Hài hòa quản lý vốn nhà nước và quyền tự chủ của doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo nhiều ý kiến, việc quản lý hoạt động lựa chọn nhà thầu của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cần hài hòa giữa việc quản lý chặt chẽ vốn nhà nước và tôn trọng quyền tự chủ, quyết định kinh doanh của DN theo tinh thần của Nghị quyết 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN. Đồng thời, quy định của pháp luật về đấu thầu cũng cần đồng bộ, tránh chồng chéo với hệ thống pháp luật khác có quản lý hoạt động của DNNN.
Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) quy định áp dụng Luật Đấu thầu đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu của doanh nghiệp nhà nước thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 88 Luật Doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên
Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) quy định áp dụng Luật Đấu thầu đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu của doanh nghiệp nhà nước thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 88 Luật Doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên

Nghị quyết số 12-NQ/TW khẳng định quan điểm DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng với DN thuộc các thành phần kinh tế khác theo quy định của pháp luật… Tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước với chức năng quản lý nhà nước đối với mọi loại hình DN, chức năng quản trị kinh doanh của DNNN.

Theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN (Luật số 69), vốn nhà nước sau khi đầu tư vào DNNN là vốn của DNNN. Luật số 69 đã phân định rạch ròi giữa nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tại DNNN và nguồn vốn của DNNN đầu tư tại DN khác để áp dụng cơ chế quản lý phù hợp.

Để phù hợp quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 12-NQ/TW, đồng bộ với pháp luật liên quan, Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) quy định áp dụng Luật Đấu thầu đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu của DNNN thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 88 Luật DN, đồng thời bãi bỏ Điểm c Khoản 1 Điều 1 Luật Đấu thầu hiện hành để không áp dụng Luật này đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu thuộc các dự án có sử dụng vốn nhà nước, vốn của DNNN từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án.

Liên quan đến nội dung này, một số ý kiến đề nghị cần áp dụng Luật đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu của cả DNNN và DN có trên 50% vốn điều lệ của DNNN, để tránh tạo khoảng trống pháp luật trong quản lý vốn nhà nước tại DN.

Quy định tại Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) được xây dựng nhằm bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Quy định tại Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) được xây dựng nhằm bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo Cơ quan soạn thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), nếu điều chỉnh cả đối với gói thầu thuộc dự án đầu tư của DN có trên 50% vốn thuộc sở hữu của DNNN, sẽ không bảo đảm quyền tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh, quyền lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn của DN theo quy định tại Điều 7 của Luật DN. Việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN còn chịu sự điều chỉnh của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN. Hoạt động lựa chọn nhà thầu của các DN do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống và DN có cổ phần, vốn góp của DNNN đã được giao cho người đại diện vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của DNNN tại DN quyết định và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Việc tiếp tục mở rộng hơn nữa đối tượng DN phải tuân thủ Luật Đấu thầu sẽ dẫn đến mâu thuẫn, chồng chéo trong quản lý phần vốn nhà nước đầu tư tại DN, làm giảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách diễn ra tháng 4/2023, đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình), Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, lợi ích Nhà nước cần được bảo vệ, nhưng cũng phải cân bằng với sự linh hoạt của hoạt động sản xuất, kinh doanh và phù hợp thực tiễn. Xét về mặt lợi ích cần bảo vệ thì tại loại hình công ty con có sở hữu trên 50% vốn của DNNN, lợi ích của Nhà nước và lợi ích của các nhà đầu tư tư nhân là tương đương nhau. Bản thân các nhà đầu tư tư nhân cũng có những cơ chế bảo vệ lợi ích của mình trong DN, thậm chí trong một số trường hợp, cơ chế bảo vệ lợi ích của họ tốt không kém hoặc là tốt hơn cổ đông Nhà nước, ông Hiếu nhận xét. Hiện nay nhiều DNNN cũng đã thiết kế những quy trình, thủ tục đấu thầu phù hợp, vừa bảo đảm sự nhanh nhạy kịp thời, vừa bảo đảm tốt nhất lợi ích của các cổ đông và của chính DN theo yêu cầu thực tế. Ông Hiếu cho rằng không nên mở rộng áp dụng Luật Đấu thầu với đối tượng là công ty con có trên 50% vốn của DNNN.

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cũng cho rằng, quy định như Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) không làm giảm phạm vi và hiệu lực quản lý nhà nước về đấu thầu, đồng thời bảo đảm được quyền tự chủ và quyền quyết định kinh doanh của DN.

Từ thực tế của VNPT, một cán bộ quản lý công tác đấu thầu của VNPT Net cho rằng, DNNN đã góp vốn thì quản lý trên vốn thông qua người đại diện phần vốn của DNNN tại DN, thất thoát, làm sai, thua lỗ thì phải chịu trách nhiệm. Theo cán bộ này, việc quản lý chặt là cần thiết, nhưng chặt chưa chắc đã hiệu quả với công ty con có vốn DNNN góp vào. Ví dụ DNNN góp 50% thì các cổ đông khác cũng có 50% vốn, có quyền quyết định và cơ chế bảo vệ đồng vốn của mình đã đầu tư. Các công ty con hoạt động độc lập, có quyền tự chủ, quản lý hoạt động đầu tư, kinh doanh theo quy định pháp luật và điều lệ công ty. Nhiều trường hợp việc quyết định nhanh, kịp thời giúp DN chớp được thời cơ, chiếm ưu thế trong kinh doanh nhờ tận dụng được tính thời điểm, đem lại lợi nhuận cao hơn.

Khi góp ý cho Dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu thì nhiều địa phương, bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước đồng tình phương án Chính phủ trình. Nhiều ý kiến nhấn mạnh cần theo quan điểm Nhà nước góp vốn vào DN, nhưng khi DN đầu tư vào công ty con thì phần vốn đó phải xác định là vốn của DN và quản lý theo cơ chế của công ty con đó để tạo sự linh hoạt, chủ động, tự chịu trách nhiệm của DN.

Theo Đại biểu Dương Khắc Mai, Luật DN năm 2014 quy định DNNN là DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Đến Luật DN năm 2020, đối tượng DN được xác định là DNNN đã được mở rộng hơn, không chỉ là DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ mà còn bao gồm cả DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) quy định DNNN thuộc các đối tượng nêu trên phải tuân thủ Luật Đấu thầu, do vậy đối tượng DNNN chịu sự điều chỉnh mở rộng hơn so với Luật Đấu thầu 2013, không thu hẹp phạm vi điều chỉnh của Luật đối với các DNNN.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư