Thấy gì từ việc VietinBank vay ngân hàng ngoại 200 triệu USD?
Có nhiều diễn biến đáng chú ý đang diễn ra trên thị trường ngoại tệ, ẩn sau đó là những dấu hỏi đầy thách thức.
Thứ nhất, mới đây, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đã ký kết hợp đồng vay hợp vốn trị giá 200 triệu USD với 18 ngân hàng quốc tế lớn. Câu hỏi đặt ra là, tại sao VietinBank mạnh tay vay ngoại tệ từ nước ngoài với lãi suất chắc chắn không rẻ, trong khi lãi suất huy động ngoại tệ trong nước chỉ 0%/năm?
Thứ hai, theo ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước - NHNN), tính đến cuối tháng 2/2016, huy động vốn bằng ngoại tệ giảm gần 4%, còn tín dụng ngoại tệ giảm 5,6% so với cuối năm 2015, có nghĩa là, các ngân hàng không chịu áp lực về thanh khoản ngoại tệ. Song theo phản ánh của khách hàng, trên thực tế, nhiều ngân hàng vẫn đang “đi đêm”, thưởng ngầm cho khách hàng gửi ngoại tệ số lượng lớn.
Thứ ba, huy động ngoại tệ tăng vọt 4 tháng cuối năm 2015 - cùng thời điểm NHNN đưa lãi suất huy động ngoại tệ về mức 0%. Năm 2015, tín dụng ngoại tệ giảm 12,9%, trong khi huy động ngoại tệ lại tăng tới 14,3% (cùng kỳ chỉ tăng 4,7%). Con số này cho thấy, dù lãi suất tiền gửi ngoại tệ đã về 0%, nhưng người dân vẫn chưa chuyển ngoại tệ sang tiền đồng.
“Huy động ngoại tệ tăng nhanh hơn cho vay ngoại tệ. Điều đó cho thấy, mức tăng dự trữ ngoại tệ trong dân tăng cao, việc đưa lãi suất USD về 0% cũng không làm giảm nhu cầu tích trữ ngoại tệ của thị trường”, ông Lê Đức Thúy, nguyên Thống đốc NHNN nhận định.
Mặc dù tiền gửi ngoại tệ tăng, song điều đó không có nghĩa là thanh khoản dồi dào. TS. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia chỉ ra một vấn đề rất “nhạy cảm và tế nhị” về thanh khoản ngoại tệ, đó là kỳ hạn. Trước đây, khi còn được ngân hàng trả lãi, người dân thường gửi USD với kỳ hạn ít nhất 1 - 3 tháng. Tuy nhiên, từ khi NHNN áp dụng lãi suất tiền gửi ngoại tệ bằng 0% như hiện nay, hầu hết các khoản tiền gửi tiết kiệm đều chuyển về lãi suất qua đêm. Như vậy, hàng triệu USD được gửi trong hệ thống ngân hàng có thể được rút ra bất cứ lúc nào.
Tất cả những diễn biến trên cho thấy, thanh khoản ngoại tệ hiện tại của hệ thống ngân hàng có lẽ không dồi dào. Áp lực thanh khoản, cộng thêm xu hướng găm giữ ngoại tệ gia tăng là những thách thức lớn, đòi hỏi cơ quan điều hành cần có biện pháp xử lý.
“Việc chống đô-la hóa của Việt Nam đã không làm cho tỷ lệ đô-la hóa giảm xuống, mà lại tăng lên. Rõ ràng, có vấn đề ở đây, chính sách chống đô-la hóa mang đến thành công về tỷ giá, song lại khiến tỷ lệ đô-la hóa tăng lên”, ông Trương Văn Phước cảnh báo.
Đừng yên tâm với ổn định tỷ giá
Từ đầu năm đến nay, tỷ giá tương đối ổn định và có chiều hướng đi xuống. Xét về mặt nào đó, đây là sự thành công của chính sách ngoại hối.
Theo ông Bùi Quốc Dũng, sau khi cách thức điều hành tỷ giá mới được triển khai, diễn biến thị trường ngoại hối ổn định, tỷ giá giảm nhanh, thì các dự báo về tỷ giá đã có nhiều thay đổi. Cụ thể, Ngân hàng Standard Chartered dự báo tỷ giá tăng 1 - 2% trong năm 2016, Ngân hàng HSBC dự báo tăng 3 - 4%, một số chuyên gia kinh tế dự báo tăng khoảng 3% (trước đó, nhiều dự báo cho rằng, tỷ giá trong nước sẽ biến động 6 - 7% trong năm 2016). NHNN khẳng định, cùng với các biện pháp điều tiết của NHNN, tỷ giá năm 2016 sẽ không biến động quá lớn để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, những diễn biến tỷ giá như đã phân tích ở trên cho thấy, thị trường ngoại tệ dù ổn định, song vẫn còn một số vấn đề.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2016, kinh tế thế giới sẽ diễn biến khác với dự báo trước đây của NHNN, do đó, điều hành tỷ giá phải xoay chuyển kịp thời.
Theo ông Lê Đức Thúy, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không tăng lãi suất trong phiên họp chính sách dự kiến kết thúc vào hôm nay (16/3). Khả năng, Fed sẽ chỉ tăng lãi suất 2 - 3 lần trong năm nay, thậm chí không loại trừ khả năng không tăng lãi suất hoặc áp dụng lãi suất âm. Trước đó, ngày 10/3, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã nhóm họp và thông báo hạ lãi suất trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều khó khăn với quá trình phục hồi.
Với những diễn biến như vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, NHNN không nên chủ quan với sự ổn định tỷ giá trong nước, mà cần phải cân nhắc chiều hướng lên - xuống của USD thời gian tới để có những điều chỉnh kịp thời, nhằm tạo khả năng cạnh tranh tốt hơn cho hàng hóa Việt Nam, đồng thời không để nền kinh tế bị sốc trước nguy cơ “hạ cánh cứng” của nền kinh tế Trung Quốc.