Tiếp sức cho DN sản xuất sau Covid-19

(BĐT) - Theo Bộ Công Thương, đại dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lớn thuộc ngành dệt may, da giày, điện tử, sản phẩm cao su, đồ gỗ, chế biến thực phẩm, phân bón, hóa chất... bị ảnh hưởng nặng nề. Ngành sản xuất trong nước bị ảnh hưởng không chỉ giới hạn ở vấn đề nguồn cung nguyên vật liệu, mà cả thị trường tiêu thụ, đặc biệt là xuất khẩu.
Samsung Việt Nam dự kiến giảm mục tiêu xuất khẩu xuống còn khoảng 45,5 tỷ USD trong năm 2020. Ảnh: Việt Hưng
Samsung Việt Nam dự kiến giảm mục tiêu xuất khẩu xuống còn khoảng 45,5 tỷ USD trong năm 2020. Ảnh: Việt Hưng

Chồng chất khó khăn

Đến thời điểm này, nhiều khách hàng lớn từ Mỹ và EU đã đề nghị DN dệt may, da giày Việt Nam giãn, hoãn tiến độ giao hàng, chưa ký hợp đồng mới, thậm chí hủy hợp đồng. Dự kiến, các đơn hàng mới từ tháng 6 trở đi chưa được đàm phán và khả năng phục hồi đơn hàng đến cuối năm 2020 là rất chậm.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, bày tỏ lo lắng khi nói về thách thức sống còn của DN dệt may. “Ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước một thách thức rất lớn. Do sử dụng nhiều lao động nên thiếu việc làm là hết sức nghiêm trọng. Thực tế, DN không thể sản xuất kinh doanh do thiếu việc làm sẽ không có tiền để chi trả các chi phí, trong đó lớn nhất là tiền lương”, ông Trường nhận xét.

Với ngành điện tử, Bộ Công Thương đánh giá, ngành này sẽ bị ảnh hưởng lớn khi ước tính doanh thu và sản lượng toàn cầu của Samsung được dự báo sụt giảm. Samsung Việt Nam cũng dự kiến giảm mục tiêu xuất khẩu xuống còn khoảng 45,5 tỷ USD trong năm 2020 so với 51,38 tỷ USD năm 2019…

Trong bối cảnh ảnh hưởng từ dịch bệnh, nhiều DN vẫn gặp vướng mắc trong thực hiện quy định pháp luật. Trong văn bản “cầu cứu” Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết đang gặp nhiều vướng mắc trong quy định đăng ký sử dụng mã số, mã vạch đối với hàng xuất khẩu.

Thị trường co lại do dịch bệnh, hoạt động sản xuất khó khăn cũng khiến việc gia nhập thị trường của DN mới rụt rè hơn. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 4/2020, cả nước có 7.885 DN mới, trong khi đó con số này ở cùng kỳ năm ngoái là 14.800 DN. Bên cạnh đó, 2.864 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong tháng 4/2020. 

Lên kế hoạch giúp DN sẵn sàng “bật dậy”

Tại cuộc họp bàn về giải pháp triển khai kế hoạch hành động cho các ngành hàng xuất khẩu lớn hậu Covid-19, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị trong Bộ khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể cho giai đoạn tới đây, đặc biệt là sau khi dịch bệnh kết thúc, để thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Theo đó, ông Trần Tuấn Anh giao Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại và Vụ Thị trường ngoài nước phải có kế hoạch cụ thể để thúc đẩy xuất khẩu cho từng mặt hàng, từng thị trường.

Đối với hoạt động xúc tiến thương mại nửa cuối năm 2020, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, cần đánh giá kỹ tính khả thi, xây dựng kế hoạch và các hoạt động triển khai linh động, bám sát vào tình hình hồi phục và nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch tại các thị trường để có thể triển khai ngay hoạt động xúc tiến thương mại.

Hỗ trợ DN đón đầu cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu, lãnh đạo Bộ Công Thương chỉ đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên cần tập trung chuẩn bị các nội dung về trình phê duyệt EVFTA tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV trong tháng 5 tới đây….

Nhằm giúp các DN vượt qua đại dịch, Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự xã hội cũng đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra lấy ý kiến hoàn thiện.

Tại Dự thảo, nhiều giải pháp chia sẻ khó khăn với cộng đồng DN thuộc các ngành sản xuất tiếp tục được đề xuất như: cho phép hoãn nộp thuế giá trị gia tăng đến hết tháng 9/2020 đối với nguyên vật liệu hàng hóa, dịch vụ thuộc các ngành chịu ảnh hưởng của dịch như dệt may, da giầy, sản xuất đồ uống; gia hạn thời gian nộp thuế xuất khẩu đến hết tháng 9/2020 đối với các khoản phải nộp thuế phát sinh từ tháng 3/2020; miễn, giảm 30% tiền thuê đất trong thời gian 6 tháng đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh bị ngừng do ảnh hưởng của dịch… Với DN mới, miễn 100% lệ phí môn bài năm 2020 cho các hộ kinh doanh bị ảnh hưởng dịch. Đối với các hộ kinh doanh đã nộp, số tiền đã nộp được khấu trừ vào nghĩa vụ nộp thuế môn bài các năm tiếp theo…

Về phía DN, ông Trường cho biết, DN sẽ không ngại khám phá, sáng tạo. Thực tế vừa qua cho thấy, Vinatex hay nhiều DN dệt may khác đã chuyển đổi sản xuất những mặt hàng chưa từng sản xuất như khẩu trang y tế, bộ quần áo y tế cho bác sỹ, bệnh nhân… góp phần phục vụ nhu cầu chống dịch, đồng thời góp phần giảm bớt khó khăn đối với việc bị hoãn, dừng, hủy đơn hàng của DN. Một số DN cũng đẩy mạnh cơ cấu lại hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin…

Chuyên đề