Quảng Ngãi: Đẩy mạnh cải cách hành chính để thu hút đầu tư

Năm 2016 được Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi xác định là năm “Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư”. Trên tinh thần đó, tỉnh chú trọng tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH với tinh thần quyết liệt, năng động, sáng tạo.
Chủ tịch  UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng. Ảnh: VGP/Minh Hùng
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng. Ảnh: VGP/Minh Hùng

Tân Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng khẳng định điều này với phóng viên Báo điện tử Chính phủ trong cuộc trò chuyện dịp đầu năm 2016.

Thưa ông, xin ông đánh giá tổng quan về thành tựu năm 2015 của tỉnh Quảng Ngãi. 

Ông Trần Ngọc Căng: Năm 2015, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng kinh tế-xã hội Quảng Ngãi tiếp tục khởi sắc. 

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 12.808,5 tỉ đồng, tăng 10,4% so với năm 2014, vượt 3,2% kế hoạch. Trong đó, khu vực công nghiệp-xây dựng đạt 6.397,9 tỉ đồng, tăng 11,1% so với năm 2014, vượt 4,6% kế hoạch; khu vực dịch vụ đạt 4.272,6 tỉ đồng, tăng 12% so với năm 2014, đạt kế hoạch năm; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 2.137,9 tỉ đồng, tăng 5,3% so với năm 2014; vượt 5,6% kế hoạch. 

GRDP bình quân đầu người đạt 52,6 triệu đồng/năm (tương đương 2.447 USD). 

Các nhà máy trong khu kinh tế Dung Quất, các KCN và KCN-đô thị-dịch vụ VSIP  Quảng Ngãi thực sự trở thành hạt nhân phát triển, góp phần tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. 

Năm 2015, riêng khu kinh tế Dung Quất đạt giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ và thương mại 90.000 tỉ đồng; hàng hóa thông qua các cảng ước đạt 15 triệu tấn, tăng 3%. 

Quảng Ngãi ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư lớn trong nước và nước ngoài. Từ một tỉnh nghèo, Quảng Ngãi vươn lên thành một trong 10 địa phương thu ngân sách cao, có điều tiết cho ngân sách Trung ương. 

Sản xuất trong KCN Doosan. Ảnh: VGP/Minh Hùng

Thưa ông, ngoài KKT Dung Quất và một số KCN khác, Quảng Ngãi đã tập trung để thúc đẩy mạnh mẽ KCN Việt Nam-Singapore (VSIP) Quảng Ngãi. Vậy đến nay, kết quả đạt được như thế nào? 

Ông Trần Ngọc Căng: Tính đến thời điểm này, VSIP Quảng Ngãi đã thu hút được 12 dự án đầu tư của Hong Kong (Trung Quốc), Thái Lan, Philippines, Singapore… với tống số vốn đăng ký khoảng 132 triệu USD, theo các ngành nghề: Dệt may, thực phẩm, cơ khí, giày da… 

Hiện nay, VSIP đã giải quyết việc làm cho gần 2.500 người và dự tính tạo được khoảng 17.000 việc làm cho lao động địa phương khi 12 dự án đi vào hoạt động ổn định. 

VSIP đang trong giai đoạn hoàn thiện cơ sở hạ tầng để kêu gọi các ngành dịch vụ như: Ngân hàng, bệnh viện, showroom ô tô, xe máy, cửa hàng tiện ích, siêu thị… vào hoạt động. 

Ngoài ra, năm 2016, VSIP sẽ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng để kịp cung cấp sản phẩm nhà ở đến với người dân địa phương.

Cảng cá Sa Huỳnh. Ảnh: VGP/Minh Hùng

Quảng Ngãi là một trong những địa phương đi đầu trong chương trình đánh bắt hải sản xa bờ, gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo. Vậy tỉnh đã hỗ trợ ngư dân trong đóng mới tàu thuyền, phát triển ngư trường, bảo vệ an toàn để ngư dân bám biển, thưa ông?

Ông Trần Ngọc Căng: Quảng Ngãi luôn xác định phát triển kinh tế biển là mũi nhọn trong quá trình phát triển chung. Trong đó, việc hỗ trợ ngư dân bám biển nhằm vừa tạo động lực trong đánh bắt hải sản xa bờ vừa gắn với nhiệm vụ bảo vệ biển đảo quê hương được chú trọng. 

Thực hiện Nghị định 67, tỉnh đã phê duyệt 5 đợt với 56 chiếc tàu cá đóng mới (gồm 27 tàu vỏ thép, 25 tàu vỏ gỗ, 4 tàu vỏ composite). 

Hiện 5 tàu đánh cá vỏ gỗ và 1 tàu dịch vụ hậu cần vỏ thép đã hoàn thành đưa vào khai thác; hai tàu đã hạ thủy và 10 tàu đang thi công. Số tiền cam kết cho vay là 161,1 tỉ  đồng, đã giải ngân với số tiền 70,6 tỉ đồng. Ngoài ra tỉnh còn phê duyệt nâng cấp cho 5 tàu cá. Các ngư dân được vay vốn tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh là 9,49 tỉ đồng. 

Đồng thời, tỉnh còn triển khai xây dựng khu neo đậu tàu thuyền, dự án nuôi trồng thủy sản, thực hiện bảo hiểm tàu cá cho ngư dân, lập quỹ hỗ trợ ngư dân nhằm giúp ngư dân không may bị tai nạn trên biển, cho ngư dân vay vốn phát triển nghề cá… 

Mặc khác, tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan như quân đội, công an, biên phòng… kịp thời hỗ trợ ngư dân khi có thiên tai, gặp nạn để bà con an tâm sản xuất. 

Thưa ông, năm 2016, tỉnh Quảng Ngãi tập trung vào những nhiệm vụ ưu tiên nào để chỉ đạo triển khai thực hiện? 

Ông Trần Ngọc Căng: Năm 2016 được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi xác định là năm “Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư”. Do vậy, UBND tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 13 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước các cấp, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng CNTT và xây dựng quy trình giải quyết công việc bảo đảm nhanh, gọn, thuận tiện, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, nhất là trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế, thủ tục hành chính liên quan đến chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư của tỉnh. 

Tiếp tục chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính; củng cố, kiện toàn đội ngũ lãnh đạo, cán bộ quản lý các cấp từ tỉnh đến cơ sở, để đạt được yêu cầu “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”.

Đồng thời tập trung phát triển kinh tế; trong đó tiếp tục tập trung rà soát, bổ sung quy hoạch, cơ chế chính sách, nhất là quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, quy hoạch phát triển đô thị, các cơ chế chính sách nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển và khuyến khích thu hút đầu tư, chú trọng thu hút đầu tư vào những lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế. 

Năm 2016 là năm đặc biệt quan trọng, là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020, UBND tỉnh tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội với tinh thần quyết liệt, năng động, sáng tạo. 

Quảng Ngãi tập trung huy động các nguồn lực để thực hiện ba nhiệm vụ đột phá là phát triển công nghiệp; xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó chú trọng nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị và phục vụ sản xuất kinh doanh. 

Đồng thời tỉnh thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm, gồm phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, ưu tiên 6 huyện miền núi; phát triển dịch vụ, du lịch và kinh tế biển, đảo; cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính. 

Đối với KKT Dung Quất và các KCN, tỉnh tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng; khẩn trương thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất; thúc đẩy việc sớm hình thành trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng của quốc gia tại Dung Quất. Tạo điều kiện đẩy nhanh tốc độ phát triển VSIP Quảng Ngãi và các KCN khác.

Đảo Lý Sơn. Ảnh: VGP/Minh Hùng

Tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng và dịch vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch như Lý Sơn, Mỹ Khê, Sa Huỳnh, Bình Châu, Cà Đam… 

Thực hiện tốt chính sách ưu đãi của Chính phủ đối với phát triển huyện đảo Lý Sơn. Triển khai có hiệu quả Nghị định 67 của Chính phủ  phát triển đội tàu thuyền công suất lớn để nâng cao hiệu quả đánh bắt xa bờ, kết hợp bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Chuyên đề