Ảnh minh họa. |
Rào cản này nếu không được tháo gỡ, quá trình CPH, thoái vốn nhà nước tại các DNNN sẽ khó có những bước tiến mới.
Nghi ngại về chất lượng định giá
Tại Hội thảo Công bố Báo cáo nghiên cứu về cổ đông chiến lược trong CPH DNNN diễn ra mới đây, ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Các DN Mỹ tại Hà Nội (AmCham Hà Nội) cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm đến quá trình CPH, thoái vốn DNNN tại nhiều ngành kinh tế mũi nhọn mà Nhà nước không cần nắm giữ, tham gia góp vốn… Tuy nhiên, hiện công tác xác định giá trị DNNN và xác định giá bán CP của Việt Nam vẫn chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Điều này khiến nhà đầu tư khó thẩm định được việc CP họ mua có công bằng hay không và dựa trên cơ sở nào.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhìn nhận, chất lượng định giá trong CPH DNNN còn có vấn đề. Chẳng hạn như tính độc lập cũng như tính chuyên nghiệp của các đơn vị tư vấn chưa theo kịp thông lệ quốc tế, do đó nhiều nhà đầu tư nghi ngờ kết quả định giá nên chưa mặn mà với việc mua CP để trở thành các cổ đông chiến lược.
Về vấn đề này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện vẫn còn bất cập trong việc định giá tài sản vô hình của DNNN như về thương hiệu, nhân lực, quan hệ kinh doanh… Trong khi đó, việc thuê tư vấn nước ngoài để tiến hành định giá gặp trở ngại bởi vấn đề chi phí. Ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Ban Cải cách và Phát triển DN thuộc CIEM cho biết, Thông tư số 196/201/TT-BTC có quy định mức chi CPH tính theo giá trị DN CPH không quá 500 triệu đồng đối với DN có giá trị trên 100 tỷ đồng. Trường hợp CPH tập đoàn, tổng công ty nhà nước thì Ban Chỉ đạo CPH báo cáo cơ quan có thẩm quyền. “Mức chi này là khá cứng nhắc và không đáp ứng được yêu cầu CPH những DN có quy mô lớn. Ngay cả khi các DNNN có thể chi thêm thì vẫn mất nhiều thời gian để xin chủ trương của cơ quan có thẩm quyền”, ông Trung cho biết.
Theo Báo cáo nghiên cứu về cổ đông chiến lược trong CPH DNNN, từ năm 1992 đến nay, Việt Nam đã thực hiện CPH trên 4.500 DNNN, nhưng các nhà đầu tư chiến lược tham gia CPH DNNN với mức thấp hơn kỳ vọng.
46 DNNN được phê duyệt phương án CPH giai đoạn 2011 - 2016, ông Phạm Đức Trung chỉ ra, đa số các tổng công ty và DNNN chưa thu hút được cổ đông chiến lược. Tổng vốn điều lệ của 46 DNNN là 171.225 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ Nhà nước nắm giữ là 124.835 tỷ đồng (73% vốn điều lệ), phê duyệt bán cho cổ đông chiến lược là 28.369 tỷ đồng (chiếm 16,5% vốn điều lệ). Tuy nhiên, trong số 28.369 tỷ đồng được phê duyệt bán cho nhà đầu tư chiến lược, chỉ có 12.762 tỷ đồng đã bán được, đạt chưa đến ½ con số được phê duyệt.
“Xét tiếp đến tỷ lệ bán được cho nhà đầu tư nước ngoài, tỷ lệ này rất nhỏ, chỉ chiếm khoảng 8,7% (4/46 tổng công ty). Trong đó, tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài mua CP rất thấp, cao nhất là 20%”, ông Trung cho biết.
Xóa nghi ngại như thế nào?
Để quá trình CPH, thoái vốn DNNN hấp dẫn nhà đầu tư, bà Võ Hà Duyên, Giám đốc Công ty Luật Vilaf cho rằng, nên thực hiện đấu thầu rộng rãi các tài sản phức tạp của các DNNN CPH. Đây là phương thức thịnh hành trên thế giới nhiều năm qua, giúp nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư được nhiều hơn vào các lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ.
Ông Johnathan Ooi, Giám đốc Công ty Pricewaterhouse Coopers cho rằng, có 6 khía cạnh mà nhà đầu tư xem xét khi định giá nhằm đảm bảo tính hiệu quả của hoạt động trong tương lai. Đó là chất lượng thông tin; chuẩn mực kế toán; hoạt động kinh doanh cốt lõi; triển vọng kinh doanh tương lai; mức độ kiểm soát và đội ngũ quản lý ưu tú. “Các khía cạnh này thực hiện dựa trên các chuẩn mực quốc tế sẽ mang đến sự an tâm hơn cho các nhà đầu tư khi quyết định đầu tư”, ông Johnathan Ooi cho biết.
Khuyến nghị về vấn đề này, Báo cáo của CIEM cho rằng, việc xác định giá trị DN và xác định giá bán CP cho nhà đầu tư chiến lược cần được nghiên cứu sâu hơn, cụ thể hơn để đưa ra được những quy định tôn trọng lợi ích của các bên.
Các DNNN nên có chủ trương xác định giá trị DN theo phương pháp quốc tế. Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các quy định liên quan đến xác định giá trị quyền sử dụng đất, giá trị thương hiệu của DNNN khi CPH trong xác định giá trị DN phù hợp với những thay đổi của luật pháp về đất đai, quyền sở hữu trí tuệ cũng như các thông lệ quốc tế tốt.
Với chi phí CPH, nên cởi bỏ quy định cứng nhắc về thuê tư vấn CPH. Đối với những DNNN quy mô lớn, nếu phải thực hiện thuê tư vấn quốc tế để thực hiện CPH và tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài thì cần có quy định linh hoạt hơn về mức giới hạn chi phí.