Trong 9 tháng đầu năm 2017, kết quả cổ phần hóa chỉ đạt khoảng 20% kế hoạch năm. Ảnh: Tiên Giang |
Chưa hấp dẫn nhà đầu tư chiến lược
Theo ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), trong cơ cấu lại DNNN, CPH là giải pháp quan trọng nhất, nhưng chủ yếu mới theo số lượng, chất lượng còn rất hạn chế. “Từ năm 1992 đến nay, Việt Nam đã thực hiện CPH hơn 4.500 DN nhưng chất lượng chưa cao, một số mục tiêu chưa đạt được, trong đó có mục tiêu bán cổ phần cho các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư chiến lược tham gia CPH DNNN với mức độ thấp hơn kỳ vọng”, ông Trung cho biết.
Dẫn Báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Trung cho biết, kết quả CPH trên thực tế chưa đạt mục tiêu giảm vốn nhà nước và thu hút tư nhân. Trong giai đoạn 2011 - 2015, 508 DNNN đã được CPH nhưng Nhà nước vẫn nắm giữ 81% vốn, tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư bên ngoài chỉ đạt 9,5% (kế hoạch là 16,7%), nhà đầu tư chiến lược là 7,3% (kế hoạch là 15,8%). Ông Trung cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2017, kết quả CPH cũng chỉ đạt được khoảng 20% kế hoạch năm.
Đại diện CIEM cho rằng, có 5 nguyên nhân chính ảnh hưởng đến sức mua của các nhà đầu tư chiến lược. Đó là: khống chế tỷ lệ sở hữu của cổ đông chiến lược nước ngoài; định giá DN và giá cổ phiếu còn bất hợp lý; nhiều DNNN không có sức hấp dẫn với cổ đông chiến lược; thiếu công khai, minh bạch thông tin; quy trình phức tạp và phương thức bán cổ phiếu linh hoạt.
Đề cập câu chuyện định giá doanh nghiệp và giá cổ phiếu, ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng, việc định giá DNNN thiếu minh bạch là một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư nước ngoài còn e ngại.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, nguyên nhân lớn bao trùm quá trình này, làm hạn chế việc thu hút cổ đông chiến lược chính là “rào cản” về đổi mới nhận thức, tư duy.
5 giải pháp
Với thực trạng nêu trên, CIEM khuyến nghị 5 nhóm giải pháp chính nhằm thu hút được cổ đông chiến lược trong CPH DNNN.
Thứ nhất là cần có các quy định, tiêu chí rõ ràng, minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư chiến lược. CIEM cho rằng, trong việc quy định giới hạn tỷ lệ CPH với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, cần bảo đảm sự công bằng giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước. Cụ thể, cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tỷ lệ cổ phần giống như các cổ đông chiến lược trong nước, cho phép họ được sở hữu chi phối ở các ngành, lĩnh vực không thiết yếu.
Thứ hai là xác định giá trị DN và xác định giá bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược cần phải được nghiên cứu cụ thể hơn, nhằm tôn trọng lợi ích của các bên.
Thứ ba là bảo đảm tính công khai, minh bạch thông tin trong quá trình CPH cả về quá trình triển khai, các thông tin liên quan đến hoạt động của DN sẽ CPH và quyền được tiếp cận thông tin của các nhà đầu tư, trong đó có các cổ đông chiến lược. Đơn cử như thực hiện công bố danh mục DN CPH; công khai thông tin về quá trình, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư…
Thứ tư là nâng cao vai trò của nhà đầu tư chiến lược vào quản trị DN sau CPH.
Giải pháp thứ 5 được CIEM đề xuất là tiếp tục đổi mới, cải thiện quản trị, nâng cao hiệu quả của khu vực DNNN nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược khi CPH.
Ông Phạm Đức Trung nhìn nhận, giải pháp căn bản vẫn là nâng cao hiệu quả hoạt động và cải thiện quản trị của DNNN cả trước và sau CPH. Bởi, về cơ bản hiện nay chính sách đã tương đối đầy đủ, nhưng vấn đề mấu chốt là nâng cao ý thức thực hiện của các bên tham gia mới có thể đem lại thành công.