Một số công ty con của VNR đã chia nhỏ gói thầu để lựa chọn nhà thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh hoặc mua sắm trực tiếp. Ảnh: Thế Duyệt |
Vi phạm trong đấu thầu của một số doanh nghiệp ngành đường sắt đã được chỉ rõ tại kết luận này.
Áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trái quy định
Theo Kết luận thanh tra, 2 công ty con của VNR là Công ty CP Đường sắt Nghệ Tĩnh và Công ty CP Đường sắt Quảng Bình đã áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh đối với 2 gói thầu có giá trên 5 tỷ đồng. Việc làm này, theo Bộ GTVT, là vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu vì theo Khoản 1 Điều 57 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP thì hình thức chào hàng cạnh tranh chỉ áp dụng đối với gói thầu có giá không quá 5 tỷ đồng. Gói thầu trên 5 tỷ đồng nằm trong diện phải đấu thầu rộng rãi.
Cũng theo Kết luận thanh tra, 7 công ty CP đường sắt của VNR gồm: Hà Hải, Hà Lạng, Hà Ninh, Yên Lào, Nghệ Tĩnh, Quảng Bình, Nghĩa Bình đã áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh khi chưa đáp ứng đủ các điều kiện, chưa có dự toán được phê duyệt theo quy định tại Khoản 2 Điều 23 Luật Đấu thầu 2013.
Ngoài ra, các công ty CP đường sắt: Hà Ninh, Quảng Bình và Nghĩa Bình lựa chọn nhà thầu cho một số gói thầu cung cấp ray P50 theo hình thức mua sắm trực tiếp chưa phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu. Khoản 2 Điều 24 Luật Đấu thầu 2013 quy định, mua sắm trực tiếp được thực hiện khi đáp ứng đủ điều kiện nhà thầu đã trúng thầu thông qua đấu thầu rộng rãi hoặc đấu thầu hạn chế và đã ký hợp đồng thực hiện gói thầu trước đó. Tuy nhiên, tại gói thầu lần 1 mua sắm ray P50, các công ty CP đường sắt Hà Ninh, Quảng Bình, Nghĩa Bình lại lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa theo hình thức chào hàng cạnh tranh, không thông qua đấu thầu rộng rãi hoặc đấu thầu hạn chế.
Đặc biệt, Bộ GTVT còn chỉ ra, Công ty CP Đường sắt Hà Ninh đã chia nhỏ dự án thành 3 gói thầu để lựa chọn nhà thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh, còn Công ty CP Đường sắt Nghĩa Bình chia nhỏ dự án thành 2 gói thầu để lựa chọn nhà thầu theo hình thức mua sắm trực tiếp. Việc làm này của 2 công ty là chưa phù hợp theo quy định tại Điểm h, k Khoản 6, Điều 89 của Luật Đấu thầu 2013.
Cán bộ đấu thầu không có chứng chỉ hành nghề
Một bất cập trong công tác đấu thầu tại 8 công ty con của VNR là nhiều cá nhân tham gia hoạt động đấu thầu không có chứng chỉ đào tạo về đấu thầu. Thậm chí hầu hết các cá nhân của 8 đơn vị tham gia trực tiếp vào việc lập hồ sơ yêu cầu, đánh giá hồ sơ đề xuất không có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu theo quy định. Cụ thể, Tổ thẩm định hồ sơ đấu thầu của Công ty CP Đường sắt Hà Lạng có 5 cán bộ thì cả 5 cán bộ (từ Tổ trưởng đến ủy viên) không có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu. Cả 5 cán bộ thuộc Tổ chuyên gia đánh giá các hồ sơ đề xuất của Công ty cũng không có loại chứng chỉ này.
Tương tự, tại Công ty CP Đường sắt Hà Ninh và Công ty CP Đường sắt Yên Lào, tất cả các thành viên Tổ thẩm định hồ sơ đấu thầu không có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu. Còn tại Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên, tất cả các thành viên của Tổ thẩm định hồ sơ đấu thầu và Tổ chuyên gia đánh giá hồ sơ dự thầu đều không có Chứng chỉ. Đây cũng là thực trạng chung của Công ty CP Đường sắt Nghĩa Bình và Công ty CP Đường sắt Nghệ Tĩnh.
Qua các nội dung thanh tra, Bộ GTVT đề nghị kiểm điểm trách nhiệm của Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông trong việc tham mưu, trình lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu VNR chỉ đạo thực hiện việc chào hàng cạnh tranh đối với chủng loại ray P50 (theo quy định phải đấu thầu rộng rãi). Bộ GTVT yêu cầu VNR, các công ty CP đường sắt nghiêm khắc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan và sớm khắc phục những tồn tại, sai phạm nêu trên.