Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Kỳ vọng sớm giải tỏa áp lực

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đã có một số nỗ lực rõ nét từ phía cơ quan điều hành và doanh nghiệp nhằm tháo gỡ một phần những điểm tắc nghẽn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) khi hàng loạt trái chủ muốn rút tiền trước hạn và nhiều DN gặp khó trong việc trả gốc và lãi trái phiếu đến hạn.
Bộ Tài chính vừa có văn bản yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu bảo đảm thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư. Ảnh: Lê Tiên
Bộ Tài chính vừa có văn bản yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu bảo đảm thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư. Ảnh: Lê Tiên

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi các DN phát hành trái phiếu yêu cầu bảo đảm thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư. Đặc biệt, DN phải ưu tiên sử dụng mọi nguồn lực để thực hiện đúng các cam kết với nhà đầu tư khi phát hành trái phiếu, bảo đảm giữ uy tín của DN với nhà đầu tư.

Bộ Tài chính cũng đề nghị các DN chủ động, kịp thời cung cấp thông tin để nhà đầu tư có thông tin chính thống về hoạt động của DN. Cần xem xét sử dụng dịch vụ kiểm toán, xếp hạng tín nhiệm, định giá tài sản để đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh, tài chính của DN và công bố kết quả cho các nhà đầu tư.

Trước đó, ngày 23/11, Bộ Tài chính tổ chức cuộc họp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, lãnh đạo các công ty chứng khoán, lãnh đạo các DN phát hành TPDN. Sau cuộc họp, Bộ Tài chính cho biết sẽ tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành để thống nhất giải pháp trình Thủ tướng Chính phủ.

Từ phía các thành viên thị trường, HĐQT NovaGroup vừa thông qua phương án phát hành cổ phiếu cho trái chủ. Cụ thể, 5 trái phiếu mệnh giá 200.000 USD, tương đương với hơn 23 tỷ đồng của Citigroup Global sẽ được chuyển đổi thành cổ phiếu NVL với giá 85.000 đồng/CP, cao gấp 3,3 lần so với thị giá.

Đây là những chuyển động mới nhất trên thị trường TPDN, mở ra hy vọng để DN và trái chủ cùng nhau vượt qua thời điểm khó khăn này.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM cho biết, điều DN mong muốn không chỉ những hỗ trợ bằng tiền mà cần hỗ trợ bằng việc giải quyết hồ sơ pháp lý cho các dự án, đặc biệt là dự án bất động sản để sớm đưa sản phẩm ra thị trường, thu hồi vốn và trả nợ trái phiếu cho nhà đầu tư đúng hạn.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI cho rằng, những lo ngại và phản ứng của nhà đầu tư TPDN thời gian qua là đúng và dễ hiểu, nhưng giá như họ tìm hiểu cặn kẽ trước khi đầu tư thì vấn đề đã khác. Giờ đây, vấn đề của thị trường là yếu tố tâm lý, nhiều nhà đầu tư đang đánh đồng trái phiếu của DN tốt với DN chưa tốt và ồ ạt đòi rút tiền. Điều này có thể dẫn đến những rối ren cho DN và quyền lợi của nhà đầu tư cũng không được bảo đảm.

Mặt khác, cơ quan chức năng cũng cần cầu thị về việc điều tiết thị trường, chính sách thực thi cần bảo đảm để thị trường vận hành tốt, song cần tránh tình trạng điều chỉnh đột ngột như thời gian qua. Trước đây, nhà đầu tư cá nhân khá dễ dàng trong việc mua TPDN phát hành riêng lẻ, song Nghị định 65/2022/NĐ-CP về TPDN phát hành riêng lẻ quy định khắt khe hơn rất nhiều, khiến nhiều nhà đầu tư không thể tham gia thị trường, kể cả việc mua đi bán lại TPDN.

Về lâu dài, tính trung thực và chuyên nghiệp là yếu tố tiên quyết giúp thị trường phát triển bền vững. Khi nào nhân viên môi giới, DN và nhà đầu tư ý thức được điều này thì thị trường sẽ vận hành đúng nghĩa. Nói cách khác, giới đầu tư cần hiểu rõ mức độ rủi ro và cái giá của rủi ro trước khi tham gia thị trường.

Để làm được điều này, theo ông Đức, một trong những việc quan trọng nhất là đẩy mạnh xếp hạng tín nhiệm. Thay vì quản lý hàng ngàn DN phát hành trái phiếu, hàng triệu nhà đầu tư thì chỉ cần tập trung quản lý và giám sát chặt các công ty xếp hạng tín nhiệm, tăng chất lượng xếp hạng tín nhiệm, chấn chỉnh kịp thời các vi phạm.

Tại Hội thảo “Phát hành TPDN: Niềm tin và giải pháp” vừa diễn ra, ông Mã Thanh Danh, Chủ tịch Công ty CP Tư vấn Quốc tế (CIB) cho rằng, để giúp DN giải tỏa áp lực trái phiếu đáo hạn, có thể xem xét một số giải pháp.

Trước hết, DN có thể dùng nguồn tiền mặt để mua lại TPDN, giúp giải tỏa bớt áp lực. Nếu không đủ tiền, DN có thể đi vay hoặc thế chấp một phần trái phiếu với lãi suất cao hơn để vay tiền mua lại. Nếu tình hình kinh doanh ổn định, DN có thể thương lượng trực tiếp với trái chủ để họ chờ đến hạn.

Trong trường hợp trái chủ nhất quyết yêu cầu mua lại, DN có thể thương lượng để chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu như vụ hoán đổi của NovaGroup. Để hoán đổi thành công, DN cần minh bạch thông tin về tình hình hoạt động và kế hoạch kinh doanh và tuân thủ quy chuẩn về phát hành cổ phiếu hoán đổi nợ. DN cần chuẩn bị một kế hoạch tái cấu trúc tài chính rõ ràng để thương lượng với trái chủ. Nếu không được, DN buộc phải bán tài sản để thanh toán với trái chủ.

Chuyên đề