Luật sư Đặng Dương Anh (VILAF - Hồng Đức): Trao quyền tự chủ cho DN có trên 50% vốn góp của DNNN

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Phương án mở rộng đối tượng áp dụng Luật Đấu thầu bao gồm dự án đầu tư của doanh nghiệp có trên 50% vốn thuộc sở hữu của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được đưa ra lấy ý kiến của Quốc hội đang nhận được sự quan tâm của dư luận.
Việc mở rộng đối tượng áp dụng của Luật Đầu thầu có thể ảnh hưởng đến sự linh hoạt và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp mà doanh nghiệp nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Ảnh: St
Việc mở rộng đối tượng áp dụng của Luật Đầu thầu có thể ảnh hưởng đến sự linh hoạt và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp mà doanh nghiệp nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Ảnh: St

Luật sư Đặng Dương Anh - Thành viên cao cấp Chi nhánh Công ty Luật TNHH Quốc tế Việt Nam (VILAF - Hồng Đức) cho rằng, việc mở rộng đối tượng như vậy là khác với tinh thần của Luật Doanh nghiệp và mâu thuẫn với nguyên tắc quản lý hoạt động của DN có vốn đầu tư của DNNN.

Ông đánh giá thế nào về phương án mở rộng phạm vi áp dụng của Luật Đấu thầu đối với công ty con của DNNN?

Việc mở rộng đối tượng áp dụng của Luật Đấu thầu theo phương án trên sẽ ảnh hưởng đến sự linh hoạt và hiệu quả trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của các DN mà DNNN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Nếu thực hiện theo phương án này sẽ làm tăng gánh nặng về chi phí, thời gian, thủ tục hành chính và làm giảm cơ hội, tính cạnh tranh và hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN, chủ yếu bao gồm các công ty liên doanh giữa DNNN với các nhà đầu tư nước ngoài và các DN khác thuộc khối tư nhân. Nếu phương án này được thông qua và áp dụng sẽ tác động tiêu cực đến quyết định của các nhà đầu tư nước ngoài đang cân nhắc đầu tư và thành lập liên doanh với các DNNN, cũng như tạo tâm lý tiêu cực cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang là một bên trong liên doanh với các DNNN; làm giảm lợi thế cạnh tranh về đầu tư của Việt Nam.

Luật sư Đặng Dương Anh

Luật sư Đặng Dương Anh

Trong các DN vừa có phần vốn góp của DNNN, vừa có phần vốn góp của các DN khác thuộc khối tư nhân (bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước), lợi ích của DNNN và các nhà đầu tư thuộc khối tư nhân, với tư cách là cổ đông hoặc thành viên góp vốn, đã được bảo vệ và rủi ro đã được chia sẻ thông qua cơ chế quản trị DN được xác lập tại Luật Doanh nghiệp và các nghị định, thông tư, quy chế hướng dẫn thi hành. Do vậy, việc áp dụng quy định của Luật Đấu thầu đối với dự án, gói thầu của các DN nêu trên, vừa triệt tiêu hiệu quả hoạt động quản trị DN theo Luật Doanh nghiệp, vừa trì hoãn tiến độ vận hành sản xuất kinh doanh của các DN.

Ông vừa nói về Luật Doanh nghiệp, vậy tinh thần của Luật này như thế nào?

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, DN trong đó DNNN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ không được xem là DNNN. Luật Doanh nghiệp cũng không có nhóm quy định về cơ chế quản lý riêng biệt đối với DN có vốn góp của DNNN tương tự như đối với DNNN. Quan điểm và tinh thần thống nhất của Luật Doanh nghiệp là đảm bảo tính độc lập, tự chủ trong việc tổ chức và vận hành sản xuất, kinh doanh của DN có vốn góp của DNNN tương tự như DN trong khối tư nhân mà không lệ thuộc vào các quy định riêng biệt về quản lý DNNN.

Mặt khác, phương án này không bảo đảm các quyền kinh doanh cơ bản của DN không phải DNNN được quy định tại Điều 7 Luật Doanh nghiệp như quyền “tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh”, quyền “lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn”.

Còn đối với Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN thì sao, thưa ông?

Việc mở rộng đối tượng áp dụng của Luật Đấu thầu như phương án trên sẽ mâu thuẫn với tinh thần và nguyên tắc quản lý hoạt động của DN có vốn đầu tư của DNNN.

Khác với việc quản lý vốn nhà nước đầu tư tại các DNNN, việc quản lý vốn đầu tư ra ngoài của DNNN được quy định theo nhóm quy định riêng, cụ thể là tại Điều 28 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN và Mục 2 Chương III Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN.

Tinh thần và nguyên tắc của các văn bản pháp luật nêu trên là tập trung quản lý, giám sát, sử dụng hiệu quả phần vốn góp của DNNN trong các công ty con của DNNN (chủ yếu là các công ty con do DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ) thông qua cơ chế đại diện sở hữu phần vốn góp của DNNN tại các DN này, mà không can thiệp đến tính độc lập, tự chủ và linh hoạt trong việc vận hành, sản xuất, kinh doanh của các DN có vốn góp của DNNN. Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN và Nghị định 91/2015/NĐ-CP (cụ thể là Điều 23 Nghị định 91/2015/NĐ-CP) chỉ yêu cầu DNNN phải tuân thủ các quy định về đấu thầu trong hoạt động đầu tư và mua sắm của DNNN; mà không yêu cầu các công ty con hay công ty liên kết của các DNNN đó cũng phải tuân theo các quy định về đấu thầu.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Chuyên đề