Lưới điện giải tỏa công suất Nhiệt điện Vân Phong 1: Thách thức “bủa vây”, không có đường lùi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cụm các dự án lưới điện cấp bách giải tỏa công suất Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 đang được Chính phủ, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quan tâm đặc biệt, bởi công trình thể hiện uy tín của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, việc đẩy nhanh tiến độ cụm dự án gặp không ít thách thức.
Thời hạn hoàn thành Dự án Đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân không chậm hơn tháng 12/2022. Ảnh: Tiên Giang
Thời hạn hoàn thành Dự án Đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân không chậm hơn tháng 12/2022. Ảnh: Tiên Giang

Vướng mắc từ nhiều phía

Theo hợp đồng ký kết với nhà đầu tư Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (Tập đoàn Sumitomo Corporation của Nhật Bản), tiến độ hoàn thành Dự án Đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân thuộc Cụm các dự án lưới điện cấp bách giải tỏa công suất Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 không chậm hơn tháng 12/2022.

Cụm dự án giải tỏa công suất Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 bao gồm: Dự án Trạm biến áp 500 kV Vân Phong và đấu nối; Dự án Đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân; Dự án Đường dây 500 kV đấu nối Trạm biến áp 500 kV Thuận Nam vào đường dây 500 kV Nhiệt điện Vân Phong - Nhiệt điện Vĩnh Tân. Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) - đơn vị được Chủ đầu tư giao quản lý, điều hành cụm dự án - cho biết, tính đến thời điểm này, tình hình thực hiện các dự án được kiểm soát, cơ bản đáp ứng kế hoạch. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện kế hoạch gặp thách thức do có không ít khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, đối với Dự án Trạm biến áp 500 kV Vân Phong và đấu nối, công tác kê kiểm các vị trí móng trụ và hành lang tuyến chậm tiến độ so với kế hoạch. “Tại các vị trí: 37, 38, 56, các hộ dân thuộc xã Ninh An (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) không hợp tác và không đồng ý cho kê kiểm, yêu cầu khi nào có giá đất cụ thể tính giá trị bồi thường thì mới cho làm. Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường chưa trình giá và tham mưu UBND Tỉnh phê duyệt giá đất cụ thể; chưa xác minh nguồn gốc đất”, CPMB chia sẻ.

Tương tự, việc đẩy nhanh tiến độ Dự án Đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân cũng gặp khó. Một số gói thầu đang bị chậm tiến độ. Điển hình như Gói thầu số 5 phải dừng thi công 12/12 vị trí móng do phát hiện gian lận trong đấu thầu, phải hủy hợp đồng với nhà thầu thi công. “Dự kiến, tháng 12/2021, hợp đồng triển khai tiếp gói thầu này mới được ký kết”, đại diện CPMB cho biết.

Tại Gói thầu số 6, nhà thầu chưa thi công 16 vị trí móng do 14 vị trí phải chờ quyết định chuyển đổi đất rừng; 2 vị trí đang thương lượng đền bù đường thi công. Trong khi đó, vị trí 63, 64 đang thi công thì gặp đá nên công tác thi công đào móng chậm. Thời tiết mưa nhiều ngày liên tục cũng ảnh hưởng tiến độ Dự án.

Tại Gói thầu số 7, hiện còn 6 vị trí móng đã bàn giao nhưng chưa thi công do 5 vị trí đang phải vận động thỏa thuận đường vào thi công…

“Nếu những vướng mắc này không được giải quyết sớm thì có thể ảnh hưởng đến tiến độ chung của các dự án”, đại diện Phòng Kế hoạch thuộc CPMB lo ngại.

Chỉ có đường tiến

Theo CPMB, quá trình thi công các dự án truyền tải điện gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc khó có thể lường hết được vì công trình phải qua nhiều địa hình rừng núi phức tạp, thi công rất vất cả. Có khi nhà thầu đã làm được đường vào vị trí móng để thi công nhưng chỉ sau một trận mưa, con đường có thể bị xóa sạch. Không chỉ tiến độ mà nhà thầu còn bị ảnh hưởng cả kinh tế...

Với ý nghĩa quan trọng của cụm dự án, CPMB nhấn mạnh, tiến độ cụm dự án này chỉ có đường tiến, không có đường lùi. Vì vậy, EVN, EVNNPT, CPMB cùng các nhà thầu quyết tâm cao nhất để đưa công trình về đích đúng tiến độ theo hợp đồng. Theo đó, những nhà thầu nào chây ì về tiến độ, vi phạm hợp đồng sẽ bị xử lý nghiêm.

Để thúc đẩy tiến độ các dự án, trước đó, EVN đã có văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận hỗ trợ giải quyết nhanh các thủ tục có liên quan đến nội dung chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng để có thể hoàn thành các thủ tục pháp lý về rừng trước 31/12/2021.

Tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo UBND các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận mới đây, ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN đề nghị các địa phương này chỉ đạo hoàn thành từng thủ tục pháp lý trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng để bàn giao tất cả các vị trí móng và mặt bằng trạm của dự án chậm nhất là 30/12/2021, bàn giao hành lang an toàn lưới điện chậm nhất là tháng 6/2022.

Chuyên đề