối TP HCM, Tây Ninh với Campuchia được kêu gọi đầu tư nâng cấp, mở rộng với tổng số vốn khoảng 12.850 tỷ đồng. Ảnh: Hữu Nguyên

Theo danh mục dự án ưu tiên đầu tư theo hình thức PPP vừa được UBND TP HCM trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng nhu cầu vốn cho các dự án hạ tầng giao thông giai đoạn 2016-2020 là hơn 137.500 tỷ đồng, riêng vốn nhà nước tham gia gần 38.000 tỷ đồng.

Trong đó, các dự án ưu tiên đầu tư gồm tuyến Monorail số 3 (ngã tư Phan Văn Trị, Nguyễn Oanh - Ga Tân Chánh Hiệp) có tổng số vốn dự kiến khoảng 8.400 tỷ đồng; mở rộng Quốc lộ 22 (đường xuyên Á) 12.850 tỷ và xây dựng đường trên cao tuyến số 5 (đi trùng với đường vành đai 2 - Quốc lộ 1) từ nút giao trạm 2 đến nút giao An Lạc với kinh phí khoảng 20.000 tỷ đồng...

Liên quan đến tình hình đầu tư và thực hiện dự án hạ tầng giao thông, thành phố đang triển khai 5 dự án quan trọng, gồm: Dự án xây dựng tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) có tổng mức đầu tư hơn 47.000 tỷ đồng (vốn ODA hơn 41.000 tỷ), tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) hơn 26.000 tỷ đồng (vốn ODA gần 20.000 tỷ).

Dự án Vệ sinh môi trường TP HCM - giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng (vốn ODA là 9.560 tỷ) còn dự án xây dựng đại lộ Đông Tây (đã hoàn thành) gần 15.000 tỷ đồng (vốn ODA hơn 10.000 tỷ).

Dự án Cải thiện môi trường nước thành phố lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ, giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng (vốn ODA là 9.830 tỷ đồng) cũng đang được triển khai.

Tổng mức đầu tư cho các dự án này là gần 110.700 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA là 91.400 tỷ, còn lại là vốn ngân sách thành phố.

Về nhu cầu vốn cho phát triển hạ tầng giao thông TP HCM, TS Trần Du Lịch – nguyên Phó đoàn đại biểu Quốc hội thành phố - cho biết, đến năm 2020, thành phố cần 500.000 tỷ đồng; 10 năm tiếp theo cần đến một triệu tỷ nhưng nguồn vốn hiện nay rất khó khăn. Vì vậy, thành phố phải xã hội hóa, dựa vào nguồn đất công để thực hiện đổi đất lấy hạ tầng. Tận dụng các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước hay các công ty đầu tư làm vốn mồi để huy động các nguồn lực khác.

Chuyên đề