Chủ động hóa giải thách thức đến từ nợ xấu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng, tiềm ẩn rủi ro và có thể cản trở đà hồi phục của nền kinh tế. Do đó, có ý kiến cho rằng, cần tăng cường các giải pháp kiểm soát trong cả hệ thống, trong từng ngân hàng và định hướng thúc đẩy lợi nhuận ngành ngân hàng từ các hoạt động dịch vụ và chuyển đổi số thay vì dựa chủ yếu vào cấp tín dụng.
Cần thúc đẩy lợi nhuận ngành ngân hàng từ các hoạt động dịch vụ và chuyển đổi số thay vì dựa chủ yếu vào hoạt động cấp tín dụng. Ảnh: Nhã Chi
Cần thúc đẩy lợi nhuận ngành ngân hàng từ các hoạt động dịch vụ và chuyển đổi số thay vì dựa chủ yếu vào hoạt động cấp tín dụng. Ảnh: Nhã Chi

Nợ xấu đang gia tăng

Theo Dự thảo Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng, tiềm ẩn rủi ro. Trong bối cảnh dịch bệnh, tín dụng tăng trưởng tốt nhưng dòng tiền có xu hướng ít đi vào hoạt động đầu tư, kinh doanh mà tập trung vào các hoạt động đầu cơ, tích trữ như bất động sản, chứng khoán, tiền số… có thể tạo ra rủi ro về bong bóng tài sản, lạm phát, gây khó khăn trong huy động vốn và không tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Đến cuối tháng 12/2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng nhưng vẫn duy trì ở mức an toàn 1,49%; tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu khoảng 2,88%. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đủ các khoản nợ đang được cơ cấu lại có nguy cơ trở thành nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm 2021 khoảng 7,31%.

Báo cáo tài chính quý IV/2021 của nhiều ngân hàng thương mại cho thấy khối nợ xấu gia tăng đáng kể trong năm qua. Trong đó, nợ xấu của VPBank tính đến cuối năm 2021 đã tăng 60% so với năm 2020; VietinBank tăng hơn 50%; VIB tăng gần 58%; Vietcombank tăng 17%...

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, nợ xấu là một trong những rủi ro, thách thức lớn nhất của kinh tế Việt Nam trong năm 2022. Trong bối cảnh dịch bệnh có thể tiếp diễn, doanh nghiệp dù hồi phục song vẫn còn nhiều khó khăn, một số lĩnh vực dịch vụ phục hồi chậm, khiến nợ xấu có xu hướng gia tăng. Nợ xấu cũng sẽ lộ diện rõ hơn khi thời hạn cơ cấu nợ xấu chỉ kéo dài đến ngày 30/6/2022 theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN.

TS. Châu Đình Linh, giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, hiện nợ xấu là mối lo với hệ thống ngân hàng, nền kinh tế và nỗ lực hồi phục kinh tế - xã hội.

Với các ngân hàng, việc không thu hồi được nợ khiến nguồn vốn bị thất thoát, lợi nhuận sụt giảm. Mặc khác, tỷ lệ nợ quá hạn cao làm cho uy tín, niềm tin vào tiềm lực tài chính của ngân hàng bị suy giảm, dẫn đến giảm khả năng huy động vốn, có thể dẫn đến rủi ro thanh khoản.

Với nền kinh tế, rủi ro tín dụng khiến cơ hội tiếp cận vốn mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc tiêu dùng của khách hàng bị hạn chế, ảnh hưởng xấu đến khả năng tăng trưởng của nền kinh tế. Việc điều tiết vĩ mô kinh tế thông qua các ngân hàng thương mại cũng trở nên kém hiệu quả.

Nhiều giải pháp ứng phó

Nợ xấu đang tăng nhưng điểm tích cực có thể nhận rõ là cả cơ quan điều hành chính sách tiền tệ và các ngân hàng thương mại đã nhận rõ và chủ động giải pháp kiểm soát tác động của nợ xấu.

Từ phía cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, NHNN cho biết đang đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để kiểm soát và xử lý nợ xấu; ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh; ngăn ngừa tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng có liên quan.

Tại Công văn số 1976/NHNN-TTGSNH vừa gửi các tổ chức tín dụng (TCTD), NHNN yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được NHNN giao thực hiện trong năm 2022. Đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, NHNN yêu cầu các TCTD kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng dư nợ tín dụng và chất lượng tín dụng; trong đó tăng cường kiểm soát các khoản cấp tín dụng đối với khách hàng vay vốn để tham gia đấu giá đất đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Các ngân hàng thương mại cũng tích cực tăng tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro, do đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của nhiều ngân hàng ở mức cao. Tính đến cuối năm 2021, tỷ lệ này ở Vietcombank lên tới trên 420%, BIDV có tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 235%, VietinBank ở mức 171%, Techcombank là 184%...

“Cùng với sự chủ động kiểm soát nợ xấu của NHNN và các ngân hàng thương mại, việc gia hạn Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu thêm 1 năm là điểm tích cực, có thể giúp quá trình xử lý nợ xấu được thực hiện hiệu quả, góp phần giảm tác động bất lợi với nền kinh tế. Dù vậy, quá trình giám sát cần tiếp tục được triển khai. Đồng thời, các ngân hàng thương mại cần nâng cao quản trị rủi ro, thúc đẩy nguồn thu từ các kênh khác như dịch vụ và chuyển đổi số, giảm tỷ trọng lợi nhuận từ kênh tín dụng”, ông Châu Đình Linh nhấn mạnh.

Chuyên đề