Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu: Kéo dài thời hạn nhưng phải nâng cao hiệu quả thực hiện

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -  Đồng tình với đề xuất của Chính phủ về việc kéo dài thời hạn thực thi Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD), song nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế này để việc gia hạn này nâng cao hiệu quả xử lý nợ thay vì chỉ tiếp tục về mặt hình thức.

Sau ngày 15/8/2022, toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ không được áp dụng, việc xử lý nợ xấu của TCTD sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Căn cứ chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội thông qua việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 đến ngày 31/12/2023; đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV; giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất nội dung cần luật hóa quy định về xử lý nợ xấu cùng với việc rà soát, hoàn thiện Luật Các TCTD và các luật có liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, trình Quốc hội chậm nhất vào kỳ họp đầu năm 2023. Đa số ý kiến trong UBKT thống nhất với đề xuất của Chính phủ.

Chính phủ đã đề xuất Quốc hội thông qua việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 đến ngày 31/12/2023

Chính phủ đã đề xuất Quốc hội thông qua việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 đến ngày 31/12/2023

Về đề xuất này, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung, đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, nhiều chính sách ưu việt, xác đáng nhất của Nghị quyết 42 vẫn chưa thực hiện được, chẳng hạn, chính sách áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp tài sản đảm bảo vẫn chưa thực hiện được như mong đợi. Do đó, đại biểu Mai Dung cho rằng, khi chưa có khuôn khổ pháp lý chắc chắn hơn, thì việc kéo dài thực hiện Nghị quyết 42 là phù hợp song nên xem xét có gì cải thiện hơn về cách thức thực hiện để đảm bảo hiệu quả, tránh việc chỉ kéo dài mang tính hình thức.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, đồng tình việc kéo dài Nghị quyết 42 song Chính phủ cần có sự chỉ đạo, yêu cầu phối hợp giữa các cơ quan như tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, công an, cơ quan thi hành án trong tổ chức cưỡng chế thu hồi nợ, nếu không, việc thu hồi nợ theo Nghị quyết 42 vẫn khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Việt Hà, đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang cho rằng, việc thực hiện Nghị quyết 42 đã nâng cao nhận thức của khách hàng trong việc đi vay, trả nợ, có ý thức hợp tác hơn với tổ chức tín dụng trong việc trả nợ; tăng cường sự phối hợp của các cơ quan liên quan trong việc thu hồi nợ. Đại biểu cho rằng nếu dừng việc áp dụng Nghị quyết 42 trong khi chưa luật hóa, sẽ làm mất đi công cụ cho các tổ chức tín dụng thu hồi nợ xấu, tạo áp lực, thách thức lớn đối với tổ chức tín dụng, ngân hàng nhà nước, tạo hệ lụy tiêu cực đối với kinh tế vĩ mô.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên thảo luận
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên thảo luận

Trước ý kiến về việc luật hóa nội dung xử lý nợ xấu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng về nguyên tắc, chính sách thí điểm chỉ áp dụng trong một khoảng thời gian, do đó Chính phủ phải nghiên cứu, khẩn trương đề xuất định hướng để hoàn thiện khung khổ pháp lý cho xử lý nợ xấu.

Tuy nhiên, không nên đặt vấn đề xây dựng một luật về xử lý nợ xấu mà cần hoàn thiện quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42, xác định nội dung nào kế thừa, đưa vào luật.

Chuyên đề