Ngân hàng Quân đội nới room ngoại, nhiều ngân hàng sẽ theo chân?

Mặc dù chưa có chuyện cho nới room ồ ạt đối với cổ đông chiến lược nước ngoài và theo quy định hiện nay, nhà đầu tư tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa 30% vốn tại ngân hàng trong nước, song các nhà băng vẫn kỳ vọng sẽ sớm được nới thêm “room” nhằm thu hút nguồn vốn ngoại, tái cơ cấu ngân hàng.
Ngân hàng Quân đội nới room ngoại, nhiều ngân hàng sẽ theo chân?

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đồng ý cho MB điều chỉnh tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại HOSE từ 10% lên 20% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của MB. Ngày mở “room” chính thức là 19/2/2016. Theo đó, MB sẽ bổ sung thêm 160 triệu cổ phiếu cho giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài.

Theo đánh giá của CTCK HSC, việc MB được chấp thuận nới room từ 10% lên 20% tổng số cổ phiếu đang lưu hành sẽ giúp một số ngân hàng cổ đông hiện tại, sở hữu trên 5% cổ phần của MB, thoái vốn. Hiện tại, Vietcombank nắm 7,16% cổ phần của MB và MaritimeBank sở hữu 8,74%. Thực tế, trong phiên giao dịch cuối tuần qua, MaritimeBank đã chuyển nhượng thành công 64,2 triệu cổ phiếu MBB cho nhóm Dragon Capital.

Với mức trần “room” ngoại 30%, nhiêù ngân hàng trước đây vẫn mở một lượng nhỏ cho khối ngoại tự do giao dịch trên sàn, còn lại vẫn giữ phần lớn để “chờ” bán cho cổ đông chiến lược. Tuy nhiên, với tình hình khó tìm được đối tác chiến lược, khả năng nhiều ngân hàng sẽ nới tỷ lệ này, song song với việc kiến nghị mở thêm “room” của những ngân hàng đã kín sở hữu ngoại.

Ngay từ cuối năm 2015, thị trường đã rộ lên thông tin một số ngân hàng kiến nghị xin được nâng “room” cho nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, Tổng giám đốc VietinBank, ông Lê Đức Thọ cho biết, Ngân hàng đang đề xuất ý kiến lên Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về việc nới room. Theo đó, việc nới room có thể theo lộ trình lên 30%, 35%, 40% và những mức khác nữa. Tuy nhiên, đây mới chỉ là đề xuất và lĩnh vực ngân hàng có nhiều điểm đặc thù, nên mức độ và thời điểm sẽ do Chính phủ quyết định.

Gần đây, Chính phủ đã quyết định nới “room” cho một số doanh nghiệp niêm yết trên sàn không thuộc lĩnh vực kiểm soát, nắm giữ tỷ lệ nhất định. Những doanh nghiệp này đã được nới “room” lên mức tối đa là 100% kể từ tháng 9/2015 theo Nghị định 60/2015/NĐ-CP.

Đối với lĩnh vực ngân hàng, cho đến nay vẫn chưa có nhà băng “nội” nào được bán 100% vốn cho cổ đông chiến lược nước ngoài. Hiện mới có ABBank hoàn tất việc bán cổ phần cho đối tác chiến lược ngoại lên mức tối đa 30%, trong đó, MayBank nắm giữ 20%, IFC nắm giữ 10%. Dù vậy, ABBank đang muốn đề nghị Chính phủ được nới “room” đến 49% cho cổ đông ngoại.

SCB cũng cho hay, Ngân hàng sẽ tính đến chuyện thu hút thêm vốn từ nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ cao hơn quy định, sau khi đã bán 15% cổ phần cho cổ đông chiến lược ngoại trong các đợi tăng vốn trước.

Lãnh đạo một nhà băng cho biết, hiện tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại Ngân hàng là 15%. Với tỷ lệ này, Ngân hàng chưa thể cùng đối tác ngoại đẩy mạnh chiến lược tăng trưởng do nguồn vốn của nhà đầu tư ngoại rót vào còn hạn chế, khi “room” bị khống chế.

Trong khi đó, dù không phải đối mặt với áp lực buộc phải M&A để tồn tại, song để có thể tăng trưởng hơn nữa và phát triển bền vững trong tương lai, Ngân hàng vẫn cần tăng thêm năng lực tài chính. Nới “room” ngoại là điều kiện cần thiết bởi Ngân hàng không thể kỳ vọng thu hút được nguồn vốn đầu tư từ trong nước.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cũng cho hay, sau M&A, vốn điều lệ của ngân hàng ông đã đạt mức trên 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào thế giới và mở rộng cửa cho doanh nghiệp nước ngoài, việc mở “room” cho khối ngoại đối với các ngân hàng là cần thiết để tăng năng lực cạnh tranh.

Theo lộ trình hội nhập của Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN (AEC) tới năm 2020 sẽ xóa bỏ mọi rào cản và khác biệt trong ngành ngân hàng giữa các quốc gia nội khối.

Vì vậy, theo vị tổng giám đốc trên, cần thiết mở “room” cho đối tác ngoại để thu hút vốn, nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh; không chỉ là 30% như hiện tại mà cần tăng “room” lên đến 50%, thậm chí bán 100% cho đối tác ngoại. Điều này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ bật đèn xanh đối với các ngân hàng đang gặp khó khăn trong quá trình tái cấu trúc và cần thu hút thêm vốn.

Hiện trên thị trường Việt Nam đã có 7 ngân hàng 100% vốn nước ngoài đang hoạt động và từng bước mang lại nhiều dịch vụ tốt cho khách hàng. Việc có sự cạnh tranh ngày một gay gắt giữa các ngân hàng khi cung cấp dịch vụ sẽ giúp người tiêu dùng Việt Nam được hưởng lợi. Vì vậy, theo các nhà băng, được thu hút thêm vốn ngoại, với một tỷ lệ cao hơn “room” cho phép hiện nay sẽ giúp các ngân hàng nội có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn. Bởi không có sự phát triển nào mà không cần có sự giao thoa giữa yếu tố trong nước và quốc tế, kể cả với lĩnh vực tài chính.

Thực tế cho thấy, tại các nước trong khu vực ASEAN, các tổ chức tài chính có hình thức sở hữu rất đa dạng. Nhờ đó, các tổ chức tài chính này không những nâng cao khả năng cạnh tranh trong nước mà còn có cơ hội mở rộng hoạt động trong khu vực.

Mở “room” sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng trong nước thu hút vốn ngoại và đem lại cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, theo một chuyên gia tài chính, nhà đầu tư nước ngoài sẽ không tham gia vào ngân hàng với bất kỳ giá nào, nếu ngân hàng đó không có tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.

Bên cạnh đó, việc tăng thêm “room” cho nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng Việt Nam so với mức quy định hiện nay sẽ được Chính phủ cân nhắc kỹ lưỡng nên khó có chuyện ồ ạt cho nới “room”.

Chuyên đề