Lạm phát “dễ thở”, nên tăng kích cầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 năm nay ghi nhận mức tăng thấp, kéo dài xu hướng giảm đà tăng của các tháng trước. Trong khi đó, sức cầu của nền kinh tế vẫn thấp nên nhiều ý kiến cho rằng cần đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách kích cầu để hỗ trợ đà tăng trưởng kinh tế, đồng thời, nên cân nhắc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý để tránh tình trạng “dồn ép” quá lâu dẫn đến bật tăng mạnh về sau gây tác động bất lợi.
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, CPI tháng 7/2023 tăng 0,45% so với tháng trước; bình quân 7 tháng năm 2023, CPI tăng 3,12% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,65%. Tại báo cáo kinh tế vĩ mô của Việt Nam vừa công bố, Ngân hàng HSBC cho rằng, chỉ số lạm phát tiếp tục mang lại tin tốt. Trong tháng 7, lạm phát toàn phần chỉ tăng 2,06% so với cùng kỳ năm 2022, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4,5% của cả năm nay. HSBC kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ cắt giảm lãi suất thêm 0,5 điểm % và sẽ là lần cắt giảm lãi suất cuối cùng trong chu kỳ nới lỏng hiện tại. Gần đây, NHNN cũng đã phát đi tín hiệu sẵn sàng thực hiện nhiều biện pháp hơn nếu “điều kiện thị trường cho phép”.

Dù vậy, nhóm nghiên cứu của HSBC vẫn thận trọng với những rủi ro gia tăng lạm phát tiềm ẩn, đặc biệt là hiện tượng El Nino. Theo đó, lạm phát lương thực đã tăng mạnh trong 2 tháng qua. Một tác động khác chính là các đợt tăng giá năng lượng, bởi gần đây Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xin phép Chính phủ về việc tăng giá điện một lần nữa do khó khăn tài chính.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, lạm phát chung và lạm phát cơ bản đều có dấu hiệu hạ nhiệt, tuy nhiên, không nên chủ quan với những yếu tố bất thường có thể xảy ra vào nửa cuối năm. Trong đó, diễn biến đáng chú ý là giá gạo trên đà tăng cao, giá nhiên liệu có thể tăng...

Do đó, theo ông Việt, việc Chính phủ có chỉ đạo về việc không tăng giá học phí các cấp theo Nghị định 81/2021 là một bước đi cần thiết và thận trọng để hãm đà tăng lạm phát nếu các yếu tố rủi ro với lạm phát tiềm ẩn trở thành hiện thực… “Có dư địa để thực hiện chính sách kích cầu bằng chính sách tiền tệ nới lỏng linh hoạt, nới lỏng chính sách tài khóa để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, song vẫn phải luôn thận trọng với rủi ro trong nửa cuối năm nay”, ông Việt nhấn mạnh.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, lạm phát chung đang có xu hướng giảm dần là điểm tích cực của bức tranh kinh tế vĩ mô hiện nay và các rủi ro lạm phát tiềm ẩn được đề cập tại báo cáo của HSBC cũng chưa đến mức đáng lo ngại.

Theo ông Lâm, về năng lượng, hiện Bộ Công Thương mới ở giai đoạn đề xuất sửa đổi Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg để tăng giá bán lẻ điện, quý III/2023 mới có thể trình bản sửa đổi, sớm thì đến quý IV năm nay mới được phê duyệt. Nếu được phê duyệt, năm 2024 mới áp dụng để tăng giá điện và có thể sẽ tác động đến CPI của năm 2024 chứ không phải năm nay. Giá xăng dầu cũng trong xu hướng giảm và được dự báo mức giá bình quân cả năm thấp hơn đáng kể so với năm ngoái.

Về lương thực, nhiều nước đang thiếu hụt lương thực khi Ấn Độ, UAE và Nga ban hành quyết định cấm xuất khẩu lúa gạo, đẩy giá lương thực tăng cao. Tuy nhiên, Việt Nam có thế mạnh về sản xuất lương thực nên có thể cân đối được cung - cầu để bảo đảm khả năng kiểm soát giá cả mặt hàng này tại thị trường trong nước. Do đó, dự báo CPI sẽ không chạm đến ngưỡng 4,5% trong năm nay.

Theo ông Lâm, Chính phủ nên cân nhắc điều chỉnh giá các mặt hàng do Chính phủ quản lý như y tế, giáo dục để tránh trường hợp “dồn ép” quá lâu rồi tăng mạnh cùng lúc gây bất ổn. Mặt khác, khi nền kinh tế suy yếu và lạm phát ở mức thấp thì nên đẩy mạnh kích cầu qua việc tăng cường các giải pháp hỗ trợ, tích cực giải ngân đầu tư công.

Liên quan nội dung này, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ ngày 3/8, đại diện các bộ, ngành đồng thuận với quan điểm từ nay đến cuối năm, dư địa điều hành giá "dễ thở hơn", đủ điều kiện xem xét lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ Nhà nước quản lý vào thời điểm thích hợp để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, đồng thời bảo đảm sự đồng thuận xã hội, giảm bớt áp lực cho các năm tiếp theo.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến thị trường, tình hình sản xuất và nguồn cung, nhất là các nông sản vào chính vụ để định hướng sản xuất, kinh doanh đáp ứng nhu cầu thị trường, hạn chế các yếu tố tác động đến giá cả, bảo đảm lợi ích của người dân, doanh nghiệp và đất nước.

Về dịch vụ giáo dục và vật tư giáo dục, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tổng thể các yếu tố tác động, trên cơ sở đó đề xuất lộ trình, mức độ điều chỉnh phù hợp. Về giá dịch vụ y tế, Bộ Y tế khẩn trương rà soát, ban hành định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Chuyên đề