Hướng dòng tiền vào sản xuất, kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo một số chuyên gia kinh tế, thị trường tài sản có nhiều dấu hiệu bong bóng, có thể dẫn đến rủi ro cho hệ thống tín dụng và hoạt động kinh tế. Vì thế, cần tiếp tục kiểm soát tín dụng đi đúng hướng và chính sách tiền tệ phải đóng vai trò định hướng nguồn lực của nền kinh tế vào khu vực sản xuất ra của cải vật chất.
Trong năm 2020, các thị trường tài sản như chứng khoán, bất động sản đã tăng trưởng đáng kể nhờ thu hút được nguồn tiền nhàn rỗi của nhà đầu tư và hộ gia đình. Ảnh: Lê Tiên
Trong năm 2020, các thị trường tài sản như chứng khoán, bất động sản đã tăng trưởng đáng kể nhờ thu hút được nguồn tiền nhàn rỗi của nhà đầu tư và hộ gia đình. Ảnh: Lê Tiên

Lưu ý rủi ro bong bóng tài sản

Năm 2020 tín dụng tăng 13%, GDP tăng 2,93% GDP. Tín dụng/GDP hiện nay là hơn 140%, cung tiền M2 trên GDP xấp xỉ 190%, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Các nước ASEAN 5 tín dụng/GDP chỉ khoảng 60%. Chỉ ra những con số này, chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô thuộc Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, nền kinh tế đang phụ thuộc nhiều vào nguồn tín dụng, đồng thời các chính sách hỗ trợ tiền tệ năm 2020 đã để lại hiệu ứng phụ tương đối lớn. Đó là dòng tín dụng không đi trực tiếp vào sản xuất mà chủ yếu đi vào các kênh tiêu dùng hàng nhập khẩu và giao dịch tài sản như chứng khoán, bất động sản. Mặc dù giá cả tiêu dùng khá ổn định nhưng bong bóng giá tài sản, bên cạnh nợ xấu, là một rủi ro đáng quan ngại khi chính sách tiền tệ được nới lỏng.

Một dấu hiệu khác đó là khu vực ngân hàng, tài chính, bảo hiểm năm 2020 đạt mức tăng trưởng cao, nhiều ngân hàng lợi nhuận tăng rất mạnh. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp phá sản, tạm ngừng sản xuất, kinh doanh rất lớn, người dân tiêu dùng ít đi. Các gói hỗ trợ dường như mang lại lợi ích cho khu vực tài chính hơn là khu vực sản xuất.

Không những vậy, theo ông Phạm Thế Anh, tiền tiết kiệm của người dân, tiền nhàn rỗi của doanh nghiệp, do không đầu tư vào sản xuất, cùng chuyển dịch vào thị trường tài sản. Thực tế thì trong năm 2020, các thị trường tài sản đã có sự tăng trưởng đáng kể, chủ yếu vì đó là nơi trú ẩn cho các khoản tiền nhàn rỗi của nhà đầu tư và hộ gia đình. Việc lãi suất huy động tiền gửi liên tục hạ, do cầu tín dụng giảm, đẩy dòng tiền tiết kiệm ra khỏi ngân hàng ngày càng nhanh hơn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã lưu ý vấn đề nguồn vốn tập trung vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hơn là để phục vụ mở rộng sản xuất, kinh doanh. Một phần nguyên nhân do lãi suất ở mức thấp, dòng tiền có xu hướng đầu tư vào thị trường bất động sản. Một phần do công tác quản lý đất đai, quy hoạch, thổi giá của đối tượng môi giới, tạo nên các cơn sốt đất, khiến giá bất động sản nhiều khu vực tăng mạnh trong những tháng đầu năm, bất chấp diễn biến của dịch bệnh. Thị trường trái phiếu phát triển nhanh nhưng chủ yếu là trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng, sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất còn hạn chế. Tương tự, tổng mức huy động vốn vào thị trường chứng khoán tăng cao, tuy nhiên, giá trị phát hành cổ phiếu giảm, cho thấy nguồn vốn vào thị trường không thực sự để phục vụ mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trong thời gian tới, cần chú trọng theo dõi sát diễn biến các thị trường trên, không để xảy ra tình trạng bong bóng thị trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Ở góc độ khác, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực lưu ý, tổng nợ toàn cầu bao gồm nợ chính phủ, nợ doanh nghiệp, nợ hộ gia đình tăng rất mạnh trong 2 năm vừa qua, đến nay tổng nợ toàn cầu tương đương 360% GDP toàn cầu. Lãi suất thấp, doanh nghiệp và các chính phủ đi vay nợ rất nhiều. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đánh giá rủi ro tài chính toàn cầu hiện nay có thể so sánh với thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2018, 2019. Với khối nợ lớn như vậy, lãi suất trên thế giới chỉ cần tăng một chút thôi thì nghĩa vụ trả nợ của toàn cầu sẽ tăng lên nhiều.

Thận trọng với chính sách mở rộng tín dụng

Dự báo tăng trưởng tín dụng năm nay có thể khoảng 12% với điều kiện vẫn kiểm soát được bệnh dịch và nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng như trong quý I, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định, quan trọng nhất vẫn là tín dụng đi về đâu. Không đồng tình tiếp tục mở rộng tín dụng, ông Hiếu đề nghị Chính phủ cần rất cẩn thận, tiếp tục kiểm soát tín dụng. Chuyên gia này chia sẻ, ở Mỹ, ngân hàng không cho vay mua đất, mà chỉ cho vay mua đất khi có xây dựng công trình trên đất. Còn đối với thị trường chứng khoán, hiện chủ yếu tiền ở thị trường thứ cấp, không trở về nhà phát hành chứng khoán để phục vụ mở rộng sản xuất kinh doanh. Nếu VN-Index tiếp tục lên từ 1.300 điểm phải rất cẩn thận.

Theo ông Phạm Thế Anh, đối với chính sách tiền tệ cần lưu ý sự dịch chuyển dòng vốn vào thị trường bất động sản, không chỉ là vốn của ngân hàng mà cả các nguồn lực tiết kiệm trong dân, nguồn tiền nhàn rỗi của doanh nghiệp. Chính sách tiền tệ cần nắn được dòng tiền, nguồn lực trong dân vào khu vực sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, cần lưu ý tình trạng bong bóng tài sản đang hình thành trên thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản. Các cơ quan quản lý cần rất thận trọng với các chính sách mở rộng tài khóa, tiền tệ vì thực tiễn thời gian qua những chính sách đó ở Việt Nam không mang lại nhiều lợi ích cho khu vực sản xuất thực mà cho khu vực đầu cơ nhiều hơn.

Một số ý kiến khác cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế đang cần phục hồi sau khó khăn, cần tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Chuyên đề