Nhiều địa phương khởi động dự án PPP

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong khi nguồn vốn đầu tư công có hạn, việc huy động đa dạng các nguồn vốn từ khu vực tư nhân dường như là cánh cửa duy nhất để nhiều địa phương thực hiện được những dự định đầu tư hạ tầng mang tính đột phá. Hiện nhiều dự án đang được đề xuất, xúc tiến đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Đầu tư các dự án hạ tầng giao thông lớn sẽ tạo sức bật cho phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh minh họa: Lê Tiên
Đầu tư các dự án hạ tầng giao thông lớn sẽ tạo sức bật cho phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh minh họa: Lê Tiên

Mới đây, UBND tỉnh Điện Biên đề xuất đẩy sớm tiến độ đầu tư Dự án Đường cao tốc Sơn La - Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang giai đoạn 1. Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đoạn tuyến cao tốc Sơn La - Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang (thuộc tuyến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên) có chiều dài 200 km, quy mô 4 làn xe, dự kiến đầu tư giai đoạn sau năm 2030.

Theo đề xuất của UBND tỉnh Điện Biên, Dự án Đường cao tốc Sơn La - Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang giai đoạn 1 (Dự án) được phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 (đoạn TP. Điện Biên Phủ - nút giao Km15+800/QL.279) dài 50 km với quy mô 2 làn xe (giai đoạn 2 hoàn thiện quy mô 4 làn xe), dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác vận hành vào tháng 6/2026. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 8.177 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay). Để hiện thực được mong muốn đẩy sớm tiến độ dự án lớn này, UBND tỉnh Điện Biên đề xuất đầu tư Dự án theo phương thức PPP, loại hợp đồng BTL (xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ) để huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân.

Theo Bộ Tài chính, việc UBND tỉnh Điện Biên đề xuất nghiên cứu đầu tư Dự án theo phương thức PPP là phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước nhằm huy động nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân tham gia phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.

Với mong muốn sớm “hồi sinh” sân bay Nà Sản, giữa tháng 3/2022, UBND tỉnh Sơn La có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không Nà Sản theo phương thức PPP với tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng và giao UBND tỉnh Sơn La làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai thực hiện Dự án.

Để đáp ứng đủ nguồn vốn đầu tư tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương dài hơn 200 km với nhu cầu vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng, PPP là phương thức được Lâm Đồng lựa chọn. UBND Tỉnh đang xúc tiến hoàn thiện thủ tục để sớm triển khai các đoạn tuyến Tân Phú - Bảo Lộc , Bảo Lộc - Liên Khương theo phương thức PPP. Đối với đoạn tuyến Dầu Giây - Tân Phú, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư hơn 8.300 tỷ đồng. Nếu được thông qua, nguồn vốn tư nhân huy động là hơn 7.000 tỷ đồng. Theo Bộ GTVT, việc đầu tư dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú theo phương thức PPP có lợi thế là huy động được nguồn lực xã hội, giảm áp lực vốn nhà nước. Bên cạnh đó, Dự án đầu tư tuyến cao tốc mới nên người dân có thể sử dụng Quốc lộ 20 hiện hữu không thu phí.

Nhiều địa phương đã, đang lên kế hoạch thu hút đầu tư tư nhân vào các dự án hạ tầng lớn nhằm tạo sức bật cho phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều dự án lớn khác đã được duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức PPP hiện đang được xúc tiến, lựa chọn nhà đầu tư như Dự án Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (Cao Bằng) hơn 13.000 tỷ đồng; Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương - Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn), tỉnh Thanh Hóa 3.371 tỷ đồng; Dự án thành phần 2 - Xây dựng Cảng hàng không (giai đoạn 1) thuộc Dự án Đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Sa Pa, tỉnh Lào Cai 3.651 tỷ đồng; Dự án Cảng hàng không Quảng Trị 5.822 tỷ đồng…

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, giai đoạn 2016 - 2020 vốn đầu tư công mới chỉ đáp ứng trên 30% nhu cầu, tỷ lệ đầu tư công cũng sẽ tương tự như vậy trong tương lai. Do đó, việc huy động các nguồn vốn xã hội cho phát triển năng lực giao thông giữ vai trò quan trọng và phương thức PPP sẽ là “ngôi sao hy vọng”. “Đối tác công tư là một chính sách giúp chúng ta đạt cả 2 mục tiêu giảm gánh nặng cho đầu tư nhà nước, tạo cơ hội cho phát triển kinh tế tư nhân”, ông Lộc chia sẻ.

Trong Báo cáo cập nhật đánh giá quốc gia 2021 vừa công bố ngày 18/5/2022, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, tăng cường hạ tầng bằng cách cải thiện chất lượng chi tiêu công và gia tăng các giải pháp thu hút khu vực tư nhân là một trong sáu ưu tiên phát triển sẽ giúp Việt Nam không chỉ chèo lái vượt qua được thời kỳ hậu đại dịch, mà còn đạt được hiệu quả cao hơn trong việc sử dụng vốn.

Chuyên đề