Chi phí bán hàng tăng tới 18,3% là một tác nhân khiến Hanoimilk lỗ hơn 11 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2018. Ảnh: Duy Phong |
Khó huy động vốn
Nằm trong định hướng phát triển giai đoạn 2016 - 2020 theo chiến lược cạnh tranh bằng chất lượng, vươn lên dẫn đầu về đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm mới, Hanoimilk đã đặt trọng tâm phát triển 2 dự án nhằm mở rộng quy mô sản xuất sữa.
Trước tiên là Dự án Đổi mới công nghệ, tăng công suất nhà máy sản xuất sữa chua ăn và sữa tiệt trùng UHT để sản xuất phục vụ bán hàng và gia công xuất khẩu. Ngoài ra, nhằm cung cấp nguồn sữa tươi tự nhiên chất lượng cao cho sản xuất sữa chua ăn và phát triển dòng sản phẩm sữa tươi tự nhiên, Hanoimilk sẽ đầu tư Dự án Trồng cỏ nuôi bò sữa tự nhiên tại huyện Mê Linh, Hà Nội.
Nhằm tạo nguồn vốn cho các dự án trên, bên cạnh nguồn vốn tự có và vay ngân hàng, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018, Hanoimilk đã lên kế hoạch phát hành 30 triệu cổ phiếu (tương đương 300 tỷ đồng) cho cổ đông chiến lược và 200 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi (không có tài sản
bảo đảm).
Thực tế, Đại hội đồng cổ đông Hanoimilk đã thông qua nghị quyết phát hành trái phiếu từ tháng 6/2016 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được do năm 2017, Hanoimilk báo lỗ tới 18,6 tỷ đồng. Với kết quả 9 tháng năm 2018 lỗ tới 11,2 tỷ đồng, nhiều khả năng Hanoimilk sẽ phải tiếp tục lùi kế hoạch phát hành trái phiếu, ít nhất là sang năm 2020.
Còn đối với kế hoạch phát hành 30 triệu cổ phiếu (tương đương 300 tỷ đồng) cho cổ đông chiến lược cũng khó khả thi. Theo nghị quyết được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 thông qua, giá bán cổ phiếu phát hành thêm sẽ không thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, kể từ đầu năm 2016, giá cổ phiếu HNM vẫn chưa một lần vượt lên trên mệnh giá và hiện đang được giao dịch quanh mức 3.300 đồng/cổ phiếu.
Cạnh tranh khốc liệt
9 tháng năm 2018, mặc dù doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Hanoimilk tăng trưởng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, từ 123,3 tỷ đồng lên 127,8 tỷ đồng, nhưng chi phí bán hàng lại tăng tới 18,3%. Đây cũng là chi phí đáng kể nhất của Hanoimilk trong mấy năm trở lại đây. Năm 2017, trong khi doanh thu giảm 24,4% thì chi phí bán hàng vẫn tăng thêm 5%.
Sẽ là khập khiễng nếu so sánh Hanoimilk với Tổng công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk). Tuy nhiên, có thể nhìn chi phí quảng cáo (một thành phần trong chi phí bán hàng) của Vinamilk để thấy mức độ khốc liệt trong cạnh tranh của thị trường sữa. Trong giai đoạn 2015 - 2017, chi phí cho việc quảng cáo, nghiên cứu thị trường, dịch vụ khuyến mãi, trưng bày, giới thiệu sản phẩm của Vinamilk liên tục tăng cao, từ 7.669 tỷ đồng năm 2015 lên 9.021 tỷ đồng năm 2016. Năm 2017, con số này tăng nhẹ lên 9.663 tỷ đồng. Tính bình quân mỗi ngày, Vinamilk bỏ ra 26,4 tỷ đồng để tiếp cận với khách hàng qua nhiều kênh khác nhau.
Không chỉ có vậy, một báo cáo mới đây của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho biết, doanh nghiệp ngành sữa cũng đang đối diện với rủi ro ngành sữa nội địa bão hòa. Ngay cả công ty đầu ngành sữa là Vinamilk cũng cho biết: "Xu hướng tiêu dùng sữa tại Việt Nam và cả thế giới đang giảm, thực tế để lý giải thì có quá nhiều thứ để tiêu dùng không chỉ riêng sữa...". Hiện Vinamilk đang tập trung đẩy mạnh tiêu thụ tại các thị trường mới nổi.
Có thể thấy, không chỉ có bài toán về tài chính, bài toán về tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới cũng là một thách thức cho Hanoimilk.