Ngăn rủi ro “bong bóng” tài sản: Hạn chế lách luật để sử dụng vốn sai mục đích

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Yêu cầu làm rõ quy hoạch các dự án đất, kiểm soát các giao dịch trên thị tường để “cắt cơn sốt đất ảo” tại nhiều địa phương, đồng thời, giám sát chặt chẽ dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán là những giải pháp cần thiết và hiệu quả để ngăn rủi ro bong bóng tài sản trên thị trường hiện nay.
Thị trường bất động sản đã dần được kiểm soát và ổn định hơn nhưng không thể lơ là, chủ quan. Ảnh: Song Lê
Thị trường bất động sản đã dần được kiểm soát và ổn định hơn nhưng không thể lơ là, chủ quan. Ảnh: Song Lê

Từ đầu năm đến nay, bất động sản có những đợt tăng nóng ở nhiều khu vực, thị trường chứng khoán vẫn duy trì đà tăng điểm cao. Trên thị trường thế giới, giá bất động sản và chứng khoán cũng có bước tăng sốc do tác động từ các gói nới lỏng tiền tệ lớn từ chính phủ các nước gây quan ngại về rủi ro bong bóng tài sản. Tại Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần thứ 57 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề: “Bất động sản nhiều nơi tăng mạnh trong quý I. Thị trường chứng khoán cũng tăng điểm đáng kể và “lệch” so với nền kinh tế thực. Hai thị trường này cùng biến động mạnh sẽ gây ra bất ổn tiềm ẩn với kinh tế vĩ mô. Đây là vấn đề rất lớn cần phân tích để tìm giải pháp tận dụng tối đa chính sách tài khóa, tiền tệ thúc đẩy phát triển kinh tế nhưng vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô”.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, sau khi giá bất động sản tăng đột biến trong tháng 3 và tháng 4 năm nay, Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt, NHNN tổ chức hội nghị với toàn hệ thống ngân hàng để cùng phân tích và đưa ra cảnh báo với các tổ chức tín dụng về những rủi ro tiềm ẩn với các khoản vay trong lĩnh vực bất động sản và chứng khoán.

Đánh giá từ thị trường cho thấy, giá đất nền tại một số địa phương đã giảm nhiệt và được kiểm soát tốt, đặc biệt sau khi các địa phương công khai quy hoạch và giá đền bù của Nhà nước. Đến nay, thị trường đã dần được kiểm soát và ổn định hơn nhưng không thể lơ là, chủ quan. NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục kiểm soát, đánh giá chặt chẽ tăng trưởng tín dụng lĩnh vực bất động sản.

“Về chứng khoán, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng thường xuyên giám sát chặt việc cho vay, đặc biệt hạn chế việc lách luật để sử dụng vốn sai mục đích trong hoạt động này, tăng cường các biện pháp mạnh mẽ hơn trong kiểm soát các hoạt động đầu tư chứng khoán”, ông Tuấn Anh cho biết.

Còn theo Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú, về nguyên lý, thị trường chứng khoán, bất động sản và tín dụng là có thông nhau nhưng cách thức liên thông như thế nào để đảm bảo an toàn, không gây bong bóng là vấn đề của nhà quản lý, trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan. Việc phối hợp kiểm soát chặt chẽ sẽ giúp “nắn” dòng vốn vào đúng lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hạn chế rủi ro nợ xấu tăng cao, từ đó ổn định kinh tế vĩ mô.

Do đó, ông Tú cho biết, NHNN đã có chỉ đạo mang tính “cầm tay chỉ việc” với các ngân hàng, chỉ rõ các ngân hàng nào đang cho vay bất động sản quá nhiều và yêu cầu giám sát. Nhìn tổng thể thì tăng trưởng tín dụng bất động sản vẫn ở mức độ vừa phải. NHNN tiếp tục giám sát và theo dõi chặt dòng tiền vào thị trường này và thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, khi dòng tiền cho vay ở vòng 1 thì có thể kiểm soát chặt chẽ, nhưng trong nền kinh tế thị trường năng động, việc kiểm soát dòng vốn ở vòng 2, vòng 3 là không dễ dàng.

Trên thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết đã có văn bản yêu cầu các địa phương có giải pháp để kiểm soát, quản lý thị trường bất động sản, đảm bảo ổn định thị trường. Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương báo cáo các giải pháp và kết quả thực hiện, trong đó cần phản ánh đúng diễn biến tình hình giá đất tại khu vực có hiện tượng sốt giá trong thời gian qua.

Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, kinh tế Việt Nam đang đối mặt với áp lực bong bóng tài sản từ cả bên ngoài. Tuy nhiên, điều đáng mừng và lạc quan là Chính phủ rất kiên định giữ ổn định kinh tế vĩ mô, nên sự phối hợp trong công tác chỉ đạo giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá khá nhịp nhàng.

“Dư nợ cho vay bất động sản và chứng khoán của hệ thống ngân hàng vẫn đang ở trong phạm vi cho phép, chưa đến mức phải “phanh gấp” hay thắt chặt quá. Giá đất nền tại nhiều nơi đã giảm đáng kể. Dù thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục đà tăng điểm song với sự phối hợp “ăn ý” giữa các bộ, ngành thì tin tưởng là có thể kiểm soát được dòng tiền để tránh rủi ro cho nền kinh tế”, ông Lực nói.

Chuyên đề