Các nước lân cận đã xây dựng xong và áp dụng hàng rào kỹ thuật khắt khe đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: LTT |
“Doanh nghiệp hiện nay là những chiến binh trên mặt trận kinh tế” và vũ khí phòng thủ của họ là “cái khiên” và “áo giáp”. Cái khiên chính là những hàng rào kỹ thuật và áo giáp chính là những biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Song, doanh nghiệp chúng ta hiện nay “cái khiên thì yếu, áo giáp thì không có”!
Đó là chia sẻ đầy “chua chát” của ông Vũ Văn Thanh, Phó Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen tại Hội nghị “Kinh nghiệm ứng phó và sử dụng hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ sản xuất trong nước” do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 16/12 tại Hà Nội.
Kết quả điều tra doanh nghiệp (DN) liên quan đến vấn đề phòng vệ thương mại (PVTM) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện năm 2014 đã đưa ra thông tin về mức độ hiểu biết của DN về PVTM ở Việt Nam cho thấy: Có tới 63,21% DN có nghe nói nhưng không hiểu gì sâu; 15,09% DN không biết về các biện pháp này; 19,81% DN đã từng tìm hiểu sơ sơ; và chỉ có 1,89% DN đã tìm hiểu tương đối kỹ/là bên liên quan đến PVTM.
Ông Vũ Văn Thanh cho rằng, “đây là những thông tin thống kê giật mình và rất đáng suy ngẫm”. Theo ông, các công cụ chính để bảo vệ ngành sản xuất trong nước là những quy định về hàng rào kỹ thuật và các biện pháp PVTM. Song, hàng rào kỹ thuật trong nước thì chưa hiệu quả trong khi các nước lân cận đã xây dựng xong và áp dụng hàng rào kỹ thuật khắt khe đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đối với các biện pháp PVTM thì các DN có nhận thức và hiểu biết còn hạn chế, giới hạn về nguồn lực, khả năng tập hợp lực lượng của DN, vấn đề về pháp lý và luật sư… Đây đang là những khó khăn chính khiến ngành sản xuất trong nước bị thua thiệt.
Mặc dù các chính sách về PVTM đã có ở Việt Nam từ 10 năm nay, song đến nay Việt Nam mới chỉ có 3 vụ việc “tự vệ” trong thương mại, đó là: vụ kính nổi (2009); dầu ăn (2012) và thép không gỉ cán nguội (2013). Trong đó, riêng vụ kính nổi sau khi kết thúc điều tra là có quyết định không áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, còn 2 vụ việc còn lại có ban hành quyết định chính thức áp mức thuế nhập khẩu vào Việt Nam.
Trên thực tế, nhiều quốc gia có xu hướng gia tăng điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM đối với hàng hóa nhập khẩu vào quốc gia đó khi tham gia các hiệp định thương mại tự do song và đa phương, cùng với việc mở cửa thị trường theo cam kết của hội nhập.
Tuy nhiên, Việt Nam dường như đang đứng ngoài tiến trình này khi chưa nghĩ đến việc xây dựng những biện pháp PVTM để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Nhưng Việt Nam lại phải chống đỡ nhiều vụ việc PVTM và có xu hướng ngày càng tăng.
Bà Phạm Hương Giang - Phòng Xử lý các vụ kiện PVTM của nước ngoài thuộc Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, từ đầu năm đến nay có đến 11 vụ chống bán phá giá đối với hàng Việt xuất khẩu, trong đó có 6 vụ về thép. Tính trung bình, mỗi tháng Việt Nam phải đối diện với 1 vụ PVTM. Không chỉ Mỹ, EU điều tra PVTM đối với hàng Việt mà những thị trường đang phát triển như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và cả một số nước Đông Nam Á (Thái Lan, Indonesia) cũng tích cực điều tra PVTM đối với hàng Việt Nam. Sản phẩm bị điều tra không còn tập trung ở nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu cao hay thế mạnh như thép, sợi, thủy sản, tôm, cá tra, mà cả những mặt hàng kim ngạch thấp.
Trong khi đó, với vai trò là bị đơn, thì các DN rất ngại những vấn đề liên quan đến kiện tụng, ngại cung cấp thông tin mặc dù thông tin DN được bảo mật theo quy định của WTO. Đó là chưa kể DN cung cấp thông tin không đúng, phá giá gây bất lợi cho nhau tại thị trường xuất khẩu. Trên thực tế, DN càng cung cấp số liệu cụ thể bao nhiêu thì càng có lợi vì đó là cơ sở để Cục Quản lý cạnh tranh nghiên cứu, bảo vệ DN.
Ngoài ra, các biện pháp PVTM là những công cụ được WTO cho phép các nước thành viên sử dụng một cách hợp pháp. Việc xây dựng, ban hành và áp dụng các biện pháp này của các nước thành viên phải tuân thủ các hiệp định về chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ của WTO.
Và hơn ai hết, để bảo vệ chính mình trước sân chơi hội nhập, trước hết các DN cần nâng cao hiểu biết về PVTM, chủ động thu thập thông tin về các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài cũng như các nhà sản xuất trong nước, tăng cường phối hợp giữa các DN cùng ngành, nâng cao vai trò của các hiệp hội.