Tiêu cực trong đấu giá đất: Căn bệnh trầm kha

(BĐT) - Thời gian gần đây xảy ra không ít sự việc băng nhóm “xã hội đen” gây rối với tính chất nghiêm trọng tại các cuộc đấu giá đất ở nhiều địa phương như: Thái Bình, Bắc Giang, Hà Nội... Vì sao các sự việc diễn ra công khai, dư luận lên tiếng nhiều nhưng hầu hết đều chìm vào im lặng, để rồi các vụ gây rối, phá đám đấu giá đất lại tiếp tục diễn ra?
Việc định giá đất thấp là một trong những nguyên nhân làm nảy sinh tiêu cực trong đấu giá đất. Ảnh: Lê Tiên
Việc định giá đất thấp là một trong những nguyên nhân làm nảy sinh tiêu cực trong đấu giá đất. Ảnh: Lê Tiên

Thao túng đấu giá đất

Trong cuộc đấu giá ngày 25/5 tại UBND thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, khi tiến hành trả giá lô đất số 75 và 76 (được cho là có vị trí đắc địa), một nhóm đối tượng bặm trợn, xăm trổ đã ép buộc người trúng đấu giá 2 lô đất trên từ chối kết quả trúng đấu giá để dàn xếp cho một người tham gia đấu giá khác trúng đấu giá các lô đất này. Đáng chú ý, người tham gia đấu giá được nhóm “xã hội đen” chỉ định chỉ trả cao hơn giá khởi điểm vài trăm nghìn đồng/lô. Theo phản ánh, tình trạng này tiếp diễn tại phiên đấu giá khác vào ngày 9/6 cũng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Sau khi Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bắc Giang vào cuộc, đối tượng cầm đầu nhóm “xã hội đen” cùng 7 đối tượng liên quan đã được làm rõ. Thủ đoạn của các đối tượng này là chọn những lô đất có vị trí đắc địa, sau đó tiếp cận đe dọa, gây sức ép không cho người tham gia đấu giá khác trả giá để độc quyền trúng đấu giá ở mức khởi điểm, sau đó bán lại với giá cao hơn nhằm trục lợi. 

Cuối năm 2018, tại TP. Hà Nội cũng đã ghi nhận 1 vụ việc ngang nhiên cướp hồ sơ đấu giá đất tại trụ sở UBND huyện Thạch Thất. Theo đó, khi người dân có nhu cầu đấu giá đi vào sân UBND huyện thì một nhóm thanh niên dáng vẻ ngổ ngáo ngay lập tức tiếp cận và trắng trợn thò tay vào túi cướp hồ sơ. Khi người bị cướp hồ sơ đuổi theo các đối tượng này trong sân UBND huyện thì một nhóm đối tượng khác ùa vào ngăn cản… Những hình ảnh này đã được camera an ninh ghi lại. Vụ việc sau đó được giao cho Công an huyện Thạch Thất điều tra, nhưng tới nay vẫn chưa có kết quả cuối cùng. 

Nhiều kẽ hở trong đấu giá đất

Tìm hiểu nguyên nhân của tình trạng nói trên, phóng viên Báo Đấu thầu nhận được không ít kiến giải của những người tham gia hoạt động đấu giá. Đó là việc định giá và đưa ra giá khởi điểm thấp khiến biên lợi nhuận khi đấu giá đất là khá cao, do có lợi ích nhóm chi phối, do hình thức bỏ phiếu đấu giá chưa phù hợp…, thậm chí là sự bàng quan của lực lượng an ninh giữ gìn trật tự cuộc đấu giá.

Chia sẻ về việc xác định giá khởi điểm trong đấu giá đất, ông Trần Mai Long, đấu giá viên với nhiều năm thực hiện đấu giá đất tại Hà Nội cho biết, cùng 1 địa phương, có nơi xảy ra tình trạng “xã hội đen” đến quấy nhiễu, nhưng cũng có những phiên đấu giá lại không có. Tại những nơi xảy ra tình trạng “xã hội đen” đến quấy nhiễu, theo ông Long, là do một số lô đất được đưa ra đấu giá có sự chênh lệch lớn giữa giá khởi điểm và giá thị trường, khả năng sinh lời lớn nếu trúng đấu giá… nên đã thu hút những đối tượng này tới tìm cách trục lợi.

Từ thực tiễn đấu giá quyền sử dụng đất, ông Tạ Quang Đãng, Giám đốc Công ty Đấu giá hợp danh Sao Khuê cho rằng, không loại trừ khả năng có lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện các phiên đấu giá đất này.

Ông Đãng cho biết thêm, trong 4 hình thức đấu giá được quy định tại Khoản 1 Điều 40 Luật Đấu giá tài sản, đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp là một trong những hình thức phát huy được tính hiệu quả nhất, giúp ngăn chặn được phần lớn những tiêu cực trong đấu giá tài sản. Theo đó, người đăng ký tham gia đấu giá sẽ được nhận phiếu trả giá ngay khi mua hồ sơ. Phiếu trả giá được gửi qua đường bưu chính hoặc được nộp trực tiếp và được tổ chức đấu giá tài sản bỏ vào thùng phiếu. Thùng phiếu được niêm phong trong suốt thời gian tổ chức đấu giá. Cách làm này sẽ khiến cho người có tài sản, tổ chức đấu giá, người tham gia đấu giá và cả các đối tượng quấy rối khó có thể thông đồng, dàn xếp được với nhau. Và các đối tượng quấy rối, xã hội đen, lợi ích nhóm cũng khó can dự được vào việc trả giá của người tham gia đấu giá. Tuy nhiên, theo ông Đãng, cái gốc vẫn phải từ chủ tài sản, tổ chức đấu giá có triển khai cuộc đấu giá một cách công khai, minh bạch hay không.

Ông Nguyễn Đức Tâm - Giám đốc Công ty Đấu giá hợp danh Việt Pháp cho rằng, tình trạng “xã hội đen” can thiệp vào các cuộc đấu giá đất đã biến tướng thành nhiều cách thức tinh vi. Tuy nhiên, nó thường diễn ra bên ngoài phiên đấu giá với những thỏa thuận ngầm nên ngoài tầm kiểm soát của công ty đấu giá.

Một đấu giá viên chia sẻ với Báo Đấu thầu, trước khi tổ chức cuộc đấu giá, công ty đấu giá có văn bản gửi sang cơ quan công an đề nghị cử người sang giữ an ninh trật tự, ngăn ngừa người có động cơ xấu. Tuy nhiên, bên cơ quan công an đã từ chối khi cho rằng đây là giao dịch dân sự, họ sẽ chỉ vào cuộc khi xảy ra các cuộc xô xát ảnh hưởng đến cuộc đấu giá.

Như vậy, kỳ vọng về những cuộc đấu giá minh bạch, chống thất thoát tài sản nhà nước, mua được tài sản đúng giá trị vẫn còn xa vời khi đang tồn tại không ít rào cản, khó khăn đối với tổ chức đấu giá cũng như người có nhu cầu mua tài sản thực sự.

Chuyên đề