Ngân hàng vào cuộc hỗ trợ người dân, DN vượt khó

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), một số tổ chức tín dụng tín dụng bắt đầu triển khai chính sách giảm lãi suất cho vay từ 0,5% đến 1% với các khoản vay hiện hữu và các khoản vay mới để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão, lũ.
Nhiều ngân hàng đang tiếp tục làm rõ mức độ thiệt hại do bão Yagi gây ra để chung tay giúp các khách hàng vượt khó. Ảnh: Nhã Chi
Nhiều ngân hàng đang tiếp tục làm rõ mức độ thiệt hại do bão Yagi gây ra để chung tay giúp các khách hàng vượt khó. Ảnh: Nhã Chi

Tại các địa phương, chi nhánh NHNN và nhiều ngân hàng thương mại đang tiếp tục làm rõ mức độ thiệt hại, nắm bắt nhu cầu vốn cần thiết cho khôi phục sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, để chung tay giúp các khách hàng vượt khó.

Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, báo cáo của các địa phương đến 7h00 ngày 13/9/2024 ghi nhận, cả nước có 336 người chết, mất tích do bão Yagi; 202.094 ha lúa, 39.298 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 22.288 ha cây ăn quả, 1.848 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng… Cùng với đó, bão lũ đã tàn phá nhiều công trình hạ tầng giao thông, truyền tải điện, nhiều nhà máy, công cụ sản xuất và nhà cửa của người dân trên các tỉnh, thành.

Trên địa bàn TP. Hải Phòng, bà Nguyễn Thị Dung, Giám đốc NHNN Chi nhánh Hải Phòng cho biết, có tổng số 890 khách hàng với tổng dư nợ là 15.686 tỷ đồng bị ảnh hưởng sau bão. Các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề gồm: sản xuất kinh doanh và thương mại, với dư nợ 10.805 tỷ đồng; chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản, với dư nợ 1.965 tỷ đồng; cầu cảng, tàu bè đánh bắt thủy hải sản, doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sông, đường biển, với dư nợ 1.816 tỷ đồng; lĩnh vực kinh doanh khách sạn, homestay với dư nợ 1.100 tỷ đồng…

Tại Quảng Ninh, ông Nguyễn Đức Hiển, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Quảng Ninh thông tin, có 11.058 khách hàng, với tổng dư nợ 10.654 tỷ đồng (chiếm 5,6% tổng dư nợ toàn địa bàn) bị ảnh hưởng nặng nề do hậu quả cơn bão số 3; có một số khách hàng trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng rất lớn, trôi dạt mất bè nuôi thủy sản, gần như mất hết công cụ sản xuất…

Các ngân hàng có thể điều chuyển vốn giữa các chi nhánh, kế hoạch chỉ tiêu kinh doanh của chi nhánh để tạo nguồn hỗ trợ thiệt hại do bão lũ. Ảnh: Lê Tiên
Các ngân hàng có thể điều chuyển vốn giữa các chi nhánh, kế hoạch chỉ tiêu kinh doanh của chi nhánh để tạo nguồn hỗ trợ thiệt hại do bão lũ. Ảnh: Lê Tiên

Từ phía các ngân hàng thương mại, ông Đoàn Ngọc Lưu, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, theo thống kê sơ bộ, tại tỉnh Quảng Ninh có khoảng hơn 3.000 khách hàng của Agribank bị ảnh hưởng, tổng dư nợ hơn 5.000 tỷ đồng. Tại TP. Hải Phòng có khoảng 300 khách hàng bị ảnh hưởng, tổng dư nợ hơn 3.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ bị thiệt hại hơn 1.110 tỷ đồng.

Ông Lê Duy Hải, Phó Tổng giám đốc VietinBank thì chia sẻ, tính đến nay, có gần 200 khách hàng doanh nghiệp của Ngân hàng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 với dư nợ khoảng 18.000 tỷ đồng. VietinBank đang nhanh chóng đánh giá tổng thể thiệt hại của khách hàng trong toàn hệ thống để có biện pháp hỗ trợ phù hợp.

Tại Ngân hàng Vietcombank, thống kê đến ngày 12/9/2024 cho biết, có gần 6.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi, với tổng dư nợ khoảng 71.000 tỷ đồng, trong đó riêng tại địa bàn Hải Phòng, Quảng Ninh có 230 khách hàng bị ảnh hưởng với tổng dư nợ khoảng 13.300 tỷ đồng.

Để hỗ trợ, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, Vietcombank đã quyết định giảm lãi suất 0,5% trong giai đoạn từ ngày 6/9/2024 đến ngày 31/12/2024 đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Vietcombank dành dư nợ khoảng 130 nghìn tỷ cho việc này với dự kiến có gần 20.000 khách hàng sẽ được giảm lãi suất. Chương trình giảm lãi suất áp dụng cho dư nợ hiện hữu cũng như dư nợ vay mới của các khách hàng, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân ổn định sản xuất, tiếp tục sử dụng vốn tín dụng ngân hàng để gia tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng vừa quyết định giảm trực tiếp lãi suất cho vay cho tất cả các khách hàng cá nhân có khoản vay hiện hữu tại ngân hàng và có tài sản bảo đảm. Cụ thể, các khoản vay trung và dài hạn sẽ được VPBank giảm 1% lãi suất, các khoản vay ngắn hạn được giảm 0,5% lãi suất. Chương trình hỗ trợ lãi suất của VPBank được triển khai từ 13/9 đến hết 31/12/2024, áp dụng tại tất cả các tỉnh, thành phố đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão Yagi như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Nguyên, Yên Bái…

Làm việc với các tổ chức tín dụng mới đây, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú nhấn mạnh, trách nhiệm của ngành ngân hàng là chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp, cần áp dụng thêm những chính sách hỗ trợ trong vấn đề vay vốn để người dân có cơ hội làm ăn, tái sản xuất, từ đó mới có nguồn tiền hoàn trả lại ngân hàng. “Các tổ chức tín dụng nhanh chóng rà soát từng trường hợp khách hàng, làm rõ mức độ thiệt hại, nắm được những nguyện vọng, đề xuất của khách hàng. Hội sở chính các ngân hàng cũng cần xem xét điều chỉnh lại các cơ chế, chính sách, điều chuyển vốn giữa các chi nhánh, kế hoạch chỉ tiêu kinh doanh của chi nhánh…”, Phó Thống đốc chỉ đạo.

Cùng với đó, lãnh đạo NHNN yêu cầu chi nhánh các địa phương tiếp tục thống kê thiệt hại với ngành ngân hàng trên địa bàn, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức tín dụng, đảm bảo các chính sách của NHNN về hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhanh chóng đi vào cuộc sống. “Tuy nhiên, cần đảm bảo nguyên tắc hỗ trợ khách hàng nhưng không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến thiệt hại do bão Yagi gây ra, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, tính đến 17h00 ngày 12/9, qua số liệu báo cáo từ doanh nghiệp bảo hiểm, các doanh nghiệp đã tiếp nhận thông tin về thiệt hại của người dân, doanh nghiệp, với tổng số tiền phải chi trả ước tính khoảng 7.000 tỷ đồng. Đây là những số liệu sơ bộ ban đầu trong bối cảnh thiệt hại do bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra. Số liệu về số vụ tổn thất và giá trị chi trả bồi thường bảo hiểm vẫn chưa thống kê được toàn diện, đầy đủ.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư