Thừa Thiên Huế tận dụng nguồn vốn quý từ cơ chế đặc thù

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 38/2021/QH15 (có hiệu lực từ 01/01/2022 - 01/01/2026) về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế, các chính sách liên quan đến quản lý tài chính, ngân sách nhà nước đã góp phần tạo “cú hích” trong đầu tư hạ tầng kinh tế, xã hội trên địa bàn, góp phần đưa Tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Nhờ cơ chế đặc thù, Thừa Thiên Huế được bố trí hàng trăm tỷ đồng từ nguồn thu phí tham quan di tích để trùng tu, tôn tạo gần 70 di tích, di sản. Ảnh: Lê Tiên
Nhờ cơ chế đặc thù, Thừa Thiên Huế được bố trí hàng trăm tỷ đồng từ nguồn thu phí tham quan di tích để trùng tu, tôn tạo gần 70 di tích, di sản. Ảnh: Lê Tiên

Thêm 1.500 tỷ đồng cải thiện hạ tầng

Tuyến ống thu nước thải cho khu A Khu đô thị An Vân Dương và thoát nước thải bổ sung các khu vực còn lại thuộc Gói thầu H/LCB/5 đã cơ bản hoàn thành; kè sông Như Ý đoạn từ Đập Đá đến cầu Vân Dương thuộc Gói thầu H/LCB/6 đã hoàn thành 100% khối lượng; cầu vòm đã thông kỹ thuật và nạo vét được 21.000 m3 cát, đất tận dụng đắp thân kè; bãi đỗ xe thi công lát đá granit và hoàn thiện 1 km bê tông mặt đường với khối lượng thực hiện đạt 89,4% giá trị hợp đồng; kè cọc dự ứng lực sông Như Ý, khu vực bao quanh Nhà máy xử lý nước thải thuộc Gói thầu H/LCB/8 đã thi công hoàn thành 94,8% giá trị hợp đồng. Đây là các gói thầu thuộc Dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế với tổng vốn đầu tư khoảng 5.052 tỷ đồng, trong đó có một phần vốn từ nguồn ODA mà địa phương này được vay lại theo cơ chế, chính sách đặc thù.

Liên quan đến nguồn ODA mà Thừa Thiên Huế được vay lại theo cơ chế đặc thù, Dự án Xây dựng cầu dân sinh và quản lý đường địa phương LRAMP (tổng mức đầu tư gần 60 tỷ đồng) xây dựng 16 cầu trên địa bàn huyện, thị xã đã bổ sung những công trình hạ tầng quan trọng để người dân đi lại thuận tiện, phát triển kinh tế - xã hội.

Cũng nhờ được vay lại nguồn vốn theo cơ chế, chính sách đặc thù mà gần 2.000 nhân khẩu xã Phú Sơn (thị xã Hương Thủy) từ vài năm nay được sử dụng nước sinh hoạt từ hệ thống cung cấp nước sạch; 4 nhà văn hóa, nhà tránh lũ, 3 công viên, 6 đường bê tông, 1 hệ thống điện chiếu sáng… của TP. Huế đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng, giúp người dân có nơi sinh hoạt cộng đồng, trú tránh lũ…

Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế cho biết, theo Nghị quyết số 38/2021/QH15 (Nghị quyết 38), số kinh phí địa phương được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho Tỉnh vay lại với tổng dư nợ không quá 40% số thu ngân sách Tỉnh được hưởng theo phân cấp theo quy định đến nay là 1.500,493 tỷ đồng, bằng 34,6% so với dư nợ hạn mức vay theo quy định. Nguồn vốn này đã góp thêm cho địa phương triển khai 7 dự án, gồm: Dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế 1.250 tỷ đồng; Dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II - các đô thị xanh; Dự án Xây dựng cầu dân sinh và quản lý đường địa phương LRAMP; Dự án Sửa chữa và nâng cấp an toàn 9 hồ đập; Dự án Tăng cường cơ sở quản lý dữ liệu đất đai; Dự án Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp; Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng khu vực tiểu vùng Mê Kông mở rộng - giai đoạn 2; Dự án Cải thiện môi trường nước phía Bắc TP. Huế; Dự án Phát triển đô thị tổng hợp Thừa Thiên Huế thích ứng biến đổi khí hậu; Dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương.

Đến thời điểm này, có 6 dự án đã kết thúc hiệp định vay (ngoại trừ Dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II - các đô thị xanh). Các dự án khi đưa vào sử dụng đã cải thiện đời sống, giúp người dân đi lại thuận tiện và an toàn, tận dụng được kết cấu hạ tầng, bao gồm cảng biển, sân bay của Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng, thúc đẩy hoạt động du lịch - kinh tế, thương mại và liên kết khu vực.

Hưởng lợi từ chi thường xuyên, đầu tư thiết chế văn hóa

Cơ chế mới tại Nghị quyết số 38 cho phép Thừa Thiên Huế được phân bổ thêm 45% số chi tính theo định mức dân số, nâng dự toán chi thường xuyên các năm 2022 - 2024. Theo đó, năm 2022, dự toán chi thường xuyên của Thừa Thiên Huế là 7.221 tỷ đồng, tăng 371 tỷ đồng so với năm 2021; năm 2023 là 7.736 tỷ đồng, tăng 359 tỷ đồng so với năm 2022; năm 2024 là 8.528 tỷ đồng, tăng 990 tỷ đồng so với 2023.

Ngoài ra, ngân sách Tỉnh cũng được bố trí đầu tư tương ứng số thu phí tham quan di tích nộp vào ngân sách nhà nước để trùng tu di tích lịch sử - văn hóa. Trong năm 2022, tổng số thu phí tham quan di tích trên địa bàn Thừa Thiên Huế đạt 199,111 tỷ đồng; năm 2023, thu từ tiền bán vé tham quan 355,938 tỷ đồng; năm 2024 tính đến 30/6, tổng thu từ bán vé tham quan đạt 224,698 tỷ đồng. Đến nay, nhờ cơ chế đặc thù, Thừa Thiên Huế được bố trí 451,575 tỷ đồng từ nguồn thu phí tham quan di tích để trùng tu, tôn tạo gần 70 di tích, di sản.

6 cơ chế, chính sách đặc thù với tỉnh Thừa Thiên Huế: Cho phép để lại nguồn thu từ phí tham quan di tích để phục vụ công tác trùng tu di tích lịch sử - văn hóa; thành lập Quỹ bảo tồn di sản; nâng mức trần vay lên 40% để phát triển đô thị; phân bổ thêm 45% số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên; ngân sách tỉnh được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất; cho phép Tỉnh để lại 70% thuế xuất nhập khẩu vượt chỉ tiêu được giao.

Ngoài ra, chính sách để lại không quá 70% phần tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu cũng bổ sung thêm nguồn vốn cho địa phương. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế, dù nguồn này hiện không lớn, nhưng khi Tỉnh triển khai thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây thì dự kiến nguồn tăng thuế XNK sẽ đạt 200 tỷ đồng/năm, tương ứng Tỉnh sẽ được hưởng khoảng 140 tỷ đồng. Cơ chế đặc thù còn góp phần tăng lượng hàng hóa qua cảng Chân Mây, tạo nên thế và lực trong kêu gọi đầu tư.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế, cơ chế, chính sách đặc thù đã và đang phát huy hiệu quả, hiện thực hóa mục tiêu đưa Tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 54-NQ/TW.

Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 38, Thừa Thiên Huế nhận thấy việc đề xuất các cơ chế, chính sách cho xây dựng và phát triển địa phương chưa nhiều, chưa đủ mạnh để khai thác, phát huy nội lực, thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế trong nước và quốc tế. Trong đó, thiếu cơ chế, chính sách tạo đột phá trong phát triển nhanh và bền vững Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô; đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và Vườn quốc gia Bạch Mã; các cơ chế chính sách đặc thù để phát triển 4 trung tâm: văn hóa - du lịch; y tế chuyên sâu; khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.

Để tiếp tục tạo sức bật cho Thừa Thiên Huế bứt phá vươn lên, sau khi kết thúc thời hạn Nghị quyết 38, Tỉnh đề xuất cho phép tiếp tục kéo dài thực hiện trong giai đoạn sau đối với các cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đã ban hành; cho phép xây dựng Nghị quyết sửa đổi, bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đưa vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2025.

Chuyên đề