Quy mô kinh tế của Thanh Hóa năm 2024 ước đạt 318.752 tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước. Ảnh: Lê Tiên |
Nhiều kết quả tích cực
Nghị quyết số 58-NQ/TW vạch ra những đường hướng cơ bản và tổng quát nhất cho Thanh Hóa, với tương lai gần (đến năm 2030) là một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc. Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngày 13/11/2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 37/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa.
Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 37/2021/QH15, Thanh Hóa đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 ước đạt 11,72%, vượt mục tiêu đề ra (11%), đứng thứ 3 cả nước. Quy mô kinh tế của Tỉnh năm 2024 ước đạt 318.752 tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước và đứng thứ nhất trong các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.
Thu ngân sách nhà nước hàng năm của Thanh Hóa nằm trong nhóm các địa phương có số thu cao nhất cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2024 ước đạt 186.174 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân hàng năm ước đạt 10,5%, vượt kế hoạch đề ra (tăng 10% trở lên).
Giai đoạn 2021 - 2024, Tỉnh thu hút được 256 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó có 38 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 45.900 tỷ đồng và 463,7 triệu USD. Một số dự án lớn, trọng điểm được đầu tư tại Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp trên địa bàn Tỉnh như: Nhà máy Luyện cán thép DST Nghi Sơn (5.500 tỷ đồng), Nhà máy Sản xuất cấu kiện bê tông cốt thép công nghệ cao Đại Dương (1.099 tỷ đồng), Nhà máy Sản xuất vải Billion Union Việt Nam (70 triệu USD), Khu công nghiệp Phú Quý (555 triệu USD)…
Về triển khai các chính sách đặc thù, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đánh giá, một số chính sách chậm áp dụng do các nguyên nhân khách quan như dịch Covid-19, tình hình thế giới diễn biến khó lường, thời gian đầu việc triển khai gặp nhiều vướng mắc liên quan đến phạm vi, thành phần hồ sơ, thủ tục phải xin ý kiến hướng dẫn của Trung ương do đây là các chính sách mới. Nhưng đến nay, các nghị định hướng dẫn, quy định về trình tự, hồ sơ, thủ tục thực hiện chính sách đặc thù đã được ban hành, mới nhất là Nghị định số 134/2024/NĐ-CP về chính sách tăng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn.
Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu tại Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 ước tính đến hết năm 2024 |
“Mở khóa” tiềm năng
Trong 8 chính sách đặc thù phát triển Thanh Hóa, Tỉnh đánh giá 3 chính sách có tiến độ thực hiện đảm bảo, đã phát huy hiệu quả, cần tiếp tục áp dụng, gồm: chính sách về định mức phân bổ chi thường xuyên; chính sách ủy quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng đất; chính sách phân cấp thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị.
Đơn cử, theo quy định về định mức phân bổ chi thường xuyên, Thanh Hóa được phân bổ thêm 45% số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết số 37/2021/QH15. Căn cứ quy định và tình hình thực tế, nguồn bổ sung tăng thêm 45% đã được HĐND Tỉnh phê duyệt phương án sử dụng trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm để phục vụ việc thực hiện các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và giai đoạn 2021 - 2025 của Tỉnh...
Việc áp dụng chính sách ủy quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng đất đã tăng cường phân cấp, bảo đảm sự chủ động cho địa phương và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất so với quy định, góp phần tạo môi trường thông thoáng, nâng cao sức cạnh tranh trong việc thu hút các dự án đầu tư lớn.
Bốn chính sách đặc thù gồm: để lại không quá 70% số tăng thu từ xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn; phí, lệ phí; thu từ xử lý nhà, đất; ủy quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng được Tỉnh đánh giá sẽ phát huy hiệu quả trong thời gian tới, góp phần huy động nguồn lực bổ sung cho đầu tư phát triển.
Nhờ chính sách để lại không quá 70% số tăng thu từ xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn, năm 2023, Thanh Hóa được ngân sách trung ương phân bổ trở lại 3.000 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, Tỉnh đã phân bổ số vốn này cho 23 dự án đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, di dân, tái định cư trong Khu kinh tế Nghi Sơn. Ngày 21/10/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 134/2024/NĐ-CP hướng dẫn cách xác định số thu Tỉnh được hưởng theo chính sách đặc thù này. Đây là nguồn lực quan trọng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng Khu kinh tế Nghi Sơn.
Đối với chính sách về mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách Tỉnh được hưởng theo phân cấp, Tỉnh đề nghị dừng áp dụng do 3 hình thức vay vốn theo chính sách này (thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ cho Tỉnh vay lại) đều phải trả nợ gốc, lãi suất tương đối cao và phải chịu nhiều điều kiện ràng buộc của tổ chức cho vay vốn. Trong khi đó, hàng năm, Tỉnh vẫn phải nhận hỗ trợ cân đối từ ngân sách trung ương, nên việc xác định nguồn vốn để trả nợ gốc và lãi vay là hết sức khó khăn. Bên cạnh đó, bội chi các năm qua của Tỉnh đều ở mức hạn chế do còn phụ thuộc vào trần nợ công của cả nước được Quốc hội quyết định và tiến độ giải ngân theo kế hoạch của các dự án vay. Do tỷ lệ giải ngân của các dự án sử dụng vốn vay đạt thấp, nên Trung ương chỉ giao kế hoạch cho Tỉnh ở mức vừa phải, chưa bằng số kế hoạch đăng ký và thấp hơn nhiều so với hạn mức dư nợ vay theo cơ chế đặc thù.
Tại Phiên họp thường kỳ của UBND tỉnh Thanh Hóa cho ý kiến về nội dung báo cáo sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 37/2021/QH15, Chủ tịch UBND Tỉnh Đỗ Minh Tuấn cho rằng, quá trình triển khai Nghị quyết phải cân nhắc để lựa chọn được cơ chế và lĩnh vực riêng, phù hợp với Thanh Hóa, một mặt tận dụng tối đa dư địa chính sách, mặt khác cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi những chính sách không phù hợp, khó triển khai và không mang lại hiệu quả thực sự.