Hàng Việt chiếm ưu thế tại gói thầu vật tư, thiết bị điện

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tổng công ty Điện lực miền Bắc vừa phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu 12 gói thầu với tổng giá trị hơn 974 tỷ đồng thuộc Dự toán Mua sắm công tơ và thiết bị đọc xa năm 2025. Theo công bố, hàng hóa nhà thầu cung ứng đều là hàng sản xuất trong nước. Được biết, cùng với mặt hàng này, nhiều loại vật tư, thiết bị điện khác do các doanh nghiệp (DN) trong nước sản xuất được lựa chọn ngày càng nhiều tại các gói thầu ngành điện.
Doanh nghiệp trong nước đã sản xuất được nhiều loại vật tư, thiết bị điện như: cột thép, công cơ điện tử và thiết bị đọc xa, dây cáp điện, bóng điện, cầu dao tự động… Ảnh: Lê Tiên
Doanh nghiệp trong nước đã sản xuất được nhiều loại vật tư, thiết bị điện như: cột thép, công cơ điện tử và thiết bị đọc xa, dây cáp điện, bóng điện, cầu dao tự động… Ảnh: Lê Tiên

Hàng sản xuất trong nước tiến sâu tại các gói thầu

Kết quả lựa chọn nhà thầu 12 gói thầu nêu trên cho thấy, có 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT) và lần lượt trúng thầu.

Cụ thể, Công ty CP Thiết bị công nghiệp Hữu Hồng trúng 4 gói thầu với tổng giá trị gần 331 tỷ đồng. Đó là: Gói 2 Mua sắm 40.792 công tơ và 349 DCU với giá trúng thầu 79,629 tỷ đồng; Gói 8 Mua sắm 79.717 công tơ và 692 DCU với giá trúng thầu 86,063 tỷ đồng; Gói 10 Mua sắm 70.012 công tơ và 973 DCU với giá trúng thầu 82,441 tỷ đồng; Gói 12 Mua sắm 92.721 công tơ và 1.216 DCU với giá trúng thầu 82,822 tỷ đồng.

Hàng hóa dự thầu như công tơ điện tử 1 pha 1 giá loại 5(20)A - có module đọc xa RF, công tơ điện tử 1 pha 1 giá loại 10(40)A - có module đọc xa RF, công tơ điện tử 1 pha 1 giá loại 20(80)A - có module đọc xa RF… đều được Công ty CP Thiết bị công nghiệp Hữu Hồng sản xuất.

Tương tự, Công ty CP Điện lực Gelex trúng 4 gói thầu, bao gồm: Gói 3 Mua sắm 111.184 công tơ và 356 DCU với giá trúng thầu 90,521 tỷ đồng; Gói 6 Mua sắm 47.939 công tơ và 263 DCU với giá trúng thầu 68,901 tỷ đồng; Gói 7 Mua sắm 56.142 công tơ và 804 DCU với giá trúng thầu 78,412 tỷ đồng; Gói 11 Mua sắm 113.560 công tơ và 946 DCU với giá trúng thầu 92,14 tỷ đồng. Hàng hóa dự thầu là công tơ điện tử 1 pha 1 giá loại 5(20)A - có module đọc xa RF, công tơ điện tử 1 pha 1 giá loại 10(40)A - có module đọc xa RF… cũng do Gelex Electric sản xuất trong nước.

Công ty TNHH Cung ứng vật tư khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ trúng 4 gói thầu, bao gồm: Gói 1 Mua sắm 74.679 công tơ và 453 DCU với giá trúng thầu 81,142 tỷ đồng; Gói 4 Mua sắm 76.945 công tơ và 840 DCU với giá trúng thầu 82,894 tỷ đồng; Gói 5 Mua sắm 64.200 công tơ và 510 DCU với giá trúng thầu 70,891 tỷ đồng; Gói 9 Mua sắm 90.515 công tơ và 908 DCU với giá trúng thầu 77,423 tỷ đồng. Hàng hóa cung ứng tại các gói thầu này đều được sản xuất trong nước, đơn vị sản xuất là Công ty CP Quản lý năng lượng thông minh.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, một cán bộ thuộc Bên mời thầu một lần nữa khẳng định, hàng hóa trúng thầu là hàng sản xuất trong nước. Để trúng thầu cung cấp hàng hóa, các công tơ này phải được sản xuất theo tiêu chuẩn IEC và tiêu chuẩn hiện hành của Việt Nam, tuân thủ quy định về sử dụng công tơ điện tử của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Đặc biệt, trước khi giao hàng, hàng hóa phải đáp ứng yêu cầu về thử nghiệm (thử nghiệm các đặc tính cách điện, công suất tiêu thụ, các ảnh hưởng của khí hậu) và kiểm định. “Điều này phần nào khẳng định, hàng hóa sản xuất trong nước, trong đó có thiết bị điện ngày càng nâng cao chất lượng, được khách hàng tin dùng”, cán bộ của Bên mời thầu nhấn mạnh.

Một chuyên gia đấu thầu ngành điện cho rằng, tỷ lệ nội địa hóa của các loại vật tư, thiết bị cung cấp cho ngành điện đang từng bước được nâng cao. Cùng với công tơ điện tử và thiết bị đọc xa, DN trong nước đã sản xuất được nhiều loại vật tư, thiết bị khác như: dây cáp điện, cột thép, bóng điện, cầu dao tự động… và năng lực sản xuất hiện đáp ứng một phần cho xuất khẩu.

Hàng hóa sản xuất trong nước, trong đó có thiết bị điện ngày càng nâng cao chất lượng. Ảnh: Tiên Giang
Hàng hóa sản xuất trong nước, trong đó có thiết bị điện ngày càng nâng cao chất lượng. Ảnh: Tiên Giang

Tăng tốc làm chủ công nghệ

Mặc dù năng lực của các nhà sản xuất vật tư, thiết bị điện trong nước đang ngày càng được cải thiện, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, quá trình này cần phải tăng tốc hơn nữa để nắm bắt các cơ hội phát triển mới. Quan sát các gói thầu mua sắm vật tư, vật liệu ngành điện cho thấy, lượng nhà thầu nội tham gia cung ứng chưa nhiều.

Chẳng hạn với chủng loại công tơ đang sử dụng chủ yếu trên lưới của EVNNPC, công tơ cơ khí 1 pha và 3 pha do Gelex sản xuất; công tơ điện tử 3 pha 1 giá có module đọc xa công nghệ RF chủ yếu là của các nhà sản xuất: Hữu Hồng, Gelex, Công ty CP Quản lý năng lượng thông minh… “Số lượng nhà thầu sản xuất, cung cấp thiết bị này cho các gói thầu mua sắm công tơ ở nước ta không nhiều, khoảng dưới 10 đơn vị”, một chuyên gia đấu thầu cho biết.

Số lượng nhà cung ứng trong nước chưa nhiều, theo một số chuyên gia là do việc sản xuất thiết bị đòi hỏi công nghệ cao, chi phí đầu tư lớn, trong khi DN sản xuất trong nước chủ yếu là DN nhỏ và vừa, năng lực kỹ thuật cũng như tài chính hạn chế. Hơn nữa, các thiết bị này chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà sản xuất quốc tế...

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác đầu tư xây dựng các Dự án đường dây tải điện 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) đến Phố Nối (tỉnh Hưng Yên) ngày 8/12/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, nước ta chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng. Đáp ứng yêu cầu phát triển, ngành điện phải có những đột phá, những công trình thế kỷ, những dự án mang tính chất xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái và dứt khoát không để thiếu điện với mục tiêu tăng trưởng 2 con số, tiếp tục công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngành điện cũng phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, Internet vạn vật, mà trước hết cần sớm xây dựng cơ sở dữ liệu.

Trong quyết tâm nâng tầm ngành điện để tạo nền tảng cho nền kinh tế bứt phá, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, chuyên gia đấu thầu ngành điện nhận định, việc làm chủ hoàn toàn công nghệ sẽ giúp nội địa hóa các sản phẩm, là cơ hội để DN sản xuất lĩnh vực năng lượng trong nước tham gia sâu hơn vào các gói thầu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh.

Chuyên đề