Lo ngại tín dụng vào lĩnh vực rủi ro

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong khi nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19, lĩnh vực chứng khoán và bất động sản vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực biểu hiện qua mức nộp thuế tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Đây là điểm tích cực với nguồn thu ngân sách nhà nước, song cũng là một chỉ báo cho thấy cần cẩn trọng với dòng vốn tín dụng đổ vào các lĩnh vực rủi ro thay vì thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Lĩnh vực bất động sản đạt kết quả kinh doanh rất khả quan trong 7 tháng đầu năm nay. Ảnh: Lê Tiên
Lĩnh vực bất động sản đạt kết quả kinh doanh rất khả quan trong 7 tháng đầu năm nay. Ảnh: Lê Tiên

Số liệu từ Tổng cục Thuế cho biết, thu ngân sách nhà nước 7 tháng đầu năm đạt khá chủ yếu do tình hình kinh tế hồi phục từ những tháng cuối năm 2020 duy trì cho đến nửa đầu năm 2021 và tăng thu đột biến từ một số nguồn thu do được hưởng lợi từ các chính sách tài khóa, tiền tệ mà Chính phủ đã triển khai thực hiện trong năm 2020. Trong đó, một số ngành tăng trưởng khá như: ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, sản xuất, lắp ráp ô tô...

Trên thị trường bất động sản, cùng với sự tăng trưởng cuối năm 2020 và đầu năm 2021, nhiều dự án bất động sản được chuyển nhượng làm tăng thu thuế khoảng 61,7% so với cùng kỳ năm 2020, tương ứng khoảng 9.500 tỷ đồng. Thu từ hoạt động kinh doanh chứng khoán tăng khoảng 3.000 tỷ đồng, gấp 2,47 lần cùng kỳ năm trước.

Báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng cho biết, thị trường nhà ở trong quý II/2021 cơ bản vẫn phát triển ổn định, giá giao dịch tại hầu hết các địa phương có xu hướng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020.

Theo tổng hợp số liệu từ Sở Xây dựng các địa phương có báo cáo, trong quý II/2021 có 29.949 giao dịch bất động sản thành công; tổng lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền chuyển nhượng bình quân bằng khoảng 118% so với quý trước và bằng khoảng 101% so với cùng kỳ năm 2020.

Những con số trên cho thấy, lĩnh vực bất động sản và chứng khoán đạt kết quả kinh doanh rất khả quan trong 7 tháng đầu năm nay. Trong khi đó, dòng tín dụng hiện tại khá dồi dào. Một số ngân hàng cho biết vừa được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm nay từ 3 đến 5 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, hưởng ứng chủ trương giảm lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), 16 ngân hàng thương mại cho biết sẽ dành khoảng 20,3 nghìn tỷ đồng vốn tín dụng giá rẻ hơn để cho vay hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh.

Điều này gây quan ngại về khả năng dòng tín dụng đổ vào thị trường chứng khoán, bất động sản nếu đây là những kênh sinh lời tốt và việc giám sát sử dụng vốn tín dụng thiếu chặt chẽ.

Tuy nhiên, kết quả cuộc điều tra xu hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD) do NHNN thực hiện tháng 6/2021 cho thấy, các ngân hàng thương mại có xu hướng thận trọng với tín dụng chứng khoán và bất động sản.

Cụ thể, đánh giá về 6 tháng cuối năm 2021, các TCTD dự kiến “nới lỏng nhẹ” tiêu chuẩn tín dụng tổng thể đối với hầu hết các nhóm khách hàng, trong khi vẫn dự kiến “thắt chặt” đối với lĩnh vực “đầu tư kinh doanh chứng khoán”, “đầu tư kinh doanh bất động sản”, “kinh doanh tài chính, ngân hàng, bảo hiểm” và “đầu tư, kinh doanh du lịch”.

Từ phía cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện cam kết giảm lãi suất, các ngân hàng sẽ phải thường xuyên báo cáo kết quả. NHNN cũng tiếp tục giám sát và theo dõi chặt dòng tiền vào thị trường bất động sản và chứng khoán.

Tuy nhiên, theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, người đi vay có động lực đổ tiền vào lĩnh vực chứng khoán và bất động sản. Bởi lẽ, thị trường chứng khoán dù có biến động nhưng nhìn chung vẫn là kênh có khả năng sinh lời. Thị trường bất động sản giữ giá và có giao dịch trên một số phân khúc thị trường. Trong khi đó, các kênh giải ngân khác tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn.

“Việc giám sát của cơ quan chức năng và chủ trương siết tín dụng của ngân hàng thương mại có phần làm cho người muốn vay để đầu tư lĩnh vực chứng khoán và bất động sản không dễ dàng như trước, nhưng người vay vẫn có thể lách bằng cách lập hồ sơ vay sản xuất kinh doanh và có tài sản bảo đảm, nhưng sau đó lại dùng vốn vay để đầu tư chứng khoán hoặc bất động sản. Do đó, việc tiếp tục giám sát chặt chẽ sử dụng vốn là yêu cầu cần thiết trong bối cảnh hiện nay”, ông Hiếu nêu quan điểm.

Chuyên đề