Lỗ vì USD

Ngân hàng Nhà nước đã liên tục mua USD trên thị trường hiện nay với khối lượng khá lớn. Đồng USD đang không còn hấp dẫn khi nắm giữ.
Giữ USD không còn lời - Ảnh: Ngọc Thạch
Giữ USD không còn lời - Ảnh: Ngọc Thạch

Theo ông Bùi Quốc Dũng - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước - NHNN), lượng USD mà NHNN mua trên thị trường thời gian qua nhiều hơn con số 1 tỉ USD mà thị trường thông tin. Kể từ đầu tháng 2 đến nay, giá USD tại các ngân hàng (NH) giảm khoảng 1% - đây là diễn biến nằm ngoài các dự báo của thị trường. Với mức giảm mạnh này, USD ngoài thị trường tự do đang chảy vào hệ thống NH.

Trưởng phòng kinh doanh ngoại tệ một NH cũng tiết lộ lượng USD tiền mặt từ thị trường tự do bán lại cho NH hiện nay khá cao. Nếu như trước đây, một ngày NH mua 1 - 2 triệu USD từ người dân thì nay lên đến vài chục triệu USD mỗi

Ngân hàng cũng lỗ

Ông Nguyễn Hoàng Minh khẳng định cho vay ngoại tệ của các NH sụt giảm mạnh, giảm 3,1% so với cuối năm 2015. Còn theo số liệu từ ông Bùi Quốc Dũng, dư nợ ngoại tệ tính đến cuối tháng 2 của toàn hệ thống NH giảm 5%. Tốc độ cho vay ngoại tệ giảm nhanh hơn huy động ngoại tệ cho thấy tính thanh khoản ngoại tệ trong hệ thống NH hiện nay được đảm bảo. Chính sách thị trường ngoại tệ hiện nay đang đi đúng lộ trình chuyển dần từ quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua - bán.
Thực tế trên cũng được ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, xác nhận khi cho biết: “Trong 2 tháng qua cho thấy các NH mua USD nhiều hơn lượng bán ra trên 10%, giá USD tự do giảm nhanh hơn so với giá USD trong NH. Huy động vốn bằng ngoại tệ trong hệ thống NH tháng 2 tiếp tục giảm 0,2% so với cuối năm 2015, trong khi huy động tiền đồng tăng gần 1%. Có tới 66% người dân gửi USD đến hạn đã rút bán cho NH lấy VND gửi tiết kiệm để lấy lời cao hơn. Điều này lý giải vì sao nguồn USD từ khối dân cư bán lại cho NH tăng vọt”.

Theo phân tích của ông Bùi Quốc Dũng, cơ chế điều hành tỷ giá mới đã triệt tiêu yếu tố găm giữ ngoại tệ trên thị trường. Cũng lượng ngoại tệ này trước đây được doanh nghiệp, cá nhân chờ giá lên mới bán nhưng nay thì bán lại cho NH ngay. Cộng với hiện tượng chuyển từ “đô” sang “đồng” nên tiền gửi USD dân cư tính đến cuối tháng 2 giảm 3% so với cuối năm 2015.

Giá USD giảm cùng với lãi suất huy động USD của các NH ở mức 0%/năm khiến cho nhiều người nắm giữ USD rơi vào tình trạng lỗ. Không chỉ người dân mà cả giới kinh doanh, đặc biệt là NH cũng lỗ trong lĩnh vực kinh doanh ngoại hối thời gian qua.

Theo báo cáo trong quý 4/2015, nhiều NH đã lỗ tiền tỉ trong hoạt động kinh doanh ngoại hối. Chẳng hạn, VPBank lỗ 198,4 tỉ đồng, nâng mức lỗ cả năm 2015 trong lĩnh vực kinh doanh ngoại hối lên 290,4 tỉ đồng; Vietinbank lỗ 75,63 tỉ đồng; Sacombank lỗ 29,4 tỉ đồng... TS Nguyễn Trí Hiếu nhận xét: “Mức độ hấp dẫn của USD đã không còn nhiều như trước. Trước đây, lãi suất gửi USD thấp nhưng bù lại tỷ giá tăng nên nhiều người có tâm lý găm giữ USD, NHNN còn đưa ra mức tăng giảm của USD vào đầu năm nhưng nay thì không còn những tuyên bố vậy nữa mà thay vào đó là cơ chế điều hành tỷ giá theo tỷ giá trung tâm, có tăng có giảm. Doanh nghiệp, cá nhân sẽ không biết giá lên hay xuống để thực hiện đầu cơ USD nên việc chuyển đổi USD sang giữ VND vẫn có lợi hơn”.

Hết thời ăn chênh lệch đô - đồng

Gửi USD không có lãi trong khi lãi suất tiền đồng đang tăng cao, lên tới 7- 8%/năm nên nhiều người lo ngại, hiện tượng vay USD chuyển sang VND gửi tiết kiệm ăn chênh lệch sẽ xảy ra như trước kia. Nhưng bà Anh, giám đốc một công ty xuất khẩu hạt tiêu và hạt điều, cho biết doanh nghiệp bà không dám làm điều này vì giá USD đang ở mức đáy. “Lãi suất cho vay USD hiện nay ở khoảng 3%/năm, lãi suất huy động tiền đồng của các NH ở mức 5 - 8%/năm. Trước đây với mức lãi suất chênh lệch thế này, DN thường hay thực hiện vay USD sau đó bán cho NH để gửi tiền đồng, hưởng chênh lệch lãi suất giữa 2 đồng tiền. Thế nhưng hiện nay tôi không dám thực hiện chiêu thức này khi giá USD đang ở mức thấp, theo tôi là mức đáy. Vay USD mà bán ra với mức giá quá thấp nếu giá USD tăng trở lại thì trở tay không kịp. Như năm 2015, USD đã tăng tới 5%, DN sẽ lỗ về giá. Tính ra DN xuất khẩu vay tiền đồng ở mức 7%/năm ổn định hơn”.

Ông Tuấn Anh, phụ trách tài chính của một DN thủy sản nước ngoài, cho hay: “Chiêu vay USD bán lấy tiền đồng hưởng chênh lệch lãi suất hiện nay rất ít DN có thể làm. Chỉ DN còn dư thừa vốn thì mới có thể sử dụng chiêu này và chấp nhận mức độ rủi ro về tỷ giá khá cao”. Còn theo ông Nguyễn Trí Hiếu, do các quy định về “siết” DN vay USD nên thực hiện việc này không còn dễ như trước. DN muốn vay USD phải thực hiện một số quy định mà NH đưa ra như phương án sản xuất kinh doanh hoặc nguồn USD trả nợ.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư