Nguy cơ nợ xấu “phình to”: Để tắc nghẽn sẽ ảnh hưởng tới vĩ mô

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nợ xấu có thể tiếp tục “phình to” trong thời gian tới trong khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu sắp hết hạn. Do đó, nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc kéo dài hiệu lực Nghị quyết 42 song cần tiếp tục có các giải pháp giảm tỷ lệ nợ xấu đồng thời với việc xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ, hiệu quả.
Đến ngày 31/12/2021, nợ xấu chưa xử lý theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 vẫn ở mức cao là 412,7 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Tiên Giang
Đến ngày 31/12/2021, nợ xấu chưa xử lý theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 vẫn ở mức cao là 412,7 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Tiên Giang

Tiếp tục Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, trong 2 ngày từ 1 - 2/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của nghị quyết này. Nội dung này dự kiến được Quốc hội biểu quyết thông qua thông qua vào phiên bế mạc ngày 16/6.

NHNN cho biết, kinh tế thế giới giai đoạn 2021 - 2025 được dự báo diễn biến khó lường, nhiều doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn, không trả được nợ ngân hàng, bởi vậy nợ xấu có xu hướng tăng trong thời gian tới. Trong khi đó, đến hết ngày 15/8/2022, toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 sẽ không được áp dụng, việc xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Theo đại biểu Nguyễn Việt Hà (Tuyên Quang), Nghị quyết số 42 đã tạo nên những thay đổi tích cực trong tư duy vay - trả nợ của khách hàng, khách hàng tự giác và hợp tác hơn với tổ chức tín dụng trong trả nợ. Trong tổng số 380,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu được xử lý, có 38,93% số nợ xấu là do khách hàng tự trả, cao hơn mức 22,8 % trước khi có Nghị quyết. Đồng thời, việc quy định, gắn trách nhiệm trong các khâu xử lý nợ xấu đã giúp các cơ quan liên quan có sự đánh giá đầy đủ, đúng bản chất hơn về công tác này. Từ đó tạo sự đồng thuận và vào cuộc quyết liệt hơn của các bên liên quan.

Tuy nhiên, đến thời điểm 31/12/2021, số nợ xấu cần được xử lý theo Nghị quyết số 42 còn 412,7 nghìn tỷ đồng. Khi chưa luật hóa các quy định về xử lý nợ, nếu dừng áp dụng Nghị quyết số 42 sẽ tạo ra một khoảng trống pháp lý khiến cho công tác xử lý nợ xấu bị tắc nghẽn, có thể dẫn đến những hệ lụy tiêu cực đối với kinh tế vĩ mô.

Do đó, bà Hà kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài việc áp dụng toàn bộ Nghị quyết số 42 và đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Đồng thời, bà Hà đề nghị Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo NHNN và các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá nội dung của Nghị quyết số 42 cũng như quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và quy định pháp luật khác có liên quan để sớm luật hóa quy định về xử lý nợ xấu, tạo hành lang pháp lý vững chắc, ổn định, thống nhất và hoàn thiện hơn trong công tác xử lý nợ.

Thống nhất kéo dài thực hiện Nghị quyết số 42, đại biểu Bùi Mạnh Khoa (Thanh Hóa) nhấn mạnh: “NHNN cần tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc việc thẩm định tài sản để hạn chế tình trạng tiêu cực trong thẩm định tài sản cho vay, hạn chế sự gia tăng các khoản nợ xấu.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hoá) đề nghị Chính phủ, NHNN, trong thời hạn kéo dài thực hiện Nghị quyết số 42, cần nghiên cứu, phân tích, đánh giá các vấn đề thực tiễn đặt ra, đề xuất luật hóa quy định nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định cho công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đáp ứng yêu cầu khơi thông nguồn vốn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết: “Nếu không có Nghị quyết số 42, ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong thu hồi khoản nợ bởi các quy định hiện hành chưa có nội dung cụ thể về việc này. Nhiều trường hợp, khoản vay đã quá hạn và phải thu giữ tài sản thế chấp là nhà nhưng người vay không chịu ra khỏi nhà thì ngân hàng cũng không thể đòi được, nhiều cán bộ thu hồi nợ phải thuyết phục, năn nỉ mà cũng không xong”.

Theo ông Hùng, trong thời gian tới, nợ xấu có rủi ro tăng. Do đó, cần duy trì hành lang pháp lý này để giúp các tổ chức tín dụng tiếp tục xử lý nợ xấu hiệu quả, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Tổng Thư ký VNBA cho rằng, trước mắt cần kéo dài Nghị quyết số 42 để có cơ sở pháp lý phù hợp cho các ngân hàng xử lý nợ xấu. Về lâu dài, khi Nghị quyết số 42 hết hiệu lực, cần có hành lang pháp lý cụ thể và chặt chẽ hoặc sửa đổi các luật liên quan để người vay có ý thức trả nợ, trong trường hợp người vay chây ì thì ngân hàng có cơ sở để thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm.

Chuyên đề